Các bạn trẻ Kiều bào tham gia Trại Hè chụp ảnh kỷ niệm với Ban Tổ chức. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
120 thanh niên, sinh viên Kiều bào tiêu biểu đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vừa kết thúc hành trình tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Trại Hè Việt Nam 2023.
Hành trình đã kết thúc song dư âm và những kỷ niệm đẹp vẫn còn đọng lại mãi. Những trải nghiệm thực tế giúp các Kiều bào trẻ thêm hiểu, yêu thương và gắn bó với quê hương, đất nước. Đây cũng được xem là nền tảng cho những hoạt động gắn kết và hướng về quê hương của tuổi trẻ Kiều bào trong tương lai.
Xúc động khi trở về
Tham dự Trại Hè năm nay, các Kiều bào tiêu biểu đã đi qua 10 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng.
Chương trình được xây dựng trên cơ sở kết hợp nhiều yếu tố như lịch sử, văn hóa cội nguồn và các chương trình trải nghiệm, giao lưu gắn kết, với nhiều dấu ấn để các em có được nhiều kỷ niệm khó quên.
Tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài nguyện đoàn kết một lòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt và quốc gia, dân tộc.
Nhiều Kiều bào trẻ lần đầu tiên về với Nghệ An đã rất xúc động. Bởi ở quê ngoại, quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngôi nhà, phong cảnh đến vườn cây xanh, các hiện vật đều rất đơn sơ, ấm áp và giản dị.
Lần đầu tiên Lưu Nguyên Anh (20 tuổi, Kiều bào Hoa Kỳ) được về thăm quê Bác, cũng là quê nội của em. Nguyên Anh tự nhủ khi trở lại nơi định cư sẽ tự hào nói với các bạn rằng Bác Hồ - Lãnh tụ giải phóng dân tộc Việt Nam, có đời sống giản dị như bao người dân khác.
Chung cảm xúc khi được "trở về nhà," Bùi Bảo Anh (Kiều bào Nga) cho biết em cảm thấy rất thân quen và xúc động. Bảo Anh sinh ra và lớn lên ở Nga, em nói giọng miền Trung khá rõ bởi bố mẹ em đều người Hà Tĩnh.
Trong gia đình, bố mẹ em thường xuyên nói tiếng Việt và dạy các em về truyền thống của gia đình, dân tộc. Bảo Anh chia sẻ để bảo tồn và phát huy di sản, cần quảng bá và lan tỏa Tiếng Việt đến thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư ở nước ngoài.
Tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, sinh viên kiều bào đã đến đặt vòng hoa, dâng hương, kính cẩn nghiêng mình, tưởng nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha ông, đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.
Nằm bên dòng sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử đấu tranh của cách mạng Việt Nam với cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt. Thành cổ Quảng Trị được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của hàng vạn người lính đã ngã xuống vì quê hương, vì hòa bình thống nhất đất nước.
Tại đây, sinh viên Kiều bào đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn; tham quan và tìm hiểu lịch sử Khu Di tích Đặc biệt Quốc gia Cầu Hiền Lương-Sông Bến Hải; Di tích Quốc gia Đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống Làng hầm Vĩnh Linh.
Các đại biểu đã đến thăm hỏi, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng tại huyện Vĩnh Linh và tham quan Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tại Quảng Trị.
Về với mảnh đất thiêng Quảng Trị, các kiều bào trẻ hiểu hơn về đất nước, con người, lịch sử và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc. Từ đó, các em ý thức được trách nhiệm của mình đối với sự phát triển đất nước và giữ gìn cội nguồn dân tộc, đặc biệt là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” nâng cao ý thức trong việc quảng bá văn hóa, lịch sử, đất nước con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Có mặt tại Thừa Thiên-Huế, các Kiều bào trẻ đã được trải nghiệm mặc áo dài truyền thống, đội mấn và du ngoạn khung cảnh nên thơ xứ Huế, ghé thăm một số di tích nổi tiếng như Lăng Khải Định, Lăng Tự Đức, Chùa Thiên Mụ và Đại Nội Huế.
Đặt chân đến Đại Nội Huế, các Kiều bào trẻ được hướng dẫn viên chia sẻ nhiều kiến thức về kiến trúc công trình cung cấm thời vua chúa nhà Nguyễn cũng như lịch sử đất nước dưới triều đại xưa. Với tà áo dài ngũ thân đặc trưng của Triều Nguyễn, nhiều em đã cố gắng lưu giữ thật nhiều hình ảnh đẹp bên cổng thành Ngọ Môn, Điện Thái Hòa…
Tiết mục văn nghệ của các bạn trẻ Kiều bào tại Lễ Bế mạc Trại Hè Việt Nam 2023. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Mang theo niềm hạnh phúc và tự hào khi được đại diện cho cộng đồng người Việt tại Malaysia, Lê Nguyễn Tùng Chi (19 tuổi) chia sẻ niềm vui về chuyến tham quan Cố đô Huế đặc biệt lần này khi được đồng hành, giao lưu, chia sẻ những suy nghĩ cùng các bạn kiều bào khác.
Qua chuyến tham quan, Tùng Chi biết thêm và trải nghiệm nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, chứa đựng dấu ấn lịch sử của vùng đất Thừa Thiên-Huế như Đại Nội Huế với lối kiến trúc hết sức kỳ công, đẹp mắt.
“Được chụp ảnh mặc áo dài hôm nay sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ, đầy tự hào đối với em. Sau khi kết thúc chương trình Trại hè Việt Nam 2023, em muốn được đóng góp sức mình cho quê hương Việt Nam. Trở lại Malaysia, em sẽ chia sẻ những hình ảnh của mình về đất nước Việt Nam cũng như lan tỏa nét văn hóa, lịch sử, ẩm thực của quê hương đến các bạn bè tại trường đại học” - Tùng Chi bộc bạch.
Đã hai lần đến Huế, nhưng sự trở lại lần này lại gây cho bạn Khamphoun Somvixay (Kiều bào Lào) nhiều ấn tượng bởi được mặc áo dài truyền thống, thưởng thức món bún bò Huế, chè Cung đình. Đặc biệt, qua các buổi giao lưu với các bạn bè đồng trang lứa tại Huế, Khamphoun Somvixay học được nhiều từ vựng mới, trau dồi thêm vốn từ tiếng Việt của mình.
Khamphoun Somvixay vui mừng cho biết em đã chụp rất nhiều ảnh đẹp và háo hức chia sẻ để giới thiệu bạn bè muôn nơi được biết đến một Cố đô Huế cổ kính, xinh đẹp, đáng trải nghiệm.
Nguyễn Minh Thắng (Kiều bào Lào) tâm sự Trại Hè Việt Nam không chỉ là một chương trình giáo dục và vui chơi, các Kiều bào trẻ thực sự được kết nối với nguồn cội, lịch sử, văn hóa Việt Nam.
“Chương trình kết nối chính mỗi người bởi, dù có đi đâu, mỗi chúng ta vẫn luôn khao khát hướng về nguồn gốc của mình. Em tin rằng tình cảm thương yêu, gắn bó với quê hương được nuôi dưỡng qua chính những kỷ niệm đẹp như 16 ngày vừa qua trong Trại Hè Việt Nam.”
Tuổi trẻ Việt Nam đồng hành vươn tới tương lai
Sau 18 lần tổ chức, Chương trình Trại Hè Việt Nam đã thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham gia. Nhiều em trong số đó đã trưởng thành, tham gia tích cực và trở thành hạt nhân trong công tác cộng đồng. Nhiều em đã trở về Việt Nam sinh sống, làm việc. Trại Hè đã trở thành vòng tay kết nối nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam ở nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới và kết nối với thế hệ trẻ trong nước.
Đây là nền tảng quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nguồn lực quý báu cho Tổ quốc, là tương lai của dân tộc Việt. Chương trình Trại hè Việt Nam cũng góp phần khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước “cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam,” đồng thời thể hiện sự quan tâm đối với thế hệ trẻ Kiều bào.
Trại Hè Việt Nam 2023 có chủ đề “Tuổi trẻ Việt Nam đồng hành vươn tới tương lai.”
Trong suốt 16 ngày, các thanh niên, sinh viên Kiều bào được tham quan các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc tại các di tích lịch sử, bảo tàng…; tham gia các hoạt động tri ân, tưởng niệm tại Khu Di tích Đền Hùng (Phú Thọ), Đền Vua Đinh, Vua Lê tại Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Khu Di tích Lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa), Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn (Quảng Bình), Thành cổ Quảng Trị…
Bên cạnh đó còn nhiều hoạt động giao lưu, trò chơi dân gian, tắm biển, đốt lửa trại; tham gia cuộc thi kể chuyện tiếng Việt, trình diễn áo dài, trang phục truyền thống các nước; thăm, tặng quà tại Làng trẻ SOS, trung tâm bảo trợ xã hội tại một số địa phương.
Dư âm và những kỷ niệm đẹp sẽ còn đọng mãi trong mỗi thanh niên Kiều bào. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Có thể nói đây là một hành trình đầy ý nghĩa, đưa các thanh niên sinh viên Kiều bào đến với những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử của dân tộc để các em được hiểu hơn về Tổ quốc mình, tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc. Đặc biệt, các em được tham gia hoạt uống nước nhớ nguồn, tri ân tổ tiên, tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc và giao lưu, kết nối với thanh niên, sinh viên tại nhiều địa phương trong nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài tin tưởng trong tương lai, các em sẽ là những người tiếp nối ông bà, cha mẹ mình, tiếp tục nỗ lực học tập, phấn đấu xây dựng sự nghiệp riêng, đồng thời luôn duy trì sự gắn bó với quê hương Việt Nam.
Trong khả năng của mình, các em sẽ có những đóng góp thiết thực để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh. Đây cũng chính là gửi gắm của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài khi lấy chủ đề Trại Hè năm nay là “Tuổi trẻ Việt Nam đồng hành vươn tới tương lai.”
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng xúc động chia sẻ: “Chia tay bao giờ cũng rất khó, nhất là khi đã cùng nhau trong hành trình 16 ngày đầy ắp kỷ niệm. Nhưng chúng ta nhất định sẽ còn gặp lại nhau trên những chặng đường phía trước, ở Việt Nam hay ở nơi nào đó trên thế giới rộng lớn này. Và để khoảng cách không còn là trở ngại, chúng ta hãy giữ liên hệ với nhau.”
Trại Hè Việt Nam 2023 đã khép lại nhưng dấu ấn về một hành trình đầy ý nghĩa và nhiệt huyết tuổi trẻ sẽ không bao giờ phai mờ trong lòng các bạn trẻ Kiều bào. Hoạt động này đã tạo nên sự kết nối giữa các bạn trẻ Kiều bào với nhau và với văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, con người Việt Nam.
Nay mai, khi các em trở về nơi mình sinh sống, với sức trẻ, hoài bão và khát vọng của những người con đất Việt, các em sẽ có những đóng góp thiết thực vào công cuộc gìn giữ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước Việt Nam thân yêu./.
Theo TTXVN/Vietnam+