Tỷ lệ trẻ em được chủng ngừa vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà trong vòng bốn tháng đầu năm giảm rõ rệt khi so sánh với số liệu của ba thập kỷ gần đây.

Theo Tiến sĩ Tedros Ghebreyesus, giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine là một công cụ phòng bệnh hữu hiệu. Ông cho rằng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em không được tiêm chủng vaccine có thể còn lớn hơn so với con số nhiễm nCoV.

Chương trình tiêm chủng mở rộng ở 2/3 trong số hơn 80 quốc gia được khảo sát của Liên Hợp Quốc đã bị gián đoạn, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và WHO, ngày 15/7.

Hai tổ chức cho rằng sự gián đoạn này liên quan đến việc thiếu dụng cụ bảo hộ cho y bác sĩ, sự hạn chế di chuyển, trình độ khiêm tốn của một bộ phận nhân viên y tế trên thế giới. Đại dịch cũng khiến nhiều cha mẹ ngần ngại đưa con cái mình ra khỏi nhà.

Một trẻ tại Kiev, Ukraine đang được tiêm vaccine, tháng 8/2019. Ảnh: Reuters

Đến tháng 5 năm nay, ít nhất 30 chương trình tiêm chủng vaccine phòng sởi đã hoặc có nguy cơ bị hủy bỏ do ảnh hưởng của đại dịch.

Các đợt bùng phát của dịch sởi đã trở thành vấn đề nghiêm trọng trước cả khi Covid-19 xảy ra, với hơn 10 triệu người mắc và 140,000 trường hợp tử vong năm 2018. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, phần lớn trong số đó là trẻ em.

Tình trạng gián đoạn chương trình tiêm chủng toàn cầu là một tin rất xấu, đặc biệt là đối với các quốc gia thu nhập thấp trên thế giới. Chương trình tiêm chủng mở rộng được ước tính đã cứu sống hơn ba triệu trẻ em mỗi năm, bảo vệ các em khỏi những bệnh truyền nhiễm nhất định.

Các chuyên gia tin rằng mầm bệnh truyền nhiễm có thể tước đi hàng triệu sinh mệnh trẻ em nước nghèo, bị phân biệt đối xử, có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Covid-19 làm tiêu tốn rất nhiều nhân lực, vật lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới. Cộng đồng quốc tế phải dành sự tập trung, nỗ lực để chiến đấu với đại dịch.

Tình trạng nghiêm trọng này cũng tạo ra các rào cản lớn trong việc cung cấp dịch vụ y tế, nhất là tại các nước nghèo, nơi chuỗi cung ứng dễ dàng bị gián đoạn, trang thiết bị bảo hộ quá đơn sơ, nỗi sợ nhiễm nCoV ngăn cản các gia đình đưa con đi tiêm chủng.

Tuy nhiên những bệnh truyền nhiễm như sởi, bạch hầu, tả bắt đầu có xu hướng gia tăng. Nhu cầu khống chế chúng giữa đại dịch trở nên ngày một cấp thiết.

Chương trình tiêm chủng thậm chí đã bị gián đoạn ở nhiều nơi trên thế giới ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, theo đại diện của Liên Hợp Quốc. Năm 2019, gần 14 triệu trẻ em, một nửa sinh sống ở Châu Phi, không được tiêm vaccine sởi và bạch hầu. Hai phần ba trong số đó là trẻ em đến từ 10 quốc gia: Angola, Brazil, Congo, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nigeria, Pakistan và Philippines.

Cùng lúc đó, tỷ lệ trẻ em được chủng ngừa vaccine sụt giảm một cách nghiêm trọng, chưa từng có trong lịch sử tại Mỹ Latin và vùng Caribean. Đại diện của UNICEF và WHO phát biểu: "Số lượng trẻ được tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo tại thời điểm này sẽ giảm tới 20% so với trước đây."

Theo vnexpress