leftcenterrightdel
Một người nhận bánh mì miễn phí từ "cây ATM" tự động. Ảnh: AFP 

Dubai - thành phố của những tòa nhà chọc trời sừng sững giữa sa mạc và là nơi tập trung những triệu phú giàu có - cũng không tránh khỏi tác động từ giá tiêu dùng tăng nhanh. Đây là một xu hướng đang xuất hiện trên toàn cầu và đã trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine. 

Tuần trước, 10 “cây ATM” bánh mì tự động đã được lắp đặt tại các siêu thị ở Dubai. Cỗ máy này có màn hình cảm ứng máy tính, cho phép mọi người chọn lựa những loại bánh khác nhau: ổ bánh mì sandwich, bánh mì pitta hoặc bánh chapatis phẳng kiểu Ấn Độ. Tất cả đều thơm phức và nóng hổi. 

Trong máy có đầu đọc thẻ tín dụng để tiếp nhận các khoản ủng hộ từ thiện, chứ không nhằm mục đích thanh toán.

"Một người bạn nói với tôi rằng ở đây phân phát bánh mì miễn phí, nên tôi đã tìm đến", anh Bigandar, một thanh niên người Nepal, làm nghề rửa xe, cho biết. Giống như hàng triệu người nhập cư châu Á khác, anh Bigandar mơ ước đổi đời tại đất nước UAE giàu có. 

Theo số liệu của chính phủ từ Trung tâm Thống kê Dubai, chỉ số giá thực phẩm trong tháng 7 vừa qua đã tăng 8,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí vận tải đã tăng hơn 38%.

Máy phát bánh mì là sáng kiến của quỹ từ thiện do người cai trị Dubai, ông Mohammed bin Rashid Al-Maktoum thành lập.

Giám đốc của quỹ trên, bà Zeinab Joumaa al-Tamimi, chia sẻ: “Ý tưởng của chúng tôi là tìm đến với các gia đình và công nhân có hoàn cảnh khó khăn trước khi họ tìm đến chúng tôi. Giờ đây, bất cứ ai có nhu cầu đều có thể nhận được bánh mì nóng chỉ với một nút bấm”.

“Cường quốc” dầu mỏ UAE có dân số gần 10 triệu người, trong đó 90% là người lao động nước ngoài đến từ châu Á và châu Phi. Dubai - trung tâm thương mại của UAE - dựa vào đội quân công nhân trên để xây dựng các tòa nhà chọc trời và phục vụ ngành dịch vụ, từ bất động sản đến du lịch xa xỉ.

Anh Bigandar, người đã làm việc ở Dubai ba năm, cho biết tiền công rửa xe là 3 dirham mỗi chiếc, tương đương 81 cent Mỹ.

Nếu làm việc chăm chỉ và được khách hàng thưởng thêm, anh ấy sẽ kiếm được từ 700 - 1.000 dirham mỗi tháng (190-270 USD), song vẫn chưa đủ trang trải. "Chủ của tôi lo chỗ ở và chi phí đi lại, nhưng không bao tiền ăn”, anh nói.

Nhằm phản đối những khó khăn ngày càng tăng mà người lao động nhập cư phải đối mặt, tháng 5 vừa qua, những người giao hàng ở UAE đã đình công và yêu cầu mức lương cao hơn trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng.

Đến tháng 7, các nhà chức trách thông báo tăng gấp đôi viện trợ xã hội, nhưng chỉ dành cho một số ít các gia đình người bản địa có thu nhập dưới 25.000 dirham mỗi tháng (6.800 USD), được coi là những hộ gia đình khó khăn. Chương trình viện trợ này không bao gồm người nước ngoài.

Ông Fadi Alrasheed, doanh nhân người Jordan sống ở Dubai nói rằng: “Do lạm phát và lãi suất tăng kéo theo chi phí sinh hoạt, rất nhiều người có mức lương thấp đã không thể đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt”. 

Theo Báo cáo Di cư Thế giới của Liên hợp quốc, UAE là nơi sinh sống của gần 8,7 triệu người di cư, chủ yếu đến từ Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan. Trong khi đó, công ty tư vấn di cư đầu tư có trụ sở tại London, Henley and Partners ước tính ở Dubai có hơn 68.000 triệu phú và 13 tỷ phú, nên được xếp hạng giàu có thứ 23 trên thế giới.

Theo baotintuc