Cuộc ‘đấu trí’ giữa Úc với các ‘ông lớn’ công nghệ đang nóng hơn bao giờ hết - Ảnh: BBC
Tuy nhiên, ngành truyền thông ở Úc có thể sẽ rất chật vật khi các trang báo nhỏ, độc lập đối mặt nhiều bất lợi giữa cuộc chiến này, theo CNET.
Trận chiến giữa những ông lớn
Có hai lý do dẫn đến việc các quốc gia khác sẽ nối gót Úc: nâng đỡ nền báo chí hoặc ban hành luật 'đánh' vào các ông lớn công nghệ nhằm giành phần thắng trong quan điểm chính trị.
Chính phủ Úc, lãnh đạo bởi Đảng Tự do cánh hữu, đang tìm cách siết chặt Facebook và Google, nhưng vẫn chưa thể biết chắc liệu cách này có cứu vớt được nền truyền thông đang chật vật hay không.
Ý định của Úc nhằm cân bằng quyền thương lượng giữa những hãng tin tức đang gặp khó khăn và những công ty công nghệ đang trên đà bành trướng. Kết quả cuối cùng là rút hàng triệu đôla từ Google đổ vào những ông lớn truyền thông như News Corporation, đồng thời thu tiền các hãng nhỏ lẻ và độc lập đang đánh sân Facebook.
Thật không may, vào tháng 10 năm ngoái, một nhóm 10 nhà xuất bản nhỏ của Úc đã viết thư gửi đến cơ quan giám sát cạnh tranh, trình bày lo ngại rằng luật mới sẽ gây bất lợi cho họ.
Theo đó, "gã khổng lồ" News Corporation có thể thu về khoản tiền lớn. Và dù cho Facebook hay Google hạn chế các dịch vụ tin tức tại Úc, News Corporation vẫn nhận được hỗ trợ từ phía các kênh truyền hình, đài phát thanh và những tờ báo mà họ sở hữu. Trong khi đó, các hãng báo chí độc lập và nhỏ lẻ sẽ khó thu lợi và mất đi mạng lưới chia sẻ tin tức trên Facebook và Google.
Một ví dụ, CEO của trang tin tức dành cho giới trẻ Junkee (Úc) cho biết 75% lượng truy cập của họ được dẫn từ Google và Facebook. Và hiện họ đang nháo nhào khi bị Facebook chặn nội dung.
Trong khi đó, Google mới đây đã đồng ý trả hơn 23 triệu USD mỗi năm cho 2 ông lớn Nine Entertainment và Seven West, vốn sở hữu hàng tá tờ báo và mạng lưới truyền hình, phát thanh.
Ngày 17-2, Google cũng đã ký thỏa thuận trả tiền tin tức cho tập đoàn News Corporation trong vòng 3 năm, số tiền được nói là hàng trăm triệu USD. Các tin tức được tuyển chọn trên những tờ báo lớn sở hữu bởi News Corporation như The Wall Street Journal, The Times và The Australian sẽ xuất hiện trên tính năng News Showcase của Google.
Câu chuyện không hồi kết
Sau giai đoạn phát triển đến chóng mặt, các gã khổng lồ công nghệ đang trên bờ vực bị đánh đổ bởi các chính phủ trên toàn thế giới. Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng cho 2 bước ngoặt pháp lý là Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số và Đạo luật thị trường kỹ thuật số, buộc Facebook và Google phải chịu trách nhiệm về những nội dung vi phạm pháp luật, cũng như ngăn các công ty này độc quyền. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã khởi kiện Google vi phạm luật chống độc quyền vào tháng 10-2020.
Câu chuyện này rất khó đi đến hồi kết. Những thông tin sai lệch và nội dung thù hận phát tán khắp Facebook quá thường xuyên là điều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn chỉnh đốn, trong khi Google và Apple bị tố cáo hoạt động không công bằng trên hai kho ứng dụng của họ.
Nói cách khác, việc ban hành quy định và luật pháp lên các ông lớn công nghệ là tất yếu. Tuy nhiên, từng chi tiết nhỏ rất quan trọng và rất có thể những chính phủ, vốn nôn nóng muốn thuần phục Thung lũng Silicon, sẽ khiến tình hình tệ hơn.
Luật mới của Úc có lẽ sẽ mang tới kết cục viên mãn. Có lẽ số tiền kếch xù trả cho các ông lớn truyền thông của Úc sẽ được dùng để tài trợ mạnh mẽ cho hoạt động báo chí, thu hút một lượng lớn nhà báo hăng say làm nghề.
Có lẽ Facebook sẽ tiến đến thỏa thuận "trả" phí tin tức cho nước Úc, và các hãng tin độc lập sẽ khởi sắc hơn bao giờ hết.
Nhưng những điều đó vẫn chưa xảy ra. Cho đến lúc này, những tờ báo nhỏ đang hứng cả hai lưỡi rìu: Google bắt tay với các ông lớn, còn Facebook chặn tin tức khiến các "ông nhỏ" chật vật.
Theo congnghe.tuoitre