Chú thích ảnh
Giám đốc điều hành Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), bà Natalia Kanem phát biểu trong phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 nhân kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới lần thứ 4 về phụ nữ ngày 1/10/2020. Ảnh: Hữu Thanh/Pv TTXVN tại New York

Tuyên bố của bà Natalia Kanem đã đề cập đến tiến bộ con người đạt được như có sức khỏe tốt hơn và tuổi thọ dài hơn. Tuy nhiên, theo bà, những bước tiến này thực tế không đồng đều và tình trạng bạo lực có hệ thống đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn cướp đi hạnh phúc và quyền được hưởng hòa bình của nhóm người dễ tổn thương này. Bà nhấn mạnh điều này sẽ tồn tại chừng nào các quyền và sự lựa chọn của phụ nữ còn bị coi là điều thứ yếu so với nam giới và không có quyền tự chủ thân thể. 

Tiến sĩ Kanem lưu ý bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra khắp nơi, phần lớn trong gia đình, trường học, doanh nghiệp, công viên, phương tiện giao thông công cộng, đấu trường thể thao và môi trường mạng. Tình trạng này leo thang trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xung đột bùng phát tại nhiều nơi. Đối với phụ nữ và trẻ em gái, không có nơi nào là hoàn toàn an toàn. Bạo lực đối với nhóm đối tượng này vẫn là hành vi vi phạm nhân quyền kéo dài nhiều năm nhất, tàn khốc nhất và bị phớt lờ nhiều nhất trên thế giới. 

Tuy nhiên, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Bà Kanem nhấn mạnh con người có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng này bằng cách cùng nhau đoàn kết, cũng như bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. Mọi người đều có quyền tự chủ về thân thể cũng như được sống trong sự an toàn và an ninh. UNFPA sát cánh cùng các đối tác của Liên hợp quốc (LHQ) và Chiến dịch UNiTE của Tổng Thư ký LHQ trong việc kêu gọi các chính phủ và đồng minh hành động ngay để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả các lĩnh vực khác nhau.

Tiến sĩ Kanem cho biết công nghệ đang tiếp tay cho việc gia tăng bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em. Bà dẫn số liệu đáng kinh ngạc của Economist Intelligence Unit cho biết có tới 85% phụ nữ từng trải qua hoặc chứng kiến bạo lực trên mạng, thậm chí còn cao hơn ở những nơi mà bất bình đẳng giới vẫn còn ăn sâu. Sự lạm dụng và gây tổn hại có thể phức tạp hơn do các yếu tố đan xen, chẳng hạn như chủng tộc, tình trạng khuyết tật và tôn giáo. Do đó, thế giới cần lưu tâm tới các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực dựa trên cơ sở giới.

UNFPA đã phát động chiến dịch “bodyright” nhằm chấm dứt nạn lạm dụng, quấy rối trực tuyến bằng cách tạo ra một biểu tượng chung. Chiến dịch này đã mở đầu một phong trào toàn cầu đa dạng nhằm ngăn chặn bạo lực có sự tiếp tay của công nghệ, một phong trào liên kết các nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ với các cơ quan quản lý của chính phủ và các nhà cung cấp công nghệ thuộc khu vực tư nhân. Thực tế cho thấy nhiều nước cũng đã dần ý thức được sự cấp bách phải đẩy lùi vấn nạn trên. Vương quốc Anh và Mỹ đã ban hành luật an toàn trực tuyến mới. Lào đã áp dụng các công cụ để trang bị cho các nhà cung cấp dịch vụ ứng phó với tình trạng bạo lực được công nghệ hỗ trợ. Tunisia cho ra mắt một ứng dụng giúp những người trẻ tuổi tham gia môi trường mạng một cách an toàn. Argentina đã tích hợp vấn đề này vào một chương trình giáo dục giới tính toàn diện. 

Những thay đổi trên được đánh giá là khởi đầu tốt song cần làm nhiều hơn nữa. Ngoài quy định pháp luật, UNFPA cho rằng cần thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận quyền tự chủ thân thể và được sống trong môi trường an toàn, không có bạo lực của phụ nữ và trẻ em gái. Cơ quan này đồng thời kêu gọi mọi người dân tích cực tham phong trào "bodyright" để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vì lợi ích của tất cả mọi người.

Theo TTXVN