Cảnh vắng vẻ trên Quảng trường ở Turin, Italy do dịch COVID-19, ngày 4/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo ông Margaritis Schinas, Ủy viên châu Âu phụ trách về vấn đề nâng cao đời sống, toàn bộ các nước thành viên khối Schengen phải thực hiện tốt các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế tương tác trong cộng đồng và làm chậm đà lây lan của virus.

Bên cạnh đó, EU cũng cần hạn chế các hoạt động đi lại không thiết yếu từ các nước thứ 3 để hỗ trợ cho nỗ lực trên.

Khối Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu, chủ yếu là các nước thành viên EU.

Trong diễn biến khác, cùng ngày, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hối thúc các quốc gia thành viên EU dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dược phẩm nhằm tránh gây thiếu hụt mặt hàng thiết yếu này trong khối.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu châu Âu Mauro Ferrari đã bất ngờ đệ đơn từ chức sau 4 tháng tại vị, với lý do không tìm được tiếng nói chung với EC trong việc xây dựng chương trình chống đại dịch COVID-19.

Ông Ferrari cho biết EC không quan tâm tới những đề xuất của ông về các nguồn lực và công cụ chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, phát ngôn viên của EC Johannes Bahrke đã lập tức bác bỏ chỉ trích này khi cho biết Hội đồng Nghiên cứu châu Âu đã có 140 triệu euro cho 18 dự án nghiên cứu đang được triển khai.

Đức Hùng-Vũ Hà (TTXVN/Vietnam+)