Bác sĩ Robert Blas (trái) chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 của Pfizer cho một cậu bé ở TP.Los Angeles, Mỹ - AFP
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Yale và Quỹ Thịnh vượng chung, một tổ chức tư nhân thúc đẩy chăm sóc y tế, gần đây đã so sánh những khuynh hướng thực tế về các ca nhiễm Covid-19, ca nhập viện và ca tử vong với mô hình của các khuynh hướng đáng lẽ diễn ra nếu không có vắc xin Covid-19, theo CNN.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã so sánh mô hình về dịch bệnh do họ đưa ra với các khuynh hướng thực tế của dịch bệnh từ giữa tháng 12.2020, khi chương trình tiêm vắc xin Covid-19 bắt đầu ở Mỹ, và đến cuối tháng 6.2021. Kết quả là các nhà nghiên cứu ước tính có thêm khoảng 279.000 người có lẽ đã chết vì Covid-19, và thêm 1,25 triệu người nhập viện nếu không có vắc xin Covid-19. Họ còn ước tính nếu tiến độ tiêm vắc xin chỉ đạt được phân nửa mức độ đã được tiến hành như thực tế, có lẽ đã có thêm khoảng 121.000 người chết và thêm 450.000 người nhập viện.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu không có vắc xin Covid-19, số ca tử vong hằng ngày ở Mỹ từ tháng 3 - 5.2021 có lẽ đã tăng lên gần 4.500 ca, cao hơn cả con số 3.400 ca/ngày lúc dịch đạt đỉnh vào tháng 1. Họ dự đoán số ca tử vong có thể đã tăng thêm nếu không có vắc xin là do sự gia tăng và lây lan của biến thể Alpha, được phát hiện lần đầu ở Anh và phổ biến ở Mỹ từ tháng 3 - 5. Điều phối viên về Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zients gọi nghiên cứu mới là “lời nhắc nhở có tác dụng mạnh” chống lại các nguy cơ đe dọa nỗ lực tiêm vắc xin của chính phủ Mỹ.
“Đây là bằng chứng mới cho thấy chiến lược toàn chính quyền của chúng ta đang có tác dụng và đã ngăn chặn thêm thảm kịch và sự phá hủy đối với cuộc sống và sinh kế của người Mỹ”, ông Zients nhấn mạnh. Gần 48% dân số Mỹ, khoảng 150 triệu người, đã được tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ, theo CNN dẫn dữ liệu từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ.
Trước khi nghiên cứu trên được công bố, báo The Conversation dẫn nghiên cứu gần đây nhất từ Anh cho thấy việc tiêm 2 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca có thể mang lại hiệu quả bảo vệ 67% trước biến thể Delta, có thể lây nhiễm nhiều hơn so với Alpha, và tỷ lệ này từ 2 liều vắc xin của Pfizer là 80%.
Cũng theo nghiên cứu, việc tiêm 2 liều vắc xin của AstraZeneca hoặc Pfizer có hiệu quả trên 90% trong việc ngăn chặn tình trạng nhập viện do Delta gây ra. Tuy nhiên, Pfizer hồi tuần trước cho hay nghiên cứu mới của công ty cho thấy sau khi tiêm liều thứ 3, kháng thể của người được tiêm tăng lên từ 5 - 10 lần so với việc tiêm 2 liều. Do đó, Pfizer cho hay định gặp giới chức y tế Mỹ vào ngày 12.7 (giờ Mỹ) để thảo luận về đề nghị tiêm liều thứ 3, theo AP.
Ngày 11.7, Cố vấn y tế trưởng của Nhà Trắng Anthony Fauci không loại trừ khả năng này, nhưng nhấn mạnh còn quá sớm để chính phủ Mỹ đề nghị người dân tiêm thêm liều thứ 3. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Israel Nitzan Horowitz hôm 11.7 thông báo những người đã tiêm 2 liều vắc xin của Pfizer và có hệ miễn dịch yếu có thể tiêm liều thứ 3, nhưng giới chức vẫn đang cân nhắc liệu có nên cho đại đa số người dân tiêm liều thứ 3 hay không, theo AFP.
EU đạt mục tiêu phân phối vắc xin Covid-19 Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen hồi cuối tuần trước tuyên bố Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt mục tiêu phân phối đủ số lượng vắc xin Covid-19 cho 70% dân số trưởng thành trong khối, theo AFP. EU được cho là có tổng cộng 366 triệu dân trưởng thành. Các chính phủ của 27 quốc gia thành viên EU đang chịu trách nhiệm quản lý việc tiêm vắc xin cho các công dân và bà von der Leyen khẳng định “EU đã giữ lời hứa” về việc cung cấp vắc xin. Kế hoạch mua vắc xin chung EU, do Ủy ban Châu Âu điều hành, đã phân phối 330 triệu liều vắc xin của Pfizer, 100 triệu liều của AstraZeneca, 50 triệu liều của Moderna và 20 triệu liều của Johnson & Johnson. “Covid-19 chưa bị đánh bại, nhưng chúng tôi sẵn sàng tiếp tục cung cấp vắc xin, cũng nhằm chống lại biến thể mới. Hiện nay, tất cả các nhà nước thành viên phải làm mọi thứ có thể để đảm bảo việc tiêm vắc xin diễn ra suôn sẻ. Chỉ khi đó tất cả chúng ta mới được an toàn”, bà von der Leyen nhấn mạnh. |
Theo thanhnien