Tuyên bố đưa ra hôm 12/9. Trước đó, thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine đã bị ngừng do một tình nguyện viên phát triển triệu chứng viêm tủy ngang.

AstraZeneca mới đây cho biết Cơ quan Quản lý Y tế và Thuốc của Anh (MHRA) đã hoàn thành khâu xét duyệt an toàn, chấp nhận để hãng tái nghiên cứu vaccine.

"Hãng sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan y tế trên toàn thế giới, nhận hướng dẫn về thời điểm có thể tiếp tục các thử nghiệm khác một cách rộng rãi, công bằng và phi lợi nhuận trong đại dịch này", AstraZeneca nói thêm.

Công ty từ chối tiếp lộ thêm thông tin chi tiết về bệnh nhân người Anh chịu tác dụng phụ của thuốc cũng như thời điểm dự kiến bắt đầu lại các chương trình tiêm thử vaccine toàn cầu. Song đại diện một số khu vực thử nghiệm đã đưa ra các bình luận liên quan.

Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Oxford tại Nam Phi, ngày 27/8. Ảnh: Reuters

Viện Huyết thanh Ấn Độ cho biết sẽ tái khởi động thử nghiệm sau khi được sự cho phép của Tổng cục Kiểm soát trong nước.

Cơ quan Sức khỏe Brazil ANVISA đang chờ đợi thông báo từ MHRA. Hiện nay, Đại học Liên bang Sao Paulo là nơi thử nghiệm cho 4.600 trong số 5.000 tình nguyện viên. Tất cả đều chưa gặp bất cứ tác dụng phụ nào.

8 tháng đại dịch bùng phát, chính phủ các nước đang chờ đợi một loại vaccine giúp chấm dứt sự lây nhiễm nCoV. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá "ứng viên" từ nhóm Oxford-AstraZeneca là triển vọng nhất. Vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở Mỹ, Anh, Brazil và Nam Phi. Hãng lên kế hoạch mở rộng chương trình sang Nhật Bản và Nga.

Theo vnexpress