Trở lại những năm 1980, nhà máy nơi tôi từng làm việc thường tổ chức các bữa tiệc khiêu vũ vào cuối tuần. Sự kiện nhằm tạo cơ hội cho nhóm “thanh niên lớn tuổi” (những người trên 25 tuổi) gặp gỡ nhau và kết hôn. Khi đó, hôn nhân được cho là đơn vị nhỏ nhất của xã hội và nền tảng của sự ổn định.
Gần đây, Bộ Nội vụ công bố số liệu cho thấy dân số độc thân của Trung Quốc đã lên tới 240 triệu người. Có 77 triệu hộ gia đình độc thân, dự kiến tăng lên 92 triệu vào năm tới.
Các báo cáo khác cho thấy số lượng hộ gia đình độc thân có thể vượt mốc 100 triệu. Trung Quốc hiện có dân số độc thân đông nhất trên thế giới.
|
Một phụ nữ kiểm tra điện thoại trên con phố đông đúc ở Bắc Kinh hôm 20/7. Ngày càng nhiều người Trung Quốc chưa lập gia đình. Ảnh:AFP. |
Mối lo ngại bị thổi phồng
Xem các dữ liệu trên, tôi không ngạc nhiên nhưng vẫn thấy thích thú khi đọc loạt bài báo với tiêu đề rất “đáng báo động”: “Sống độc thân là vấn đề riêng tư hay xã hội?”, “Vấn đề quá nhiều người độc thân phải được giải quyết ngay lập tức”.
Trong các bài báo như vậy, hàng loạt lo ngại được nêu ra về người độc thân, cũng như toàn xã hội. Người ta sợ rằng số lượng lớn người độc thân có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bùng nổ sách báo khiêu dâm và mại dâm, đồng thời giảm sự ổn định.
Một bài báo thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng: “Những người không chịu thoát khỏi tình trạng độc thân đang sống vô trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”.
Xu hướng này chắc chắn có tác động lớn đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhà ở, gia tăng dân số và tiêu dùng. Thứ được gọi là “nền kinh tế độc thân” đang phát triển, tạo ra các sản phẩm, ví như nồi cơm điện cho một người.
|
Phụ nữ độc thân trên 27 tuổi ở Trung Quốc bị gọi là "sheng nu" hay "gái ế". Ảnh:Matthijs Koster. |
Trong khi phụ nữ chưa kết hôn bị dán nhãn là “gái ế”, có một số lượng lớn “đàn ông sót lại” - những người không tìm được vợ do tỷ lệ giới tính chênh lệch, hệ quả phụ của chính sách kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc.
Mặc dù tỷ lệ này ngày càng ít bị lệch, nam giới vẫn đóng góp vào các số liệu thống kê.
Các thành phố toàn cầu như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến có số lượng người độc thân hàng đầu, theo cuộc khảo sát năm 2018 về tình yêu và hôn nhân do trang web hẹn hò Zhenai.com phối hợp với Zhaolian Recruitment thực hiện. Tỷ lệ thanh niên độc thân ở các thành phố cấp 3 thấp hơn đáng kể.
Thái độ thay đổi
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu nguồn tài chính, tiêu chuẩn cao, vòng kết nối xã hội hạn chế, đặc biệt là sự thay đổi thái độ đối với hôn nhân và gia đình đã dẫn đến sự gia tăng số lượng người sống một mình.
Một lần nữa, phụ nữ đi đầu xu hướng. Một cuộc khảo sát năm 2017 về người độc thân do Zhenai và LinkedIn phiên bản Trung Quốc đồng thực hiện cho thấy phụ nữ ít lo lắng về việc tìm kiếm tình yêu hơn nam giới. Trong số người được phỏng vấn, 55% nam giới tích cực tìm kiếm bạn đời, song chỉ có 37% phụ nữ làm điều tương tự.
Ngày càng nhiều phụ nữ không còn xem chuyện cưới chồng và sinh con là nghĩa vụ hoặc thành phần thiết yếu trong cuộc sống hạnh phúc. Trình độ học vấn tốt, thu nhập cao cùng nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn cho phép họ tự do lựa chọn lối sống mà bản thân mong muốn.
|
Hồ sơ của những người đàn ông và phụ nữ chưa lập gia đình được trưng bày tại “chợ hôn nhân” ở Thượng Hải ngày 9/8. Ảnh:EPA-EFE. |
Bạn tôi, Shine Yin (41 tuổi) - nhà quản lý thành đạt tại một công ty đa quốc gia ở Bắc Kinh - đã sống độc thân 15 năm nay. Là một phụ nữ hấp dẫn, cô ấy đã có mối quan hệ lãng mạn với nhiều người đàn ông. Tuy nhiên, không ai trong số họ khiến cô ấy từ bỏ sự tự do của mình.
“Tôi không hoàn toàn đóng cánh cửa hôn nhân. Nhưng nếu điều đó không thành hiện thực thì cũng không sao”, Shine nói.
Cô ấy thường tụ tập với hội chị em vào cuối tuần và tận hưởng những kỳ nghỉ ở nước ngoài.
Theo truyền thống, người Trung Quốc coi việc kết hôn và sinh con là nghĩa vụ hiếu thảo. Trong khi đó, người độc thân có hình ảnh khá tiêu cực trong xã hội. Họ bị gọi là “cành không lá” hay “phụ nữ còn sót lại” (leftover women) - thuật ngữ thể hiện sự xúc phạm nữ giới độc thân trên 27 tuổi.
Ngày nay, một số người sống một mình, có lẽ vì tủi thân, tự gọi mình là “single dogs” (tạm dịch: những chú cún độc thân). Tôi sẽ không bao giờ dùng từ đó gắn với những người như Shine.
|
Người độc thân có hình ảnh khá tiêu cực trong xã hội Trung Quốc. Ảnh:Weibo. |
Vậy những người độc thân có khiến bản thân và xã hội trở thành mối nguy?
Không hẳn, theo quan điểm của tôi. Chắc chắn, sự hỗ trợ của gia đình và kết nối tình cảm rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của một người. Tuy nhiên, việc sống một mình không đồng nghĩa với sự cô đơn hoặc thiếu vắng hoàn toàn đời sống tình dục, tình cảm.
Đúng hơn, đó là xu hướng toàn cầu đi kèm với sự phát triển - một quốc gia càng phát triển tốt thì thường có số lượng người độc thân càng cao. Xu hướng sống một mình lần đầu tiên xuất hiện ở các nước công nghiệp phát triển sớm và tăng tốc vào những năm 1950.
Hiện tại, chỉ có khoảng 17% người trưởng thành ở Trung Quốc sống một mình, so với 42% ở Mỹ. Tỷ lệ này ở Thụy Điển và Na Uy thậm chí còn cao hơn - trên 50%.
Vì vậy, không cần phải mất ngủ trước sự gia tăng của những người độc thân. Nếu lo lắng về tỷ lệ sinh, chính phủ nên cho phép phụ nữ độc thân tiếp cận với công nghệ hỗ trợ sinh sản.
Các công ty, đơn vị sự nghiệp nên tiếp tục tổ chức tiệc khiêu vũ. Trong khi đó, cộng đồng và các cơ quan chức năng nên chấp nhận rằng hôn nhân nên là sự lựa chọn thay vì nghĩa vụ.
Theo Zing