Chỉ sau 15 ngày thực tập, Yu Chao (17 tuổi), một học sinh trường nghề, đã nhảy từ tầng 6 của tòa nhà ký túc xá Công ty TNHH Công nghệ Baoan Huagao Wangshi ở Thâm Quyến và tử vong khi tới bệnh viện, The Paper đưa tin.
Bố của Yu Chao không thể chấp nhận kết luận con trai mình tử vong do "tự sát". Ông đã viết một bức tâm thư cầu cứu trên mạng, nói rằng con mình đã phải chịu cảnh lao động cưỡng bức ở nhà máy trong kỳ thực tập do trường tổ chức.
Hợp đồng lao động và thẻ thực tập của Yu Chao ở công ty tại Thâm Quyến.
Đây là vụ tự tử thứ hai của học viên trường nghề khi đi thực tập gây chú ý trong vòng một năm qua. Tháng 11/2020, một học viên 16 tuổi của Trường dạy nghề huyện Yishui (tỉnh Sơn Đông) cũng nhảy lầu và tử vong trong kỳ thực tập do nhà trường sắp xếp tại Công ty TNHH Chế tạo máy Hengyuan (thành phố Côn Sơn, tỉnh Tô Châu).
Cảnh sát thông báo nguyên nhân cái chết là "tự tử do vấn đề tâm lý". Tuy nhiên, cuộc điều tra của các phương tiện truyền thông cho thấy cơ sở thực tập đã bắt học viên làm thêm giờ, và nội dung thực tập không phù hợp với chuyên ngành đã học.
Gao Weidong, nhà nghiên cứu tại Viện Giáo dục Nghề nghiệp, Học viện Khoa học Giáo dục Bắc Kinh, nói rằng thực tập là một phần quan trọng trong kế hoạch đào tạo nhân tài của giáo dục nghề nghiệp, song tổ chức thực tập có sự hỗn loạn.
Trong đó, có những công ty nhận được lao động giá rẻ, tiết kiệm chi phí nhân công, cơ quan lao động thu được tiền, nhà trường hoàn thành nhiệm vụ thực tập, đồng thời nhận về "phí môi giới đầu người".
Trong cấu trúc lợi ích này, các công ty, trường học và các tổ chức trung gian hình thành mạng lưới ăn chia, nhưng quyền và lợi ích hợp pháp của hầu hết học viên, sinh viên không được bảo vệ.
Vấn nạn bóc lột sức lao động học viên
Đầu tháng 7, Vụ Giáo dục Nghề nghiệp và Giáo dục Người lớn của Bộ Giáo dục đã cử người đến Trường Khoa học và Công nghệ Hanjiang (thành phố Đan Giang Khẩu, Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc), nơi Yu Chao theo học, để điều tra.
Theo thông tin thu thập, thông báo về việc thực tập được ban hành đột ngột, nhắm vào các học viên năm hai chuyên ngành khoa học máy tính của trường Khoa học và Công nghệ Hanjiang.
Đối với sinh viên và phụ huynh, đây không phải kỳ thực tập họ mong đợi. Một học viên của trường này kể với People's Daily rằng vào khoảng giữa đến cuối tháng 5, học viên chuyên ngành máy tính bất ngờ nhận được thông báo đến Thâm Quyến thực tập.
Ngày 1/6, trường chính thức phát thông báo trong nhóm phụ huynh. Đến 10/6, hơn 90 học viên chuyên ngành khoa học máy tính rời Đan Giang Khẩu bằng xe buýt và đến Thâm Quyến vào sáng sớm ngày 11 để bắt đầu thực tập tại Baoan Huagao Wangshi.
Yu Chao là một trong 90 người đó. Bố của Yu Chao cho biết nội dung kỳ thực tập không tương thích với chuyên ngành. Công việc của cậu là khuân vác những chiếc hộp nặng 20 kg. Các học viên còn bị phân công làm ca đêm.
Theo báo chí đưa tin, hồ sơ do nhà máy cung cấp cho thấy ngày 13-24/6, Yu Chao phải làm việc từ 19h đến 7h sáng hôm sau.
Có lần cậu than phiền qua điện thoại với bố rằng đi làm quá mệt, làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ cả ngày lẫn đêm, trưa không ăn được cơm và thường xuyên bị đau bụng.
Công ty mà Yu Chao thực tập ở Thâm Quyến.
Không chỉ 90 học viên trong đoàn của Yu Chao phải chịu áp lực thực tập. Ngày 10/6, 100 học viên Trường Khoa học và Công nghệ Hanjiang về Điều khiển số và các chuyên ngành khác đã đến Công ty TNHH Vi điện tử Wuhan Tianma (Vũ Hán) để thực tập trong 4 tháng.
Chuyên ngành thực tập không đúng ngành học của họ. Học viên phải làm ca đêm, từ 20h đến 7h30 sáng hôm sau, được nghỉ giải lao 45 phút.
"Trước lúc đi, nhà trường cho biết thực tập chia làm 2 ca, nhưng chỉ có ca đêm. Người ta nói một tuần sẽ có 1 ngày nghỉ, nhưng cuối cùng chẳng có ngày nghỉ nào", một học viên kể.
Đến ngày 7/7, vụ tự tử của Yu Chao đã làm dấy lên sự chú ý của truyền thông và xã hội, hơn 100 học viên thực tập ở Vũ Hán đã được đưa trở lại Đan Giang Khẩu.
Đùn đẩy trách nhiệm
Phóng viên People's Daily đã liên hệ với Ban Tuyên giáo Thành ủy Đan Giang Khẩu, Phòng Giáo dục, và hiệu trưởng Trường Khoa học và Công nghệ Hanjiang Rao Kejun để tìm hiểu tiến độ cuộc điều tra về cái chết của Yu Chao. Tuy nhiên, đại diện các đơn vị trên đều từ chối trả lời.
Trong 6 tháng qua, hộp thư của People's Daily nhận hàng chục tin nhắn phản ánh "các trường trung cấp nghề thực tập không phù hợp", liên quan đến một số trường dạy nghề ở Giang Tây, Giang Tô, Tứ Xuyên, Hà Nam và nhiều nơi khác.
Theo quan điểm của Gao Weidong, các trường dạy nghề có trách nhiệm rất lớn trong bảo vệ quyền và lợi ích của học viên, nhưng trong quan hệ hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, trường học là bên yếu thế hơn.
Ông giải thích do để hoàn thành nhiệm vụ thực tập cho học viên, các trường nghề cần nhiều hơn từ phía doanh nghiệp, nhiều trường nghề không có quyền đối thoại với doanh nghiệp.
Các học viên trường nghề đang đợi xe để trở về sau kỳ thực tập.
Ngày 17/7, 22 ngày sau khi Yu Chao tử vong, trường Khoa học và Công nghệ Hanjiang đang trong kỳ nghỉ hè, cổng trường đóng kín, bảo vệ kiểm tra nghiêm ngặt danh tính của người ngoài và không cho người lạ vào trường.
Đây không phải là lần đầu tiên trường này có học viên gặp tai nạn trong kỳ thực tập. Tháng 3/2019, trường đã sắp xếp cho một nhóm học viên đến nhà máy ở Quảng Đông để thực tập, nhưng sau khi đến nơi, nhà trường đã bàn giao các học viên cho một công ty khác.
Sáu ngày sau kỳ thực tập, một học viên tên He Mou đã nhảy khỏi cửa sổ tầng hai từ phòng ngủ của mình và tử vong.
Tòa án cuối cùng phán quyết rằng Trường Công nghệ Hanjiang đã có những thiếu sót trong quản lý trong quá trình thực tập của He, không bố trí giáo viên của trường đi cùng và không thông báo kịp thời cho phụ huynh về việc thay đổi địa điểm thực tập. Trường phải chịu trách nhiệm về việc cái chết của nam sinh này.
Theo Zing