COVID-19 làm gia tăng cảm giác cô đơn, căng thẳng, trầm uất ở nhiều người
Dự án khảo sát kể trên chỉ là một trong số chuỗi bằng chứng cảnh báo mới nhất về việc COVID-19 đang tạo áp lực nguy hại ra sao lên sức khỏe tinh thần con người. Với phần lớn dân số thế giới, đại dịch kéo theo tổn thất, thậm chí mất mát cơ hội việc làm, giáo dục lẫn vô số loại hình dịch vụ, tiện ích thông dụng. Tệ hơn, lệnh phong tỏa diện rộng trên toàn cầu đi cùng tiến trình giãn cách xã hội kéo dài làm gia tăng cảm giác cô đơn, căng thẳng, trầm uất ở nhiều người.
Dù vậy, vì sao một số người quyết định cân nhắc đến hành vi tự sát? Sẽ phải mất thêm thời gian cho một lý giải thiết thực, thỏa đáng. Tại hầu hết châu lục, kể cả những nước phát triển, đa số thống kê xã hội liên quan đến thực trạng đen tối này đều thể hiện xu hướng cập nhật chậm trễ khoảng 1 đến 2 năm.
Nhìn chung trên thế giới, trừ Mỹ là ngoại lệ nổi bật, nạn tự tử được cho rằng “đang giảm thiểu” những năm gần đây. Thống kê trường hợp tự sát - thường được thu thập từ phía cơ quan hành pháp và bệnh viện, thế nhưng, dễ tiềm ẩn nguy cơ thiếu xác thực khi một vài gia đình đưa ra thông tin ít ỏi, sai lệch về người thân đã khuất, với hy vọng vụ việc có thể được quy kết như một ca tử vong tự nhiên hoặc do tai nạn. Vì lẽ đó, “bức tranh” toàn cảnh lột tả mối hiểm họa, đặc biệt trong mùa dịch bệnh hiện nay, vẫn khá mù mờ.
Hàng loạt chuyên gia, tuy nhiên, đã có cơ sở để bắt đầu quan ngại.
Những con số gây quan ngại
Trước hết, cuộc gọi đến nhiều đường dây nóng ngăn chặn hành vi tự sát đang tăng vọt. Một số trung tâm tại Mỹ ghi nhận lượng người liên hệ tư vấn “tăng gấp 8 lần”, theo Sally Curtin, chuyên gia về phòng chống tự tử làm việc ở CDC.
Thanh thiếu niên có vấn đề bất ổn tâm lý chiếm số lượng ngày một lớn, “với tỉ lệ phần trăm hiện rất bi quan” - theo Brenda Scofield, chủ tịch điều hành Samaritans, một đường dây nóng hỗ trợ phòng ngừa tự tử ở Hồng Kông.
Talkspace, đơn vị tương tự đặt trụ sở tại New York, Mỹ - nơi chuyên hỗ trợ sức khỏe tâm lý qua mạng điện tử, cho biết trong thời kỳ dịch bệnh, lượt đăng ký dịch vụ của họ đã vượt quá mức 250%. Bác sĩ tâm lý Neil Leibowitz, người điều hành Talkspace, nhận định: “Đại dịch có thể kéo theo muôn vàn hệ lụy khó lường đối với sức khỏe tinh thần”.
Vài thông số dự đoán ban đầu cho thấy cách hành vi tự sát liên hệ với đại dịch viêm phổi, đã xuất hiện trên nhiều quốc gia. Viễn cảnh quả thật không mấy khả quan.
Tỉ lệ những vụ tự tử tại Nhật vào tháng 8 “leo thang” đến 1,849 vụ, tăng 15,3% so với cùng thời điểm năm ngoái - theo báo cáo từ Bộ Y tế. Lực lượng cảnh sát quốc gia Nepal vừa đưa ra thống kê thường niên, ghi nhận làn sóng người muốn tự sát hiện tăng đến cấp số 5.
Tại Thái Lan, thông qua một khảo sát mới, nhiều chuyên gia y tế lo ngại rằng tỉ lệ người dân gặp khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng có thể tăng lên 6,6% so với năm 2019. Đại diện Bộ Y tế cũng tiết lộ, Thái Lan đã lên kế hoạch xây dựng hệ thống báo cáo kịp thời hơn về hành vi tự sát. “Chúng tôi không thể chần chừ nữa”, vị này nhấn mạnh.
Khung cảnh vắng lặng ở một đô thị Thái Lan trong mùa dịch bệnh
“Sợi dây” kết nối tiềm ẩn giữa dịch bệnh và vấn nạn tự tử đã hiện diện từ lâu trong lịch sử nhân loại. Cúm Tây Ban Nha, “cơn ác mộng được mô tả trong Kinh thánh” từng giết chết 50 triệu người, có mối liên quan trùng hợp kỳ lạ với làn sóng tự sát quy mô lớn nảy sinh cùng lúc tại châu Âu, năm 1918 - nghiên cứu đưa ra bởi Diego De Leo, giáo sư khoa tâm thần học của đại học Primorska, Slovenia.
Ở Hồng Kông, khi SARS bùng phát năm 2003, những vụ tự tử ở cộng đồng người cao tuổi cũng bất ngờ tăng cao.
Tự sát và thất nghiệp
Tình trạng thất nghiệp, theo tiến sĩ Varoth Chotpitayasunondh - phát ngôn viên Bộ Y tế Thái Lan - biểu hiện nét tương quan mạnh mẽ với tự tử, vấn nạn vẫn đang phát sinh phức tạp tại nhiều quốc gia trong mùa dịch bệnh kéo dài.
Một khảo sát xã hội học ở Nga cho thấy, tỉ lệ nam giới trưởng thành từng cân nhắc tự sát so với phụ nữ là 6 trên 1. Ở Ý, từ năm 2008, số vụ tự tử do khủng hoảng kinh tế, vốn kéo theo tình trạng công việc bấp bênh, là 2.000 vụ, tính riêng những người thuộc độ tuổi lao động. Không ít số liệu ảm đạm tương tự có thể tìm thấy khắp khu vực châu Âu.
Năm 1997, khủng hoảng tài chính, kinh tế ở châu Á làm dấy lên làn sóng tự tử vì thất nghiệp, trong đó đặc biệt trầm trọng là Nhật - tăng gấp 3 lần và Hàn Quốc, với con số thống kê kinh hoàng - 45%.
Đại dịch đang gây áp lực lên người lao động thuộc đa dạng ngành nghề
Nghiên cứu quy mô cùng chủ đề từng đăng tải trên tạp chí y khoa Lancet, phản ánh: khi tỉ lệ thất nghiệp tăng 1%, tỉ lệ tự sát tại châu Âu tăng 0,79%, và tại Mỹ - đất nước luôn thiếu hụt chính sách hỗ trợ thất nghiệp - 0,99%.
Đây có thể là một “điềm báo” chẳng lành, giữa lúc đại dịch COVID-19 tiếp tục tàn phá nền kinh tế thế giới.
Hãy chủ động hơn trước sức ép
Bên cạnh lực lượng lao động, thanh thiếu niên, nhất là nữ giới, cũng thuộc nhóm dân số đặc biệt nhạy cảm trước những sự kiện khủng hoảng toàn cầu. Đại dịch đang khiến giới trẻ dành nhiều thời gian hơn bên màn hình điện thoại, máy tính, trong một thế giới ảo luôn tiềm tàng tác động nguy hại lên sức khỏe tâm lý. Tại Mỹ, hành vi bắt nạt, tấn công qua mạng đang là “nguyên nhân hàng đầu” gây nên thực trạng gia tăng nạn tự tử ở thanh thiếu niên - theo tiến sĩ tâm lý học Jean Twenge, thuộc đại học bang San Diego.
Biển báo giới thiệu một đường dây nóng hỗ trợ ngăn chặn tự tử, tại ga tàu điện ngầm ở Chicago, bang Illinois, Mỹ
Giữa vô số thống kê tiêu cực, tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền hy vọng. Chính phủ nhiều nước hiện đã cam kết thực thi hàng loạt biện pháp cụ thể nhằm “hàn gắn” sự sụt giảm kinh tế và liên kết xã hội. “Chương trình cố vấn tâm lý đang xuất hiện nhiều hơn ở những công ty, tập đoàn” - Nelson Vinod Moses, cố vấn viên thuộc Tổ chức Phòng chống vấn nạn tự tử tại Ấn Độ, nhận xét.
Công ty từ Tây Ban Nha với tên gọi iLife, vừa phát triển một phần mềm máy tính giúp nhận diện hành vi, tư duy tiêu cực của một người thông qua ngôn ngữ, tương tác họ biểu hiện trên môi trường mạng xã hội.
Những ai tìm kiếm thông tin liên quan đến tự tử qua internet giờ đây được hỗ trợ đa dạng số điện thoại đường dây nóng và tổ chức tư vấn tâm lý phù hợp.
Dẫu “bức tranh” toàn cảnh hãy còn mù mờ, một khi đã nhận ra nguồn cơn, chúng ta có thể chủ động cải thiện vấn đề ngay từ lúc này.
Theo phunuonline