Đầu tháng 8, Screenrant đưa tin về sự nhập nhằng trong khoản quyên góp 7 triệu USD mà Amber Heard hứa chia đều cho Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) và Bệnh viện Nhi Los Angeles.
Đây là số tiền Johnny Depp bồi thường cho cô sau ly hôn năm 2016. Khi đó, Heard tuyên bố sẽ gửi toàn bộ tiền đến 2 tổ chức kể trên. Tuy nhiên, cô liên tục trì hoãn với lý do "phải dùng tiền thuê luật sư và bào chữa bảo vệ mình".
Trước tòa, Depp tố Heard quỵt tiền từ thiện, thực chất chỉ chuyển 100.000 USD cho ACLU. Anh gửi đơn lên thẩm phán New York và được tòa chấp thuận trong việc yêu cầu Heard minh bạch khoản từ thiện.
Theo đó, phía nữ diễn viên và ACLU phải công bố chính xác giao dịch từ sao Aquaman. Nếu Heard gian dối như lời tố, phía Depp sẽ đủ bằng chứng củng cố cáo buộc "Heard cưới Depp chỉ vì tiền".
Tự bỏ tiền túi hoặc kêu gọi quyên góp
Chủ đề "Nghệ sĩ làm từ thiện" cũng được đem ra mổ xẻ sôi nổi trong thời gian qua. Theo CNN, có hai trong nhiều hình thức làm từ thiện phổ biến nhất mà giới nghệ sĩ Hollywood áp dụng: tự bỏ tiền túi hoặc đứng ra kêu gọi hỗ trợ. Ở cách thứ hai, nghệ sĩ có thể kêu gọi cho quỹ riêng, tổ chức họ làm đại diện, hoặc kết hợp với bên thứ ba.
Ví dụ cụ thể cho trường hợp đầu tiên, theo Hollywood Reporter, ngoài 1 triệu USD ủng hộ America's Food Fund, "bà hoàng truyền hình" Oprah Winfrey còn gửi thẳng 9 triệu USD cho các tổ chức cung cấp thực phẩm khắp nước Mỹ.
Vợ chồng Ryan Reynolds - Blake Lively chia đôi 1 triệu USD tiền túi cho hai tổ chức cứu đói Feeding America (Mạng lưới thức ăn của Mỹ) và Food Banks Canada (Ngân hàng thực phẩm Canada).
Năm ngoái, lần lượt Leonardo DiCaprio, Arnold Schwarzenegger, Tyler Perry, Michael Jordan... đã trích một phần trong khối tài sản khổng lồ gửi những cơ quan, quỹ từ thiện làm công tác chống dịch.
Oprah Winfrey, Ryan Reynolds - Blake Lively, Arnold Schwarzenegger, Leonardo DiCaprio... gửi thẳng tiền ủng hộ cho tổ chức từ thiện. Ảnh: Getty/Digital Spy.
Nhiều ngôi sao chọn cách làm thứ hai. Tờ Delish cho hay ca sĩ Rihanna đã kêu gọi quyên góp 5 triệu USD cho tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục và cứu trợ khẩn cấp của cô.
Thương hiệu rượu tequila của The Rock, Teremana, ra mắt dòng sản phẩm mới và cam kết 100% lợi nhuận sẽ được chuyển tới Another Round Another Rally - tổ chức hỗ trợ nhân viên pha chế, phục vụ bị mất việc làm mùa dịch.
Trong khi đó, cũng theo Delish, Lady Gaga kết hợp với bên thứ ba. Cô bắt tay cùng dịch vụ giao đồ ăn nhanh Postmate để quyên góp 100.000 USD cho World Central Kitchen - tổ chức phi lợi nhuận cung cấp bữa ăn cho người nghèo. Với mỗi đơn đặt hàng trên Postmate từ ngày 29/5 đến 31/5, 1 USD sẽ được chuyển trực tiếp tới World Central Kitchen cho đến khi đạt 100.000 USD.
Jennifer Lopez cũng hành động tương tự với thương hiệu sữa chua Yoplait để quyên góp cho Feeding America.
Trục lợi trên lòng tin công chúng
Trong phần hỏi đáp trên trang web Quora.com, khi một tài khoản nêu chủ đề: "Tại sao cần minh bạch khoản quyên góp từ thiện?", nhiều người đồng tình quan điểm cần minh bạch tiền từ thiện. Thực tế, nhiều ngôi sao khiến khán giả mất lòng tin vì vướng ồn ào từ thiện.
Theo New York Post, Kanye West Foundation - tổ chức từ thiện của Kanye West - thông báo đã chi hơn nửa triệu USD trong năm 2010. Tuy nhiên, không một xu nào được dùng cho từ thiện, mà để trả lương nhân viên, tiền công và phúc lợi.
Trước đó một năm, Kanye West Foundation được báo cáo chi 553.826 USD, song chỉ trích 583 USD dành cho các nỗ lực giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn.
Nhóm cơ quan giám sát phi lợi nhuận Charity Navigator đề xuất không quá 15% dòng tiền của một tổ chức từ thiện cho phí quản lý và vận hành. Kanye West Foundation đã không đáp ứng được tiểu chuẩn nên buộc phải ngừng hoạt động. West cũng đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích vì giàu kếch xù nhưng vẫn ăn chặn từng đồng tiền lẻ của người dân.
Kim Kardashian - vợ cũ của West - cũng tranh thủ kiếm lời từ việc hô hào quyên góp. Cô từng kêu gọi đấu giá quần áo, phụ kiện hàng hiệu trên eBay để giúp đỡ nạn nhân trong siêu bão Haiyan ở Philippines. Kết quả, cô đã xén bớt đến 90% tổng lợi nhuận, và chỉ gửi đi 10%.
Kanye West và Kim Kardashian lợi dụng sự cả tin của công chúng để trục lợi. Ảnh: Page Six.
Theo The Guardian, "Nữ hoàng nhạc pop" Madonna đã bị cơ quan kiểm soát phát hiện lấy 3,8 triệu USD từ khoản kêu gọi 15 triệu USD trong kế hoạch xây dựng ngôi trường trị giá 15 triệu USD cho nữ sinh ở Malawi nhiều năm về trước.
Qua điều tra cho thấy Madonna dùng khoản tiền trục lợi mua sắm xe hơi cho nhân viên nằm ngoài tổ chức từ thiện, phí thuê văn phòng, kiến trúc sư...
Ngày nay, một số người nổi tiếng hợp tác với những tổ chức mang mác từ thiện để kiếm lời từ đồng tiền của những người đầy lòng trắc ẩn. Dispatch báo cáo ngôi sao truyền hình thực tế Caitlyn Jenner và huấn luyện viên Harry Redknapp từng đồng ý quảng cáo cho tổ chức từ thiện giả Cuppa (Làm sạch ô nhiễm nhựa ở châu Phi) với mức cát-xê cao.
"Harry Redknapp sẵn sàng làm việc với quỹ giả mạo này nếu được trả 15.000 bảng Anh cho một bài đăng trên Instagram và thêm 5.000 bảng Anh ở mỗi buổi chụp ảnh" - tờ The Guardian cho biết.
Phân tích trên Mirror, một luật sư nói rằng người nổi tiếng nhận thù lao khi PR cho tổ chức từ thiện rất bình thường, nhưng sẽ là vô đạo đức nếu dung túng cho nơi trái phép, giả mạo, lợi dụng sự cả tin nơi công chúng.
Kêu gọi từ thiện để đánh bóng tên tuổi
Năm 2014, nhà báo Nicholas Kristof và doanh nhân Sheryl WuDunn đã viết bài "Cách quyên góp từ thiện hiệu quả" đăng trên tạp chí Forbes.
Hai tác giả tập trung vào việc đo lường và theo dõi kết quả của người quyên góp và đối tượng được hỗ trợ. "Thông qua Internet, việc xem tác động từ đóng góp của bạn sẽ trở nên khả thi hơn bởi sự ra đời của tổ chức đóng vai trò cầu nối giữa người hỗ trợ và người thụ hưởng", Forbes viết.
Bead for Life là một ví dụ họ đề cập. Tổ chức bao gồm nhiều trang con như GlobalGiving, Kiva và Givology, cho phép người giàu giúp người nghèo bằng quà tặng hoặc tiền.
Nhưng trên thực tế, web kiểu này thường ít hoặc không được nhiều người biết. Tính bất khả khi cũng được đề cập ở trường hợp nhiều đối tượng khai gian hoàn cảnh để sống phụ thuộc vào người khác.
Điều đó lý giải vì sao tổ chức từ thiện vẫn mọc lên như nấm và hoạt động sôi nổi, dù không ai có thể đảm bảo rằng 100% tổ chức đều vì mục đích "từ thiện".
Thành lập quỹ cá nhân cũng là cách nghệ sĩ đánh bóng tên tuổi. Ảnh: CNN.
Bàn về sự tồn tại của hình thức quyên góp tiền cho quỹ cá nhân, ở góc nhìn khác, Tiến sĩ Leslie Lenkowsky - làm việc Trung tâm Từ thiện Đại học Indiana - lý giải trên Forbes: "Tại sao người nổi tiếng lại thành lập quỹ riêng mà không viết chi phiếu chuyển tiền thẳng cho một tổ chức từ thiện? Câu trả lời đơn giản là có thể họ không biết phải viết chi phiếu cho ai, cho tổ chức nào".
Nhưng cũng theo ông Lenkowsky, đây không phải nguyên nhân duy nhất. PR cho bản thân cũng là mục đích rõ ràng, và có thể chiếm phần lớn mục tiêu khi lập nên quỹ từ thiện hoặc tổ chức phi lợi nhuận.
"Mục đích từ thiện có thể là trao học bổng, hỗ trợ người có hoàn cảnh thật, nhưng đây cũng là phương tiện để quảng bá hình ảnh của người nổi tiếng", vị tiến sĩ kết luận.
Theo Zing