Anh Lâm mở quầy bánh trung thu tại số 477 đường Tân Hòa Đông (Q.Bình Tân) - ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Vì dịch Covid-19, nhiều người Việt Nam đang lao động, học tập ở nước ngoài mong muốn về nước vì mất việc hoặc đơn giản chỉ là về tránh dịch. Trong số đó, có những người là lao động hợp pháp, có những người xuất khẩu lao động “chui” khi được Đại sứ quán hỗ trợ trở về trong bối cảnh không việc làm, không nhà ở mới nhận ra sai lầm của mình. Dịch Covid-19 đã thay đổi quá lớn cuộc đời của họ và gia đình. Chuyện tìm việc của họ ở Việt Nam trong thời điểm nhiều lao động mất việc vì dịch cũng thật gian nan, chật vật.
Tằn tiện mong đổi đời
Năm 2015, vợ chồng anh Hà Vĩ Lâm (30 tuổi, TP.HCM) cùng xuất khẩu lao động sang Macau làm phục vụ với mức thu nhập trung bình hơn 20 triệu đồng. Hai vợ chồng tằn tiện chi tiêu, dặn nhau cố gắng vài năm có số vốn trong tay sẽ trở về Việt Nam kinh doanh gì đó.
Anh Lâm trong những ngày bị kẹt ở sân bay Malaysia - ẢNH: VĨ LÂM
Năm 2017, chị Trịnh Kim Phụng (33 tuổi, vợ anh Lâm) có thai nên về Việt Nam sinh con, anh Lâm vẫn ở Macau đều đặn hằng tháng gửi tiền về cho vợ. Anh Lâm kể: “Mỗi tháng thu nhập của tôi khoảng 22 triệu, không dám ăn tiêu gì vì giá cả ở Macau rất đắt đỏ. Bạn bè rủ đi ăn ngoài cũng không dám vì một tô phở, bún tính ra khoảng hơn 100.000 đồng, ly trà đá cũng bằng mười mấy ngàn, lâu lắm tôi mới đi một lần thì về phải nhịn lại để tiết kiệm đủ tiền gửi về cho vợ nuôi con”.
Năm 2020, gia đình anh chị đón tiếp bé thứ hai nhưng sinh non, cha mẹ hai bên già yếu không ai phụ chăm sóc. Sốt ruột, anh Lâm mua vé máy bay từ Macau về Việt Nam, nối chuyến tại Malaysia.
Nơi ăn ngủ tạm bợ ở sân bay của anh Hà Vĩ Lâm - ẢNH: VĨ LÂM
Đó cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới, vừa đáp xuống sân bay ở Malaysia để nối chuyến thì anh Lâm nhận tin toàn bộ chuyến bay quốc tế bị hủy để kiểm soát dịch. Vậy là anh bắt đầu chuỗi ngày sống tạm bợ ở sân bay.
Anh Lâm kể lại: “Vì dịch, Malaysia không cho tôi nhập cảnh, cũng không thể xuất cảnh mà cứ ở khu transit. May có Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia viện trợ thức ăn, nước uống và các vật dụng cần thiết tôi mới cầm cự được đến ngày thứ 18, có chuyến bay của Malaysia sang Việt Nam đưa công dân của họ về nước nên tôi được Đại sứ quán gửi trên chuyến này để về Việt Nam”.
Anh Lâm gọi những ngày bị kẹt ở sân bay không khác gì giam lỏng trong một nhà tù vì có tiền cũng không thể tự mua được đồ ăn hay đồ dùng sinh hoạt.
4 tháng trời… ở không
Sau 16 ngày cách ly ở Củ Chi, cuối tháng 4.2020, anh Lâm trở về nhà, ôm đứa con vừa sinh được hơn 1 tháng trên tay, anh rưng rưng xúc động. Nhìn thấy bụng con có một vết mổ vừa lành, hỏi ra anh mới biết, con trai vừa trải qua một cuộc phẫu thuật do sinh non, nhưng cả gia đình giấu nhẹm vì sợ anh lo lắng trong những ngày mắc kẹt ở đất nước xa lạ.
Thần sắc anh Lâm rạng rỡ hơn nhiều từ khi được về Việt Nam. Bán bánh trung thu là công việc đầu tiên anh Lâm làm khi trở về Việt Nam suốt hơn 4 tháng qua - ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Nhìn cảnh vợ một mình chăm hai con nhỏ, anh Lâm quyết không trở lại Macau nữa mà sẽ ở nhà chăm sóc vợ con. Anh tìm việc khắp nơi, nộp đơn vào làm shipper nhưng cũng chưa được gọi để đi làm.
Anh tâm sự: “Dịch này nhiều người mất việc nên tôi xin việc cũng hơi khó. Tôi xin mọi việc có thể làm nhưng không được vì người ta không có nhu cầu tuyển thêm. Tôi chỉ ở nhà phụ mẹ chở rau ra chợ Thiếc bán. Cơm nước thì lúc vợ chồng tôi ăn nhà nội, lúc thì nhà ngoại. Nhờ ông bà hai bên hỗ trợ nên vợ chồng mới vượt qua được giai đoạn này”.
Cũng nhờ tằn tiện chi tiêu suốt những năm xuất khẩu lao động nên anh chị vẫn còn khoản tiết kiệm đủ lo cho con nhỏ và những chi phí bất ngờ phát sinh.
Chị Phụng bộc bạch: “Tiền hai vợ chồng để dành với mong muốn đổi đời, kinh doanh gì đó cho ổn định, mà gặp dịch này, cứ mỗi ngày rút ra một ít xài, khoản tiền vơi dần, không biết cầm cự được đến khi nào, nhưng thấy vẫn còn may vì còn có thể trang trải được và có gia đình hai bên hỗ trợ”.
Chật vật bán bánh trung thu
Hẹn gặp anh Lâm tại quầy bánh trung thu anh vừa mở ở đường Tân Hòa Đông (Q.Bình Tân, TP.HCM), người viết khá bất ngờ vì thần sắc của anh tốt hơn rất nhiều so với những hình ảnh trước đó anh gửi về từ sân bay Malaysia.
Buổi đêm, anh Lâm ngủ lại tại quầy để trông bánh - ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Suốt hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi ngồi nói chuyện, quầy bánh của anh Lâm không có ai ghé vào hỏi thăm nhưng anh vẫn rạng rỡ, lạc quan. Anh nói: "Kể cũng như định mệnh, hôm ấy tôi không về thì giờ này cũng chưa chắc đã về được, sẽ không phụ vợ chăm con được".
Anh Lâm trích tiền tiết kiệm của mình ra để hùn với cậu làm vốn lấy bánh, trả tiền thuê mặt bằng, tiền đóng sạp, thuê tủ kiếng. Quầy bánh của anh mở từ cuối tháng 6 âm lịch, mỗi ngày chỉ bán lai rai 2-3 hộp. Đây cũng là công việc đầu tiên anh làm khi trở về Việt Nam.
Chị Phụng phụ chồng đi giao bánh trung thu khi có khách đặt online - ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Tạm gác ước mơ đổi đời, chật vật tìm công việc mới, nhưng với anh Lâm điều này vẫn hạnh phúc vì được bên cạnh gia đình - ẢNH: VŨ PHƯỢNG
“Gặp dịch, kinh tế ai cũng khó khăn nên có thể người dân không mua nhiều như mọi năm. Nhưng ngày nào bán được thì còn đủ tiền vốn, tiền cơm. Ngày nào không có khách thì lỗ. Bán tới hết trung thu tôi sẽ tìm công việc để thu nhập ổn định hơn, thấp hơn ở Macau là chắc rồi nhưng bên gia đình là hạnh phúc”, anh Lâm chia sẻ. Còn chị Phụng cũng tâm sự, đợi con được đủ 6 tháng, chị sẽ gửi con để đi làm phiên dịch tiếng Hoa – Việt.
Tạm gác lại ước mơ đổi đời, giờ đây, vợ chồng anh Lâm chỉ mong một cuộc sống vừa đủ ăn, bên cạnh đầy đủ thành viên trong gia đình.
Theo thanhnien