Bên trong ngôi nhà nhỏ tại Beirut, công nhân người Ethiopia - Tarik Kebeda - ở cùng 4 người bạn. Khung cửa sổ của họ đang che tạm bằng những tấm nylon, bởi kính đã vỡ nát trong vụ nổ ngày 4/8.
Tất cả đều đã mất việc làm – bất kể là giúp việc gia đình, nhân viên siêu thị hay nhà hàng - và giờ đây ngôi nhà của họ cũng đang gặp nguy hiểm.
"Tôi sợ hãi khi ngủ ở đây", cô gái 22 tuổi cho biết, khi thấy những vết nứt sâu chạy dọc trên tường phòng ngủ; Kebeda nói rằng cô sợ tòa nhà "sẽ đổ sập xuống đầu chúng tôi bất cứ lúc nào".
Hàng ngàn công nhân nước ngoài đang mắc kẹt ở Lebanon do khủng hoảng kinh tế và đại dịch. Vụ nổ ở cảng Beirut khiến hơn 181 người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương chính là ngưỡng “tức nước vỡ bờ” để họ quyết định rời đi.
Kebeda nói: “Tôi yêu Lebanon, nhưng tôi không muốn sống ở đây nữa. Không còn việc làm, tôi không biết phải tìm gì ăn?"
Một số công nhân nước ngoài nói rằng họ cảm thấy bị gạt ra ngoài các nỗ lực viện trợ.
Tại khu phố nghèo Karantina, Hana, hàng xóm của Kebeda, cho biết các nhân viên cứu trợ đặt những người Lebanon lên hàng đầu.
Ở nhà kế bên, Romane Abera (31 tuổi) kể: “Có lần, một chiếc xe tải đến để phân phát hộp thức ăn nhưng họ tuyên bố chỉ đưa cho người Lebanon”.
Vụ nổ ở cảng Beirut hôm 4/8 làm hư hại nhiều khu nhà ở của lao động nhập cưTiếng nói bị lãng quênAbera - người mẹ phải bỏ lại đứa con trai còn bé ở Ethiopia – thổ lộ: "Tôi ước Lebanon có thể trở lại như trước đây". Hàng trăm ngàn công nhân tại Lebanon là lao động nhập cư thuộc nhiều quốc tịch – bao gồm ít nhất 250.000 người trông nhà và chăm sóc riêng - làm việc vất vả để có tiền gửi về nhà.
Họ nhập cảnh vào Lebanon theo hệ thống tài trợ gây tranh cãi được gọi là "kafala", hệ thống này đã bị các nhóm nhân quyền liên tục tố cáo là tạo điều kiện cho lạm dụng thể chất. Theo kafala, một công nhân không thể chấm dứt hợp đồng nếu không có sự cho phép của người sử dụng lao động, bằng không họ sẽ mất tư cách nhập cư hợp pháp.
Nhiều lao động nước ngoài đã quá bất mãn. Bên ngoài lãnh sự quán Gambia ở Beirut, khoảng 30 phụ nữ Gambia kêu gọi giúp đỡ. Một phụ nữ lên tiếng: "Chúng tôi giống như nô lệ. Chúng tôi không được đối xử tốt, và sự phân biệt chủng tộc ở đây rất cao."
Zeina Ammar - từ tổ chức Phong trào chống phân biệt chủng tộc (ARM) của Lebanon - kêu gọi các quốc gia tài trợ cho những cuộc sơ tán và cung cấp giấy thông hành khi cần thiết: “Cần phải cung cấp một cách có hệ thống, vô điều kiện giấy thông hành cho tất cả mọi người để cứu lấy mạng sống của họ”.
Những người phụ nữ tụ tập trước lãnh sự quán Kenya
Sự phân biệt có hệ thống
Sau vụ nổ ở cảng, người dân Lebanon chia sẻ video ca ngợi lòng dũng cảm của những người lao động nhập cư giúp họ dọn dẹp đường phố, cũng như cảnh quay một người giúp việc giải cứu đứa trẻ mới biết đi khỏi cửa sổ rơi vỡ.
Nhưng ARM cho biết họ không dành đủ sự quan tâm cho những người di cư là nạn nhân của vụ nổ.
Theo ARM, việc kiểm đếm chính thức những người đã chết và những người mất tích vẫn chưa hoàn tất, chủ yếu bao gồm nạn nhân không phải là người gốc Lebanon. Tổ chức này bày tỏ trong xót xa: "Người lao động nhập cư và người tị nạn bị gạt ra ngoài lề xã hội ở Lebanon một cách có hệ thống, trong lúc sống cũng như khi chết".
Bên ngoài lãnh sự quán Kenya, hàng chục phụ nữ cho biết họ đã ngồi chờ từ ngày 10/8 để yêu cầu hồi hương. Trong số đó, một cô gái 21 tuổi kể lại việc trốn thoát khỏi những người chủ lạm dụng và chứng kiến ##ngôi nhà của mình bị phá hủy trong vụ nổ.
Lãnh sự quán cho biết họ đang tìm cách đưa công dân trở về nhà, nhưng những người biểu tình phàn nàn rằng quy trình quá chậm chạp.
Một người phụ nữ khác tên Emily (27 tuổi) cho biết người chủ đã “thả” cô tại lãnh sự quán chỉ vài ngày sau vụ nổ mà không trả hộ chiếu hoặc tiền lương, cáo buộc cô làm việc kém. Cô tỏ ra tức giận: "Làm sao họ có thể ném một người phụ nữ ốm yếu ra đường vào ban đêm? Chúng tôi chỉ cần giúp đỡ để trở về nhà. Chỉ có vậy thôi".
Những người phụ nữ "cắm trại" bên ngoài lãnh sự quán, yêu cầu được giúp đỡ quay về quê hương
Theo phunuonline.com.vn