Các cuộc biểu tình đã lan rộng khắp nước Mỹ sau khi Tòa án Tối cao hôm 24/6 lật ngược phán quyết lịch sử trong vụ kiện Roe v. Wade, tước bỏ quyền phá thai của hàng triệu phụ nữ. Giữa sự tức giận và đau buồn trào dâng, chiếc mắc áo đang trở thành biểu tượng cho làn sóng biểu tình.
Từ tháng 5, nhiều phụ nữ đã gửi mắc áo lên tòa án cấp cao nhất của Mỹ, khi bản thảo đề xuất chấm dứt phán quyết Roe bị rò rỉ. Vật dụng quen thuộc này tượng trưng cho những vụ phá thai đầy nguy hiểm ở Mỹ vào thời kỳ "tiền Roe", theo First Post.
Chiếc mắc áo có ý nghĩa gì?
Chiếc mắc áo tượng trưng cho việc phá thai không an toàn và tự phát. Trước đây, do không thể tiếp cận dịch vụ y tế, nhiều phụ nữ đã tự phá thai dẫn đến một số trường hợp tử vong.
Do đó, các nhà hoạt động ủng hộ quyền phá thai đã sử dụng mắc áo để phản đối những hành vi giới hạn quyền tự quyết cơ thể của phụ nữ.
Chiếc mắc áo cũng là lời nhắc nhở về khoảng thời gian kinh hoàng khi phá thai bị coi là bất hợp pháp ở Mỹ. Hàng nghìn phụ nữ đã chết hoặc bị thương tích nghiêm trọng vì cố gắng loại bỏ bào thai ngoài ý muốn trong tuyệt vọng, theo Vox.
Phá thai bằng mắc áo là gì?
Thuật ngữ này đề cập đến hành động phá thai không an toàn, chẳng hạn bằng cách đưa mắc áo vào cổ tử cung để chấm dứt thai kỳ.
Trong cuốn sách có tựa đề “Khi phá thai là tội ác”, tác giả Leslie Regan từng viết về một phụ nữ buộc phải thực hiện nhiều biện pháp cực đoan và nguy hiểm để phá thai vào năm 1954.
Người phụ này đã uống Ergotrate (một loại thuốc gây co thắt tử cung) và dầu thầu dầu, sau đó ngồi xổm trong nước nóng và tìm đến rượu Everclear. “Khi những phương pháp này thất bại, bà ấy dùng dụng cụ nghiền thịt tự đập vào bụng mình trước khi tìm đến người phá thai bất hợp pháp”, tác giả Regan viết.
Có trường hợp nào dùng cách phá thai này gần đây không?
Trường hợp gần nhất xảy ra ở Mỹ cách đây 7 năm. Vào tháng 12/2015, Anna Yocca, 31 tuổi, đến từ bang Tennessee, bị buộc tội cố ý giết người cấp độ một vì cố gắng dùng mắc áo chấm dứt thai kỳ.
Theo First Post, câu chuyện này cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi phụ nữ không được tiếp cận dịch vụ phá thai an toàn và hợp pháp.
Mắc áo lần đầu trở thành biểu tượng khi nào?
Chiếc mắc áo lần đầu được sử dụng như biểu tượng phản đối luật cấm phá thai vào tháng 4/1969, nhiều năm trước khi phán quyết Roe v. Wade ra đời. Ít nhất 30.000 người biểu tình đã tuần hành ở Washington, với mắc áo đeo trên cổ và tay cầm biển ghi dòng chữ “Đừng bao giờ lặp lại”.
Năm 2012, sau khi đảng Cộng hòa thông qua một nền tảng quy ước chống lại việc phá thai trong mọi trường hợp, cổng thông tin Huffington Post đã đăng tải hình ảnh chiếc mắc áo lên trang web. Sau đó, Tumblr, thuộc tạp chí Newsweek, cũng chuyển đổi con trỏ chuột trên trang chủ thành hình ảnh chiếc mắc áo nhỏ.
Vào tháng 12/2016, nhiều người đã phản đối dự luật cấm phá thai khi nghe được tim thai, tức khi thai nhi được 6 tuần tuổi, của bang Ohio, bằng cách đặt những biểu ngữ có hình mắc áo trên hàng rào của văn phòng chính quyền bang. Một số thậm chí đã gửi mắc áo cho thống đốc bang.
Mắc áo được sử dụng thế nào trong cuộc biểu tình gần đây?
Vào tháng 5, khi dự thảo đề xuất lật ngược phán quyết Roe v. Wade bị rò rỉ, Katarina Nowack, một người dùng TikTok, đã đăng tải video đặt mua 6 chiếc mắc áo bằng dây thép và chuyển đến Tòa án Tối cao Mỹ ở Washington D.C., đồng thời kêu gọi những người theo dõi cô hành động tương tự.
“Việc mang thai ngoài ý muốn sẽ phá hủy cuộc đời tôi. Tôi muốn tòa án tối cao nhìn thấy chính xác những gì họ đang vạch ra", Nowack nói với NBC.
Hàng nghìn phụ nữ đã hưởng ứng hành động này và gửi mắc áo đến Tòa án Tối cao Mỹ. Sau phán quyết của tòa án, họ đã đeo mắc áo trên cổ, cầm biểu ngữ có hình vẽ mắc áo... để tham gia biểu tình trên đường phố.
Theo Zing