Ảnh minh họa
Theo số liệu năm 2021, Nhật Bản là đất nước có dân số già nhất thế giới, với 29% số người trên 65 tuổi. Trong khi đó, tỉ lệ sinh của phụ nữ Nhật là 1,34 trẻ em/người, chỉ hơn một nửa so với tỉ lệ sinh toàn cầu là 2,45/người năm 2020.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản hồi tuần trước cũng đưa ra báo cáo hiện đất nước Mặt trời mọc đã có 90.000 người trên 100 tuổi. Đối lập với con số đó, số trẻ em mới sinh vào năm 2021 chỉ đạt hơn 810.000 trẻ, thấp hơn gần 30.000 so với năm trước đó.
Chia sẻ trên một bài báo vào năm 2019, Jeremiah Sawma, 41 tuổi, đến từ Osaka cho rằng những mong đợi về công việc ở Nhật khiến đàn ông khó có khả năng làm người cha tốt và buộc phụ nữ chọn giữa sự nghiệp và gia đình.
Jeremiah và 3 con gái.
"Tôi là người Mỹ và làm việc toàn thời gian tại một trường trung học cơ sở Công giáo. Người vợ Nhật của tôi là y tá và đồng thời dạy các khóa học bắt buộc để được cấp chứng chỉ nhân viên chăm sóc ban ngày khoảng 2 ngày/tuần. Chúng tôi có 3 cô con gái 5 tuổi, 7 tuổi và 11. Khi tôi ở nhà, tôi làm nhiều việc nhà và chăm sóc con trong khi vợ chuẩn bị đến lớp.
Tôi nghĩ các trường học ở đây khiến giáo viên quá sức, nhưng chính các giáo viên cũng làm việc quá sức. Họ thực sự yêu trẻ em và gần như đảm nhận vai trò làm cha mẹ (ở trường), nên khó có thể từ chối nhiều trách nhiệm hơn. Đó là một môi trường tuyệt vời để làm việc, nhưng rất khó để các giáo viên trẻ xây dựng cuộc sống của họ, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nhiều người quyết định sống độc thân hoặc làm việc bán thời gian khi họ có con.
Vợ tôi có thể chuyển sang điều dưỡng và làm việc toàn thời gian trong thời gian tới. Nếu cô ấy làm vậy, có lẽ tôi sẽ phải đi làm part time để chăm sóc bọn trẻ".
Việc người Nhật "ngại" có con dù họ có muốn hay không đã là một câu chuyện kéo dài nhiều năm, nhưng những lý do cụ thể là gì mà đất nước này lại khó khăn đến vậy trong việc đón chào những "thiên thần nhỏ"?
Một thời kỳ bùng nổ dân số không bao giờ tới
Trong lịch sử hiện đại, Nhật Bản đã trải qua 2 lần bùng nổ dân số. Lần đầu tiên vào cuối những năm 1940, khi Thế chiến II kết thúc và các gia đình trẻ được đoàn tụ. Lần thứ hai diễn ra vào khoảng 20-30 năm sau đó - cuối những năm 1960 và 1970, thời kỳ kinh tế phát triển rực rỡ và khi những đứa trẻ sinh ra từ lần bùng nổ trước đó đã trưởng thành.
Đường phố Tokyo năm 1975.
Tuy nhiên, lần bùng nổ dân số tiếp theo - đáng ra phải diễn ra theo chu kỳ vào những năm 1990-2000 đã không bao giờ xảy ra. Có vài nguyên do chính dẫn đến việc này.
1. Người trẻ "chán" kết hôn
Trong 30 năm sau lần bùng nổ dân số thứ hai, nhiều thay đổi đã diễn ra với cách nhìn nhận về hôn nhân của người Nhật. Dữ liệu chỉ ra dù những năm cuối thập niên 60, đầu 70 là thời kỳ bùng nổ dân số thứ 2 khi tỉ lệ sinh gia tăng nhờ thúc đẩy của nền kinh tế và nhóm dân số trẻ, đây cũng là giai đoạn đánh dấu chuyển dịch mạnh mẽ từ hôn nhân sắp đặt sang hôn nhân tự do.
Biểu đồ bên dưới thể hiện tỉ lệ sinh mỗi năm của Nhật Bản từ sau 1950 đến 2030. Tỉ lệ sinh đạt đỉnh một lần vào năm 1973 với 1,35% nhưng liên tục giảm mạnh sau đó.
Từ trước thời kỳ chiến tranh, miai hay "xem mắt" là một trong những hình thức phổ biến nhất cho người trẻ gặp gỡ và kết hôn tại Nhật.
Tuy nhiên, vào những năm 1960, lần đầu tiên tỷ lệ các cuộc hôn nhân vì tình yêu tăng cao hơn con số do miai sắp xếp. Kể từ đó, phần lớn những người độc thân đã nghe theo con tim của họ trong việc tìm kiếm một người bạn đời. Các cuộc khảo sát của Viện Quốc gia về Dân số và Nghiên cứu An sinh Xã hội Nhật chỉ ra rằng 69% các cặp kết hôn thông qua một miai vào năm 1930 - nhưng con số này đã giảm xuống còn 5,2% vào năm 2015.
Chuyển dịch từ hôn nhân sắp đặt (đường màu xanh) sang hôn nhân vì tình yêu (đường màu đỏ) từ năm 1935 đến 2010. Năm 1965 là lần đầu tiên hôn nhân sắp đặt bị "qua mặt".
Đồng thời với đó là sự thay đổi về định kiến xã hội khi Nhật Bản ngày càng hiện đại hóa và các giá trị toàn cầu bắt đầu du nhập vào đất nước. Theo Shogo Yamaguchi, một vlogger người Nhật, trước những năm 60, việc kết hôn trước một lứa tuổi nhất định gần như là bắt buộc ở Nhật và định kiến với người sống độc thân là rất cao.
Nhưng từ khi nhận thức xã hội thay đổi và hôn nhân sắp đặt mất ưu thế, số người kết hôn bắt đầu giảm mạnh.
Theo báo cáo về giới năm 2022 của Văn phòng Nội các Nhật, 25,4% phụ nữ ở độ tuổi 30 và 26,5% nam giới trong cùng độ tuổi nói rằng họ không muốn kết hôn. Tương tự, hơn 19% nam giới ở độ tuổi 20 và 14% nữ giới không có kế hoạch kết hôn.
Báo cáo chỉ ra rằng 514.000 cuộc hôn nhân đã được đăng ký ở Nhật Bản vào năm 2021, đánh dấu con số hàng năm thấp nhất kể từ khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945 và giảm mạnh so với 1,029 triệu đám cưới vào năm 1970.
Những phụ nữ tham gia cuộc khảo sát cho biết họ ngại kết hôn vì họ thích tự do, có sự nghiệp viên mãn và không muốn gánh nặng của người nội trợ truyền thống như việc nhà, nuôi dạy con cái và chăm sóc cha mẹ già.
Nam giới cho biết họ cũng được hưởng các quyền tự do cá nhân, nhưng nhiều người cũng cho biết thêm, những động lực khác khiến việc sống độc thân bao gồm lo ngại về việc không đảm bảo công việc và không thể kiếm đủ tiền để nuôi sống một gia đình.
Nhiều người độc thân tại Nhật dành thời gian một mình chơi game hoặc thậm chí sống trong các quán cafe internet, theo một phóng sự của tờ Vice.
Điều đó được phản ánh bởi Sho, 37 tuổi, ở tỉnh Saitama, phía bắc Tokyo, có một công việc với thu nhập dư dả cho bản thân.
"Tôi rất vui", anh nói. "Tôi có thể làm những điều tôi muốn, khi tôi muốn và tôi không phải nghĩ về bất cứ ai khác. Tôi có thể thức khuya để chơi game trên máy tính hoặc xem bất kỳ bộ phim nào ở rạp mà tôi muốn, hoặc tôi có thể gặp bạn bè. Tôi thích điều đó" - anh nói thêm.
Sho nói với DW: "Một số người bạn của tôi đã kết hôn, nhưng họ đã thay đổi và tôi không còn thấy họ nhiều nữa.
Điều đó tốt cho họ, nhưng có bạn gái hoặc kết hôn dường như chỉ là mendokusai (sự phiền phức)".
Trong phần kết luận của mình, báo cáo của Văn phòng Nội các cho biết, "Ý tưởng đằng sau gia đình Nhật Bản đã thay đổi và hôn nhân không còn được coi như một lưới an toàn để đảm bảo cuộc sống ổn định".
Nhưng kể cả với những người muốn kết hôn và có suy nghĩ khác Sho, việc tìm kiếm một cuộc hôn nhân vẫn vô cùng vất vả.
Trong một nền văn hóa coi trọng nam giới là trụ cột gia đình, điều này có tác động nghiêm trọng đến hôn nhân và sinh đẻ. Đàn ông không có việc làm thường xuyên không được coi là bạn đời lý tưởng.
Theo Ryosuke Nishida, một giáo sư tại Học viện Công nghệ Tokyo, một tác giả về tình trạng thất nghiệp ở những người lao động trẻ tuổi, ngay cả khi một cặp vợ chồng muốn kết hôn nhưng cả 2 đều có công việc không ổn định, cha mẹ của họ có thể sẽ phản đối. Chỉ khoảng 30% lao động không thường xuyên ở độ tuổi 30 đã kết hôn, so với 56% nhân viên công sở toàn thời gian.
Nishida nói: "Nhật Bản quan niệm rằng người đàn ông phải có một công việc ổn định. Nếu bạn tốt nghiệp và bạn không tìm được việc làm như một nhân viên bình thường, mọi người sẽ nhìn bạn như một kẻ thất bại".
Theo khảo sát, những người có công việc không ổn định tại Nhật thường kiếm được khoảng 1.800 USD/tháng nhưng đa phần số tiền này sẽ bị chi cho tiền thuê nhà, trả tiền nợ đại học hay chi phí an sinh xã hội - vốn sẽ ngày càng tăng cao vì dân số già và giảm lực lượng lao động.
Còn những người may mắn hơn, có công việc ổn định và thu nhập tốt thì lại gần như không còn thời gian hẹn hò, gặp gỡ hay xây dựng gia đình bởi văn hóa làm việc thêm giờ đến mức tiêu cực tại Nhật.
Văn hóa làm việc quá giờ vẫn "ám ảnh" xã hội Nhật.
2. Những khó khăn của việc có con
Từ đầu những năm 1990, sau khi bong bóng kinh tế vỡ tại Nhật Bản, dư âm của nó vẫn còn đến tận ngày nay. Suy thoái kinh tế kéo dài khiến đàn ông Nhật thường phải làm trung bình 9.5-10 giờ/ngày, còn phụ nữ vốn chỉ làm công việc nội trợ trong bối cảnh truyền thống, giờ phải kiếm việc làm thêm để đủ chi phí trang trải cuộc sống gia đình.
Trong quá khứ, tại Nhật cũng phổ biến hình thức "tam đại đồng đường" khi cha mẹ, con cái và ông bà cùng chung sống, giúp giảm gánh nặng chi tiêu như thuê nhà, sinh hoạt... và đỡ đần trong việc nuôi dạy con cháu.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nhất là ở các đô thị lớn, ngày càng ít các cặp đôi lựa chọn sống chung cùng cha mẹ sau khi kết hôn, tạo ra áp lực lớn hơn về tài chính và việc nhà.
Có con là "phiền phức"?
Ông Komazaki Hiroki, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất Nhật Bản về sự tham gia của người cha trong việc nuôi dạy con cái và là thành viên của Ủy ban về Trẻ em và Nuôi dạy trẻ em, phát biểu trên tờ President (một trong những tạp chí kinh doanh nổi tiếng nhất ở Nhật Bản) rằng "Những khó khăn khi nuôi dạy con cái không chỉ giới hạn trong hộ gia đình.
Ngày càng có nhiều người, ngoại trừ chính những người làm cha làm mẹ, coi sự tồn tại của những đứa trẻ là phiền phức". Phân tích của ông về lý do tại sao điều này xảy ra ở Nhật Bản là "vì có ít cơ hội nghe thấy giọng nói của trẻ em hơn, mọi người nghĩ rằng giọng nói hoặc âm thanh của chúng lạ và do đó gây phiền nhiễu".
Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy như vậy. Có một dự án đặc biệt mang tên "Chúng tôi yêu trẻ em" và một số tỉnh của Nhật Bản, bao gồm cả Kyoto, tham gia vào dự án đó. Trong dự án này, bạn có thể nhận được một nhãn dán đặc biệt để thể hiện rằng bạn không quan tâm nếu trẻ sơ sinh khóc ở những nơi công cộng.
Mặc dù đó là một dự án tuyệt vời vì nó giúp tạo ra một bầu không khí an toàn, chào đón cho các bậc phụ huynh cho việc có con. Tuy nhiên, sự tồn tại của dự án này chứng minh rằng có rất nhiều người không thể chịu đựng được tiếng trẻ em khóc.
Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID, một chương trình trên đài NHK tập trung vào chủ đề "Đưa trẻ đi siêu thị có phiền toái không?" và đáng ngạc nhiên là nhiều người nghĩ rằng câu trả lời là có. NHK kết thúc cuộc thảo luận này bằng cách giới thiệu một danh sách các cách cư xử mà cha mẹ nên tuân theo khi họ đi mua sắm với con cái của họ.
Theo blogger kansai-odyssey là một cặp vợ chồng đang sinh sống tại Nhật, việc trẻ em quấy khóc ở nơi công cộng là "nỗi kinh hoàng" tại đây. Họ so sánh, khi ở Mỹ, hầu hết mọi người sẽ không quan tâm hoặc cố gắng dỗ dành. "Tuy nhiên, ở Nhật Bản, sự căng thẳng âm thầm ẩn hiện và những cái nhìn liếc ngang, tạo ra không khí bất thành văn gây khó chịu".
Xã hội Nhật Bản đặt kỳ vọng rất lớn vào việc mọi người phải cư xử sao cho phù hợp. Trên thực tế, nhu cầu xã hội đặt ra đối với các bậc cha mẹ về việc nuôi dạy con cái cho phải phép rất mạnh mẽ nên việc cha mẹ đánh con không phải là hiếm (và thậm chí được coi là có thể chấp nhận được). Theo tổ chức phi chính phủ Save the Children Japan và NHK, 50%-70% cha mẹ Nhật thực sự đánh con mình và 40% cha mẹ cho rằng làm như vậy là ổn.
Theo Điều tra dân số Nhật Bản năm 2021, 60% người Nhật nói rằng rất khó để nuôi dạy con cái ở nước này. Tạp chí nổi tiếng nhất dành cho các bà mẹ, "Tamahiyo", báo cáo rằng 70% các bà mẹ cho rằng họ cảm thấy khó khăn khi sinh và nuôi dạy con cái ở Nhật Bản. Lý do phổ biến nhất cho điều này là tài chính, nhưng lý do phổ biến thứ ba là xã hội ít khoan dung hơn.
Nhiều chuyên gia đồng ý rằng việc nuôi dạy trẻ em ở Nhật Bản rất vất vả và các bậc cha mẹ phải chịu áp lực xã hội rất lớn. Giáo sư Oohinata, Nhà Tâm lý học Phát triển và Trưởng khoa tại Đại học Keisen, nói rằng cha mẹ dễ bị tổn thương về mặt xã hội và rằng "Tôi hy vọng mọi người không nên bắt nạt cha mẹ (những người dễ bị tổn thương về mặt xã hội) và con họ (cũng dễ bị tổn thương) nữa".
Điều thú vị ở đây là Văn phòng Nội các đã phỏng vấn 100 phụ huynh Nhật Bản từng nuôi con ở nước ngoài và kết luận rằng sự khác biệt lớn nhất giữa Nhật Bản và nước ngoài là, không giống như Nhật Bản, người dân ở nước ngoài đối xử tốt với các bậc cha mẹ có con và mọi người còn hay ra tay giúp đỡ.
Nhận thức đối với trẻ em ngoài hôn nhân và cha mẹ đơn thân
Một khó khăn khác, phải kể đến nhận thức đối với trẻ em sinh ngoài hôn nhân, càng làm gia tăng tính liên hệ giữa việc suy giảm hôn nhân và tỉ lệ sinh của nước này.
Nghiên cứu của quỹ Nippon công bố năm 2021 cho thấy sự chênh lệch lớn về quan điểm cá nhân về việc sinh con ngoài giá thú. Tại Nhật Bản, 67% phụ nữ được khảo sát cho biết họ coi hôn nhân là điều kiện tiên quyết để có con so với chỉ 14% phản đối, tỷ lệ thấp nhất đối với bất kỳ quốc gia nào.
Phần lớn những người được hỏi ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ cũng thích kết hôn trước khi có con. Ngược lại, hơn 80% phụ nữ ở Đan Mạch, Pháp, Ý và Thụy Điển không coi tình trạng hôn nhân là yếu tố quyết định trong việc lựa chọn sinh con.
Tới năm 2013, Tòa án Tối cao Nhật Bản mới công nhận quyền thừa kế ngang bằng của trẻ em sinh ngoài hôn thú so với trẻ em sinh ra bởi cha mẹ đã kết hôn. Nhưng ngay cả khi đó, xã hội Nhật Bản vẫn có cái nhìn rất ít đón nhận đối với nhóm trẻ này, thể hiện qua con số thực tế về số trẻ sinh ngoài giá thú ở nước này so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Theo Shogo, nhận thức rằng "bạn phải kết hôn mới được có con" tại Nhật vẫn chưa thay đổi và thành kiến đối với trẻ em sinh ngoài hôn nhân hoặc cha mẹ đơn thân vẫn là rất lớn.
Rủi ro đối với phụ nữ
Cuối cùng, việc phụ nữ Nhật Bản ngại sinh con có liên quan đến rủi ro của việc trở thành mẹ đơn thân nếu chẳng may có ly dị.
Chia sẻ trên tờ Atlantic, Shinobu Miwa, một bà mẹ đơn thân 45 tuổi, đã tìm được công việc thư ký bán thời gian của mình thông qua một chương trình của chính phủ có tên Hello Work được thiết kế để giúp những người khó tìm việc gia nhập lực lượng lao động.
Vào thời điểm phỏng vấn, cô làm việc 5 tiếng một ngày, nhưng vẫn chật vật kiếm đủ tiền thuê nhà, thức ăn, đồ dùng học tập và những thứ linh tinh khác mà cô và cậu con trai 13 tuổi cần. "Nhật Bản có hình dung này, đặc biệt là từ chính phủ, rằng mỗi gia đình sẽ có 2 người nuôi dạy con cái, và đó là cách duy nhất", Miwa nói.
Trải nghiệm của Miwa và những bà mẹ đơn thân khác ở Nhật Bản cho thấy những vấn đề nảy sinh khi tỷ lệ ly hôn tăng lên nhưng quyền lực kinh tế của phụ nữ vẫn ở mức tối thiểu. Theo Jeff Kingston, giáo sư tại Đại học Temple, Nhật Bản, tình trạng ly hôn đã tăng vọt ở Nhật Bản khi phụ nữ trở nên ít chịu đựng sự lừa dối, lạm dụng và việc chồng yêu cầu họ lùi lại.
Tỷ lệ ly hôn ở Nhật Bản tăng 66% từ năm 1980 đến năm 2012. Ngược lại, ở Hoa Kỳ, tỷ lệ ly hôn giảm từ năm 1980 đến năm 2012. Có khoảng 1,8 vụ ly hôn trên 1.000 người ở Nhật Bản, so với 3,2 vụ ly hôn trên 1.000 người ở Mỹ.
Tỷ lệ nghèo của các gia đình đơn thân có bố hoặc mẹ đang làm việc là 56% tại Nhật, đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế). Tỷ lệ nghèo của các gia đình cha mẹ đơn thân đang làm việc tương tự ở Hoa Kỳ, để so sánh, là 33,5%.
Aya Ezawa, một nhà xã hội học tại Đại học Leiden, Hà Lan, người đã nghiên cứu về vấn đề độc thân, cho biết tình trạng của Nhật Bản là một lời cảnh báo về rủi ro tài chính và trách nhiệm của phụ nữ đơn thân.
Số lượng các bà mẹ đơn thân ở Nhật Bản đang tăng lên và đất nước này sẽ cần phải có những thay đổi lớn để giúp các bà mẹ đơn thân. Số hộ gia đình bao gồm một bà mẹ đơn thân đã tăng 72% từ năm 1983 đến năm 2011 khi tình trạng ly hôn trở nên phổ biến hơn. Có 1,2 triệu gia đình cha mẹ đơn thân vào năm 2011, theo một cuộc khảo sát của chính phủ.
Phụ nữ ở Nhật Bản có xu hướng gặp khó khăn về kinh tế sau khi ly hôn. Đó là bởi vì theo truyền thống ở Nhật Bản, nam giới đi làm và phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái. Theo Kingston, khoảng 62% phụ nữ từ bỏ lực lượng lao động khi họ có con đầu lòng.
Khi các cặp vợ chồng ly hôn, phụ nữ thường đã không phải lao động trong một thời gian dài. Nhiều thể chế khuyến khích sự sắp xếp này: các tập đoàn Nhật Bản thường thưởng cho những người chồng có vợ ở nhà, và hệ thống thuế Nhật Bản trừng phạt những cặp vợ chồng có 2 khoản thu nhập.
Khi phụ nữ cố gắng quay trở lại lực lượng lao động, họ thường chỉ có thể tìm được công việc bán thời gian được trả lương thấp, kể cả nếu có được thuê. Và phụ nữ đi làm kiếm được ít hơn 30% so với nam giới. Ezawa nói: "Ở cả Hoa Kỳ và Nhật Bản, bạn gặp phải tình trạng phụ nữ buộc phải làm việc, nhưng nếu nền kinh tế không cho phép phụ nữ nuôi một gia đình với 40 giờ một tuần, thì bạn sẽ gặp phải tình trạng kinh tế rất khó khăn".
Các biện pháp chưa hiệu quả
Trong khi các nước OECD dành ra tới trung bình 2,34% ngân sách để giải quyết tỉ lệ sinh giảm dần, Nhật Bản mới chỉ bỏ ra 1%.
Để hỗ trợ kết hôn và sinh con ở thanh niên, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai chương trình trợ cấp khu vực vào năm 2018 nhằm tăng tỷ lệ sinh. Những cặp đôi dưới 34 tuổi trong ngày cưới có thể nhận được sự hỗ trợ về tài chính cho cuộc sống hôn nhân và cuộc sống mới.
Một cặp vợ chồng có thu nhập tổng cộng hàng năm dưới 3,4 triệu yên (562 triệu đồng) (sau thuế) có thể nhận được khoản trợ cấp lên tới 300.000 yên (khoảng 50 triệu đồng) để mua hoặc thuê nhà và chi phí di chuyển phát sinh. Ngay cả những người đang tái hôn cũng đủ điều kiện để nộp đơn miễn là họ chưa nhận được trợ cấp trước đó.
Tuy nhiên, hệ thống phúc lợi hỗ trợ hôn nhân và cuộc sống mới vẫn chưa có trên toàn Nhật Bản. Cho đến giữa năm 2020, hệ thống mới chỉ được triển khai tại 257 trong số 1.724 thành phố ở Nhật Bản.
Thời gian nghỉ thai sản có hưởng lương của Nhật Bản là 98 ngày, bao gồm 6 tuần trước và 8 tuần sau khi sinh con. Nếu công ty của người mẹ không trả lương cho kỳ nghỉ thai sản, họ có thể xin trợ cấp từ chính phủ và nhận khoảng 2/3 tiền lương của mình. Nếu công ty trả một phần, nhưng ít hơn số tiền yêu cầu, chính phủ sẽ bù đắp cho khoản thiếu hụt.
So sánh với một quốc gia phát triển khác như Đan Mạch, tổng cộng, các bậc cha mẹ ở Đan Mạch được nghỉ 52 tuần có lương. Nguyên tắc chung là người mẹ có quyền được nghỉ phép 4 tuần trực tiếp trước ngày sinh dự định và sau đó được nghỉ thêm 14 tuần sau khi sinh.
Người cha được nghỉ phép 2 tuần trong thời gian 14 tuần đầu sau khi sinh con. Sau đó 32 tuần tiếp theo là thời điểm mà người mẹ và người cha có thể tự do chia sẻ thời gian nghỉ phép giữa họ. Họ có thể chọn nghỉ phép cùng lúc hoặc theo chu kỳ lần lượt.
Việc chính sách nhập cư của Nhật có nhiều rào cản cũng không giúp ích được gì cho tỉ lệ sinh. Theo số liệu của OECD vào năm 2018, Nhật Bản tiếp nhận gần 520.000 người nhập cư mỗi năm, đứng thứ 4 trong danh sách.
Tuy nhiên, định nghĩa "người nhập cư" ở Nhật đa phần nhắc đến lao động nước ngoài tạm trú, và có rất nhiều quy định nghiêm ngặt cho việc cư trú dài hạn, càng gây khó khăn cho tỉ lệ sinh thấp và già hóa dân số tại quốc gia này.
Thạch Anh (tổng hợp)