|
|
Ông Nguyễn Phú Bình,Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài. |
Trong những năm qua, bà con Việt kiều ở nước ngoài đã chuyển một lượng lớn vốn, công nghệ cũng như đem nhiều tư duy đổi mới về xây dựng đất nước. Nhằm thúc đẩy hơn nữa xu thế này, cũng như tạo môi trường thông thoáng về đầu tư cho kiều bào, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.
Nguồn lực và khả năng đóng góp của bà con Việt kiều cho nền kinh tế nước nhà là rất lớn. Theo ông, chúng ta cần làm gì để phát huy hơn nữa hiệu quả đầu tư này?
Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài, tại hơn 130 quốc gia. Trong đó, phần đông sống ở các nước phát triển. Bên cạnh tình yêu quê hương, nguồn lực của bà con rất lớn. Đầu tiên là khoa học công nghệ. Hiện 10-15% Việt kiều ở nước ngoài có trình độ đại học trở lên.
Thứ nữa là về kinh tế. Việt Nam chưa có nhiều tỷ phú như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng nhìn chung, đời sống của bà con khá tốt. Lượng kiều hối gửi về nước trung bình khoảng 17-18 tỷ USD/năm, tương đương với lượng đầu tư FDI hàng năm. Điều này giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại, giữ ổn định cho đồng nội tệ.
Việt Nam là nước đang phát triển, với lượng nông dân chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số. Nếu có thể kết hợp nguồn lực bên ngoài như một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, RCEP, EVFTA với nội lực trong nước, chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra sức bật cho nền kinh tế.
Nguồn lực lớn, nhưng cách thức sử dụng nguồn kiều hối đến nay còn hạn chế. Nguyên nhân có nhiều. Chẳng hạn, kênh gửi ngoại tệ chủ yếu hiện nay của bà con là qua gia đình, người thân. Trên cơ sở đó, bà con muốn trước mắt là giúp đỡ gia đình, kế đó mới là góp phần tăng trưởng GDP thông qua đầu tư kinh doanh, mua bất động sản. Chúng ta không thể nắm chắc được nguồn tiền này đi vào đâu, tính thanh khoản ra sao. Ngoài ra, nếu dòng tiền không đi qua các kênh chính thống, bà con Việt kiều thậm chí gặp rủi ro.
Để thu hút hơn nữa nguồn lực này, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách hướng nguồn tiền vào những kênh ít rủi ro, và được nhận những chính sách hỗ trợ, giúp đi đúng luồng được Nhà nước khuyến khích theo đúng tinh thần của Kết luận số 12, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, cũng như Nghị quyết 36 của Chính phủ.
Dưới góc nhìn của một thành viên Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, tôi cho rằng trước mắt cần xây dựng, thành lập một diễn đàn hỗ trợ đầu tư cho người nước ngoài. Đây là cơ sở tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục, đồng thời giúp bà con nắm rõ pháp luật trong nước, và là một kênh để cơ quan quản lý nhà nước, hoặc các doanh nghiệp có nhu cầu tìm tới khi cần hỗ trợ nguồn vốn.
Diễn đàn, về cơ bản, sẽ được xây dựng giống như một hội chợ. Bên cạnh bà con Việt kiều, chúng ta có thể thu hút thêm bạn bè nước ngoài. Sản phẩm có thể trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp, hoặc dự án đầu tư công, dự án của doanh nghiệp. Dựa trên sự đảm bảo của các cơ quan quản lý, hoặc tổ chức pháp luật, diễn đàn sẽ phân bổ nguồn lực về vốn, công nghệ tới cả nước.
Ngày 6/7/2021, tại Hà Nội, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành lập Ban hỗ trợ pháp lý, nhằm tiếp nhận, hỗ trợ những nhu cầu của bà con kiều bào liên quan đến các vấn đề về pháp lý như: quốc tịch, đầu tư... trước khi chuyển các vấn đề này lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
|
Theo thoidai