"Chúng ta cũng sẽ thúc đẩy các ưu tiên và sự kiện mang đậm dấu ấn, đồng thời là cam kết của Việt Nam nhiệm kỳ này là 'đối tác vì hòa bình bền vững'. Đó là tìm giải pháp thỏa đáng và bền vững cho các xung đột, thúc đẩy đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực, đặt người dân vào vị trí trung tâm, chính sách nhân văn hướng tới các đối tượng dễ bị tổn thương", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết trong bài viết hôm nay, nhân dịp Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) tháng 4/2021.

Đây là năm thứ hai trong nhiệm kỳ HĐBA của Việt Nam, cũng là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA. Việt Nam sẽ tổ chức, chủ trì, điều hành khoảng 30 cuộc họp của HĐBA, đại diện HĐBA trong quan hệ với các nước thành viên ngoài hội đồng, các cơ quan Liên Hợp Quốc, tổ chức quốc tế và báo chí.

Một trong những cuộc họp quan trọng là Phiên Thảo luận mở Cấp cao "Tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột" ngày 19/4.

"Đây là tiếp nối ưu tiên của Việt Nam về tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực, là dịp để các nước chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc với các tổ chức khu vực trong xử lý các thách thức toàn cầu nói chung và ngăn ngừa, giải quyết xung đột ở các khu vực nói riêng", theo Phó thủ tướng.

Việt Nam cũng sẽ tổ chức phiên họp cấp Bộ trưởng về chủ đề "Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn" ngày 8/4, "Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang" ngày 27/4.

"Với quyết tâm cao khẩn trương triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, với tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước, chúng ta hoàn toàn có niềm tin vững chắc rằng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 4/2021 với những đóng góp, dấu ấn mới", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay.

Là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, HĐBA được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. HĐBA có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực và 10 thành viên được bầu với nhiệm kỳ hai năm. Việt Nam từng là thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch HĐBA vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009. Ngày 7/6/2019, Việt Nam lần thứ hai trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA), đảm nhận nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu là 192/193.

Vị trí Chủ tịch HĐBA được chuyển luân phiên giữa 15 nước thành viên theo thứ tự chữ cái, mỗi nước đảm nhận chức Chủ tịch hai lần trong một nhiệm kỳ.

Theo vnexpress