leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia Ing Samheng đồng chủ trì Hội nghị (Ảnh: KT).

Hội nghị là dịp triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia về hợp tác trong lĩnh vực lao động giai đoạn 2022 - 2027.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia tiếp tục được chú trọng, phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng.

Thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa hai Bộ giai đoạn 2017-2022, hai Bộ đã phối hợp hiệu quả và chặt chẽ trong công tác quản lý lao động Campuchia tại Việt Nam cũng như lao động Việt Nam tại Campuchia; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của lao động hai nước, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua.

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hai nước đã thúc đẩy các hoạt động hợp tác và ủng hộ nhau trên cả bình diện hợp tác song phương và đa phương với nhiều dự án chung trong các khuôn khổ ASEAN, tiểu vùng sông Mekong, hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam - Thái Lan về lao động và trên các diễn đàn quốc tế mà hai nước là thành viên.

Việc hỗ trợ sinh viên học tập và nghiên cứu thông qua các học bổng tại các trường nghề trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cũng được chú trọng và thúc đẩy thông qua Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học và kỹ thuật.

leftcenterrightdel
Hội nghị Bộ trưởng Lao động Việt Nam – Campuchia (Ảnh: KT). 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những diễn biến nhanh chóng của toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và dịch bệnh cùng với lạm phát thế giới tăng cao gắn liền với xu hướng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực đang đặt ra nhiều thách thức và khó khăn đối với ngành lao động và xã hội. Điều này đòi hòi hai Bộ phải nỗ lực đưa ra các định hướng, luật pháp và chính sách phát triển mới, sáng tạo và mang tính đột phá nhằm thích ứng với tình hình mới, góp phần vào ổn định kinh tế và xã hội của hai nước.

Ông tin tưởng, với việc thống nhất kế hoạch triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác lao động giai đoạn 2023 – 2027 sẽ làm khăng khít hơn quan hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực lao động và đào tạo nghề, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia Ith Samheng bày tỏ sự nhất trí xây dựng Kế hoạch hành động để thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác lao động giai đoạn 2022-2027 nhằm trao đổi thêm thông tin, dữ liệu, nghiên cứu, chuyên môn về lao động, việc làm và đào tạo nghề; tăng cường quản lý lao động di cư tại các khu vực của cả hai nước; tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp các giấy tờ pháp lý theo yêu cầu của pháp luật và quy định.

Ông đề nghị hai bên chú trọng phòng, chống việc tuyển dụng và sử dụng lao động bất hợp pháp, ngăn chặn nạn bóc lột lao động và buôn bán người. Chú trọng tạo việc làm, nâng cao phúc lợi người dân, người lao động, đồng thời nỗ lực giải quyết các vấn đề về thị trường lao động, đề ra khung chính sách quốc gia về quỹ công bằng y tế, chế độ an sinh xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe việc làm.

Cùng với đó, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện, rộng rãi và bao trùm người dân, đặc biệt là người nghèo, người dễ bị tổn thương...

Hai Bộ trưởng đã nghe Báo cáo của Hội nghị quan chức cao cấp về Lao động Việt Nam Campuchia về tình hình phục hồi phát triển thị trường lao động; quản lý lao động di cư và phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề của hai nước và những giải pháp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hai Bộ trưởng đã xem xét và thông qua các văn kiện của Hội nghị với các cam kết hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực chuyên ngành trong thời gian tới, bao gồm Kế hoạch hành động thực hiện Bản ghi nhớ về Hợp tác lao động giữa hai Bộ giai đoạn 2023 - 2027 và Tuyên bố chung của Hội nghị.

Theo thoidai