Việt Nam - Cầu nối giúp Canada đa dạng hóa thương mại ở châu Á-TBD
Cập nhật lúc 17:30, Thứ năm, 07/07/2022 (GMT+7)
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là cầu nối vững chắc để Canada thực hiện chiến lược đa dạng hóa thương mại thành công vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
|
|
Các đại biểu dự Kỳ họp đầu tiên Ủy ban hỗn hợp về kinh tế giữa Việt Nam và Canada. (Ảnh: TTXVN/phát) |
Ngày 6/7, trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban hỗn hợp về kinh tế giữa Việt Nam và Canada, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada (GAC) đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Canada tại Vancouver, British Columbia.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải cho biết hai nước đã và đang có một nền tảng quan hệ chính trị, kinh tế tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Bên cạnh việc đều là thành viên tích cực, hỗ trợ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương quốc tế, với sự quan tâm của lãnh đạo hai nước, mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội đang ngày càng trở nên sâu sắc hơn.
Quan hệ song phương đã được nâng cấp lên Đối tác toàn diện vào năm 2017, trong đó thương mại và đầu tư là các yếu tố trụ cột. Đặc biệt, Việt Nam và Canada lần đầu tiên có quan hệ FTA (Thỏa thuận thương mại tự do) khi cùng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Là khách mời danh dự của diễn đàn, Thứ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế của Canada, ông David Morrison khẳng định, tình hữu nghị lâu đời với Việt Nam là chìa khóa cho cam kết của Canada đối với các quan hệ đối tác mạnh mẽ, mang tính xây dựng và đa dạng trong lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, an ninh và phát triển bền vững ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có quan hệ FTA với 60 nền kinh tế. Bất chấp các áp lực tiêu cực và nặng nề của dịch COVID-19, Việt Nam trong năm 2020 vẫn thu hút được 28 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, với cơ cấu hàng hóa, thế mạnh bổ sung cho nhau, cùng với các điều kiện mà chính phủ hai nước đã thiết lập hiện nay, dư địa cho phát triển thương mại, đầu tư của doanh nghiệp hai nước vẫn còn rất lớn.
Thứ trưởng tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là cầu nối vững chắc để Canada thực hiện chiến lược đa dạng hóa thương mại thành công vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ở chiều ngược lại, Canada là cầu nối để Việt Nam phát triển thương mại với các đối tác ở khu vực Bắc Mỹ và châu Mỹ.
Ấn tượng trước tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam - ước đạt 6% trong năm 2022, ông David Morrison tin tưởng với nỗ lực thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của hai nước như hiện nay, doanh nghiệp và người lao động của cả Canada và Việt Nam sẽ được hưởng lợi tốt hơn từ chuỗi cung ứng mới và đa dạng hóa thị trường.
Phiên thảo luận tại diễn đàn được đông đảo khách tham dự quan tâm, đặc biệt là các chủ đề về phát triển kết nối chuỗi cung ứng, phục hồi kinh doanh sau đại dịch COVID-19, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, kết nối logistics, cũng như các chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư Việt Nam-Canada.
Kết nối trực tiếp doanh nghiệp cũng là một phần quan trọng của diễn đàn, với sự tham gia 23 doanh nghiệp đến từ Việt Nam thuộc các lĩnh vực dệt may, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng và nông sản. Đã có hơn 50 doanh nghiệp Canada đăng ký tham gia và nhiều lượt kết nối, hứa hẹn nhiều giao dịch có thể được triển khai trong thời gian tới.
Số lượng các công ty Canada theo đuổi cơ hội kinh doanh tại Việt Nam đang tăng lên, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm, giáo dục, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sạch, hàng không vũ trụ...
Nhiều doanh nghiệp Canada đã thành lập văn phòng và cơ sở sản xuất tại Việt Nam để tận dụng lợi thế của một đất nước ngày càng nổi bật trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Diễn đoàn Doanh nghiệp Việt Nam-Canada được các chuyên gia trong ngành đánh giá là “cơ hội vàng” để kiến tạo và tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp hai nước./.
Theo vietnamplus