Việt Nam dự tuần lễ Di sản Văn hóa Phi vật thể ASEAN-Trung Quốc
Cập nhật lúc 21:10, Thứ sáu, 28/04/2023 (GMT+7)
Đoàn Việt Nam tham dự Tuần lễ Di sản văn hóa phi vật thể ASEAN-Trung Quốc có sự góp mặt của Sân khấu Lệ Ngọc và Nhà hát Chèo Việt Nam, trong đó Sân khấu Lệ Ngọc đã mang tới nhiều tiết mục đặc sắc.
Nhằm tăng cường giao lưu hợp tác giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc trong việc bảo vệ, kế thừa, khai thác và phát triển di sản văn hóa phi vật thể, mới đây tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc đã diễn ra Tuần lễ Di sản Văn hóa Phi vật thể ASEAN-Trung Quốc lần thứ 1 từ ngày 22-28/4.
Tham dự sự kiện năm nay có 30 đoàn nghệ thuật của Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN. Đoàn Việt Nam có sự góp mặt của Sân khấu Lệ Ngọc và Nhà hát Chèo Việt Nam, trong đó Sân khấu Lệ Ngọc đã mang tới nhiều tiết mục đặc sắc.
Ngoài hai vở diễn chính là "Dế mèn" và "Ngũ biến," Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc cùng các nghệ sỹ trẻ của Việt Nam cũng cho thấy sự đa dạng trong các loại hình biểu diễn khi mang đến diễn đàn năm nay các tiết mục khác như múa sạp, hát xoan, múa khèn... qua đó nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của các đồng nghiệp cũng như đông đảo người hâm mộ.
Tại sự kiện năm nay, ngoài các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, các đoàn biểu diễn cũng có cơ hội tham dự Hội chợ Văn hóa Phi vật thể ASEAN-Trung Quốc, nơi trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống được làm bằng tre, dệt thổ cẩm, các tác phẩm điêu khắc dân gian của nhiều quốc gia.
Tuần lễ Di sản Văn hóa Phi vật thể ASEAN-Trung Quốc là hoạt động tăng cường, giao lưu hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trong việc bảo vệ, kế thừa, khai thác và phát triển các Di sản Văn hóa Phi vật thể của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO tôn vinh, gồm:
1- Nghệ thuật bài chòi Trung bộ;
2- Nhã nhạc Cung đình Huế;
3- Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên;
4- Dân ca quan họ Bắc Ninh;
5- Ca trù;
6- Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng;
7- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ;
8- Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ;
9- Hát ví-giặm Nghệ Tĩnh;
10- Nghi lễ và trò chơi kéo co;
11- Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ;
12- Hát xoan ở Phú Thọ;
13- Thực hành then Tày, Nùng, Thái;
14- Nghệ thuật xòe Thái;
15- Nghề làm gốm của người Chăm. |
Theo vietnamplus