Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định Bộ Y tế tiếp tục tin tưởng giao cho Học viện thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng tiếp theo: mở mới 2 mã ngành đào tạo sau đại học gồm: Bác sĩ chuyên khoa cấp 1 chuyên ngành Châm cứu và Bác sĩ chuyên khoa cấp 1 ngành Dược liệu - Dược cổ truyền; đồng thời giao xây dựng khung chương trình đào tạo cơ bản cho Bác sĩ y học cổ truyền được áp dụng trong cả nước.

Việt Nam giảng dạy y học cổ truyền và châm cứu cho khu vực Nam Mỹ - ảnh 1

PGS-TS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện, cho biết Học viện đã có truyền thống 51 năm xây dựng và phát triển, trong đó 17 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ y tế trình độ đại học và sau đại học. Các năm qua, Học viện đã ký kết hợp tác toàn diện với các bệnh viện và nhiều tỉnh thành như: TP.HCM , Thanh Hóa, Lào Cai, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Phú Thọ, 5 tỉnh vùng Tây nguyên… Việc hợp tác toàn diện với các đơn vị, đặc biệt là với các cơ sở trong khối ngành sức khỏe tại các địa phương, giúp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với thực hành; các học viên có chuyên môn vững và kỹ năng trong công việc thực tế cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Gần 1.000 tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1, trên 5.000 bác sĩ, dược sĩ do Học viện đào tạo đã bổ sung cho các cơ sở y tế. Trong năm học 2021 - 2022, Học viện đã ký kết 5 hợp tác và văn bản ghi nhớ với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, trao đổi sinh viên và phát triển các sản phẩm thuốc y học cổ truyền.

Mới đây nhất, ngày 14.11, Học viện đã ký kết với Trường Y học cổ truyền quốc tế Chile về thúc đẩy, truyền bá, giảng dạy y học cổ truyền và châm cứu cho khu vực Nam Mỹ (ảnh - các nước nói tiếng Tây Ban Nha), khởi đầu là các khóa đào tạo ngắn hạn bằng tiếng Anh về châm cứu tại Học viện và thực hành tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc Học viện tại Hà Nội.

Theo Thanh niên