Với thiên nhiên đa dạng phong phú trải dài từ bắc xuống nam, tài nguyên và cảnh quan tự nhiên độc đáo, Việt Nam hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành phim trường của thế giới. Nhưng cho đến bây giờ, đó vẫn là ước mơ.

Khi nhà sản xuất quốc tế 'ngại' quay phim ở Việt Nam - Ảnh 1.

Việt Nam xuất hiện ấn tượng trong Kong: Skull Island

Warner Bros

Hướng đi không mới của thế giới

Từ lâu, Pháp đã ráo riết thực thi các chính sách kích cầu để thu hút các đoàn phim quốc tế. Năm 2022, trong buổi tọa đàm Yes, you can come shoot in France! (Làm thế nào để quay phim tại pháp) tổ chức tại TP.HCM, nhà sáng lập đơn vị truyền thông quốc tế Ghosts City, Franck Priot, đã giới thiệu những chính sách ưu đãi của chính phủ Pháp đối với đoàn phim nước ngoài. Ông Priot nói: "Các bạn hoàn toàn có thể quay phim tại Pháp với chi phí không đắt hơn một chiếc túi Hermes".

Nhờ chính sách từ chính phủ, các đoàn làm phim nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện sẽ được chiết khấu 30% chi phí quay phim ở Pháp, hoặc 40% nếu thực hiện các phần hậu kỳ tại đây.

Khi nhà sản xuất quốc tế 'ngại' quay phim ở Việt Nam - Ảnh 2.

Pháp thu hút hàng trăm dự án phim trong đó có cả các bom tấn như John Wick: Chapter 4 đến quay và thực hiện khâu hậu kỳ

Lionsgate

Từ năm 2018, Thái Lan đã thực hiện các chương trình ưu đãi giảm 15% cho nhà sản xuất nước ngoài đối với chi phí địa điểm. Vào tháng 10.2022, Thái Lan ban hành quyết định miễn thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia quốc tế trong thời hạn 5 năm. Đồng thời, Thái Lan cũng thông qua việc tăng con số hỗ trợ lên 30% cho những chi tiêu sản xuất phim với tổng giá trị lên tới 150 triệu THB (4,5 triệu USD). Nhờ vậy, Thái Lan dần trở thành trung tâm sản xuất phim trong khu vực. 

Với trình độ kỹ năng cao, chi phí tương đối thấp, không gian trường quay sẵn có và các địa điểm đa dạng mà trong những năm gần đây, quốc gia này đã dần thay thế New York (Mỹ), Ấn Độ và các khu vực khác của Đông Nam Á trở thành lựa chọn của nhiều dự án nước ngoài như Extraction của Netflix, Da 5 Bloods của Spike Lee, series Ms Marvel của Disney/Marvel, Shantaram của Apple TV…

Mông Cổ cũng không bỏ qua cuộc đua khi có nhiều ưu đãi cạnh tranh để thu hút các công ty sản xuất phim hàng đầu thế giới, đồng thời củng cố sự đánh giá của quốc tế đối với văn hóa và di sản độc đáo của nước này. Với các chương trình khấu trừ chi phí địa điểm, hậu kỳ, các quỹ hỗ trợ khuyến khích văn hóa dân tộc, nhà làm phim quốc tế có thể tiết kiệm 45% chi phí sản xuất nếu thực hiện ở Mông Cổ.

Chưa giảm thuế, hoàn thuế cho các đoàn nước ngoài vào Việt Nam 

Sở hữu cho mình những tiềm năng khổng lồ nhưng cảnh quan Việt Nam chưa được khai thác triệt để đối với nền công nghiệp sản xuất phim thế giới. Trong khi những quốc gia khác nỗ lực chủ động tiếp cận các đơn vị làm phim lớn, quảng bá và giới thiệu chính sách kích cầu tại các sự kiện điện ảnh quốc tế, thì Việt Nam trong trạng thái "ôm cây đợi thỏ", hoàn toàn bị động chờ đợi các đoàn làm phim nước ngoài tìm tới.

Khi nhà sản xuất quốc tế 'ngại' quay phim ở Việt Nam - Ảnh 3.

Bối cảnh giả đường phố Sài Gòn được quay ở Thái Lan trong Tomorrow Never Dies

MGM

Bối cảnh là một trong những yếu tố để quyết định một bộ phim có được quay ở đất nước đó hay không. Samuel Jamier, Giám đốc Liên hoan phim châu Á - New York (NYAFF) cho rằng: "Việt Nam có những địa điểm mang tính biểu tượng. Nhưng để làm cho một quốc gia trở nên hấp dẫn đối với các đoàn làm phim và sản xuất nước ngoài, sự hỗ trợ của chính phủ trong khâu thủ tục và lợi thế về chi phí, chất lượng đội ngũ kỹ thuật và thiết bị, cơ sở hạ tầng vật chất, giao thông… đều là những điều kiện tiên quyết cần được đáp ứng".

Đạo diễn Lê Bình Giang cùng chung nhận định: "Nếu muốn tạo chất liệu Việt Nam trong phim, hầu hết đoàn phim quốc tế sẽ lựa chọn các quốc gia có nhiều điểm tương đồng như Thái Lan, Campuchia hay Philippines để dễ dàng hơn về thủ tục, tiết kiệm ngân sách. Chưa kể, chất lượng nhân sự đoàn phim ở các khâu của những nước này đặc biệt là Thái Lan đều vượt trội hơn nhiều so với Việt Nam. Vậy việc gì họ phải sang Việt Nam để quay phim khi chẳng có lợi gì hơn về cả kinh phí lẫn con người?".

Tại hội thảo Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tổ chức ở Đà Nẵng vào ngày 10.5 (trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần 1), chủ đề này đã được đặt lên bàn thảo luận, song vẫn chưa có các biện pháp triệt để nhằm giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 có bổ sung Điều 42 về thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam nhưng cụ thể chính sách ưu đãi lại chưa hề được đề cập.

PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho rằng luật Điện ảnh được thông qua tháng 6.2022 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đã tạo ra một hành lang pháp lý, nhưng rất tiếc những ưu đãi cho các đoàn làm phim chưa được đề cập cụ thể. 

Khi nhà sản xuất quốc tế 'ngại' quay phim ở Việt Nam - Ảnh 4.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội thảo Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng

Ghosts City

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, chia sẻ: "Hiện tại luật Điện ảnh đã có nhiều thay đổi để việc các đoàn phim nước ngoài tới làm phim ở Việt Nam được thuận lợi hơn. Thứ nhất, quay phim ở Việt Nam thì chỉ gửi kịch bản tóm tắt, cũng chỉ gửi phần quay tại Việt Nam thôi chứ không phải toàn bộ kịch bản nữa. Đó là một cái cởi mở hơn. Thứ hai là cũng yêu cầu các địa phương tạo điều kiện, khuyến khích hỗ trợ cho các đoàn phim vào Việt Nam sử dụng bối cảnh trong nước để làm phim". 

"Nhưng có một cái quan trọng nhất mà ngành điện ảnh tha thiết yêu cầu đấy là giảm thuế cho các đoàn nước ngoài vào Việt Nam làm phim thì lại không được Bộ Tài chính cũng như Tổng cục thuế chấp nhận. Cả hoàn thuế và giảm thuế đều không được chấp nhận. Cho nên trong thời gian vừa rồi có nhích lên nhưng số lượng đoàn phim vào Việt Nam chưa phải là nhiều. Sau dịch Covid, không khí chung mọi người cũng hiểu là cần tạo điều kiện có lợi cho đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước nên cũng cởi mở hơn. Vừa rồi Netflix làm phim Hành trình hạnh phúc cũng là một phim mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ủng hộ từ đầu nên cũng hiệu quả. Không khí chung là mọi người cũng muốn có tăng số lượng các đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam. Gần đây cũng cấp phép cho 3-4 phim tài liệu, 2 phim truyện vào Việt Nam làm", ông Vi Kiến Thành nói thêm.

Tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), cho biết Bộ chủ động mời, đón các đoàn làm phim khu vực, quốc tế vào Việt Nam đưa tin, viết bài, thực hiện các chương trình thực tế giới thiệu về đất nước ta. Hằng năm Cục này hướng dẫn hơn 30 đoàn làm phim quốc tế, các sản phẩm chương trình được phát sóng trên các kênh truyền hình và các nền tảng trực tuyến vươn tới hàng trăm triệu người xem trên thế giới. 

Nhà sản xuất quốc tế 'ngại' đến Việt Nam làm phim - Ảnh 5.

Phim A Tourist's Guide to Love (Hành trình tình yêu) với bối cảnh hầu hết tại Việt Nam

NETFLIX

Không phải là một trong những trụ cột đóng góp lớn trong nền kinh tế nước nhà, song điện ảnh Việt có nhiều sự ảnh hưởng đối với các lĩnh vực khác như văn hóa, du lịch… Lợi ích của việc thu hút các đơn vị sản xuất phim nước ngoài lựa chọn Việt Nam không chỉ nằm ở lợi nhuận. Được thường xuyên tiếp xúc và cộng tác làm việc cùng các đoàn phim quy mô lớn và chuyên nghiệp sẽ giúp cho đội ngũ làm phim bản địa học hỏi, cọ xát để phát triển hơn, tiệm cận với trình độ quốc tế. Hơn thế nữa, đó là một trong những phương pháp đưa hình ảnh cảnh quan và văn hóa di sản Việt Nam đến gần hơn với công chúng thế giới.

Việc tạo được điều kiện thuận lợi về giấy phép và thủ tục từ trung ương đến địa phương, thực thi các chính sách ưu đãi về chi phí sản xuất và thuế phí, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và bồi dưỡng nhân lực để đáp ứng các chức năng trên là những nhiệm vụ khó, nhưng cần thiết để đưa Việt Nam trở thành địa điểm lựa chọn ghi hình quốc tế và phim trường của thế giới.

Theo Thanh niên