Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva. (Nguồn:TTXVN)

 

Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), diễn ra từ ngày 21/6-2/7, đã tổ chức Phiên họp thứ 68 Ủy ban Thương mại và phát triển theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Đây là hoạt động lớn của UNCTAD để chuẩn bị cho Khóa họp lần thứ 15 (UNCTAD-15) tại Bridgetown, Barbados, từ ngày 3-7/10/2021 và Hội nghị lần thứ 5 các nước kém phát triển nhất của Liên hợp quốc (LDC-5, tại Doha, Qatar, tháng 1/2022). 

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ), phiên họp này gồm hai phiên thảo luận cấp cao về tác động của đại dịch COVID-19 đến thương mại và phát triển cùng những ưu tiên của LDC; và các phiên thảo luận về hoạt động của UNCTAD, tiến trình đàm phán văn kiện của UNCTAD-15 và vai trò của UNCTAD trong giai đoạn mới.

Tại phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đã có phát biểu tham luận, trong đó nhấn mạnh Việt Nam coi trọng và ủng hộ vai trò của UNCTAD hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nhằm thúc đẩy thương mại và phát triển bền vững, nhất là giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 và xây dựng năng lực hướng đến phục hồi xanh và bền vững, phục vụ lợi ích của người dân.

Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ và tham gia các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm sự tiếp cận công bằng với vaccine và các công cụ ứng phó COVID-19, mở rộng sản xuất và phân phối công bằng vaccine; thúc đẩy hỗ trợ tài chính, hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số và tăng trưởng xanh, chuyển giao công nghệ và bí quyết cho các nước đang và kém phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và thu hẹp bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030.

Trong bối cảnh đại dịch, UNCTAD đã sử dụng 3 trụ cột của mình để hỗ trợ các quốc gia thành viên: nghiên cứu và cung cấp dữ liệu, báo cáo phân tích, thảo luận và trao đổi liên chính phủ, điều chỉnh các chương trình hợp tác kỹ thuật để đáp ứng các nhu cầu của các quốc gia.

Các báo cáo của UNCTAD về các chủ đề công nghệ và đổi mới sáng tạo, đầu tư, thương mại điện tử, biến đổi khí hậu...cung cấp nhiều thông tin, phân tích giá trị về tác động của đại dịch đến các lĩnh vực, ngành nghề, cũng như nhiều tư vấn chính sách cho các chính phủ và các bên liên quan ở các nước.

Thảo luận tại phiên họp, các nước đều đánh giá cao vai trò của UNCTAD trong thời gian qua và hy vọng rằng với việc tổ chức này sắp có Tổng thư ký mới, UNCTAD sẽ có thêm sự lãnh đạo và động lực để tổ chức thành công Khóa họp UNCTAD-15 cũng như phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức này đối với thương mại và phát triển quốc tế. Trước đó, bà Rebecca Greenspan (Costa Rica) vừa được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bổ nhiệm là Tổng Thư ký UNCTAD ngày 11/6 và sẽ nhậm chức tại Geneva tháng 9 tới. 

Về các trọng tâm hoạt động của UNCTAD thời gian tới, đại diện các nước phát biểu đều nhấn mạnh UNCTAD cần tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước LDC, thúc đẩy thương mại xanh và bao trùm hơn, chuyển đổi số, bình đẳng giới trong thương mại, cải tổ hệ thống các cơ quan phát triển của Liên hợp quốc nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

UNCTAD là cơ quan thường trực liên chính phủ do Đại Hội đồng Liên hợp quốc thành lập năm 1964, có trụ sở chính tại Geneva, có văn phòng tại New York (Mỹ) và Addis Ababa (Ethiopia). UNCTAD thuộc Nhóm các cơ quan phát triển của Liên hợp quốc. UNCTAD hoạt động ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm giúp các quốc gia tổng hợp các lựa chọn để giải quyết các thách thức phát triển ở cấp độ vĩ mô; đạt được sự hội nhập có lợi vào hệ thống thương mại quốc tế; đa dạng hóa nền kinh tế để giảm bớt phụ thuộc vào hàng hóa; hạn chế tiếp xúc với biến động tài chính và nợ; thu hút đầu tư và làm cho đầu tư thân thiện hơn với sự phát triển; tăng khả năng tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số; thúc đẩy tinh thần kinh doanh và đổi mới; giúp các công ty địa phương phát triển chuỗi giá trị; tăng tốc độ lưu chuyển hàng hóa xuyên biên giới; bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị lạm dụng; hạn chế các quy định gây cản trở cạnh tranh; thích ứng với biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn.

Cùng với các cơ quan khác của Liên hợp quốc, UNCTAD đánh giá tiến bộ trên cơ sở các Mục tiêu Phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. UNCTAD cũng hỗ trợ việc thực hiện tài trợ cho phát triển, cùng với 4 thể chế chính khác gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Theo Vietnamplus