Vietnam Summit in Japan 2019: Quy tụ trí thức Việt Nam tại Nhật
Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại thủ đô Tokyo vào ngày 16/11 với chủ đề “Make in Vietnam - Cơ hội và thách thức”.
Diễn đàn do Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Cộng đồng chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ) và Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, với dự kiến sẽ nhận được sự tham gia của hơn 500 khách mời và đại biểu trong và ngoài Nhật Bản, trong đó bao gồm các khách mời là đại diện các cơ quan bộ ngành của Chính phủ Việt Nam, hơn 50 diễn giả là các nhà nghiên cứu và chuyên gia người Việt hàng đầu trong và ngoài Nhật Bản.
Nhật Bản hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn của thanh niên Việt Nam nói riêng và người Việt nói chung bởi sự tương đồng văn hóa, nhu cầu về trao đổi khoa học công nghệ và nguồn nhân lực giữa hai nước, trong bối cảnh toàn cầu hoá. Hiện nay trên toàn Nhật Bản, có khoảng trên 350 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật, trong đó có một số lực lượng không nhỏ là thành phần trí thức bao gồm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia tại các công ty hàng đầu ở Nhật cũng như những doanh nhân khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực.
So với những năm 1990 khi cộng đồng trí thức người Việt Nam tại Nhật Bản chỉ có trên dưới 100 người thì có thể thấy cộng đồng trí thức trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Với sự phát triển nhanh chóng của đội ngũ trí thức tạo nên đòi hỏi khách quan để thành lập các hội khoa học, trí thức Việt Nam, nổi bật là VANJ, VPJ, VYSA.
Sự phát triển này đặt ra nhu cầu lớn về việc xây dựng nên một diễn đàn chung, với vai trò kết nối và quy tụ nguồn tri thức dồi dào của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp, từ đó đưa ra những sáng kiến giúp xây dựng, phát triển cộng đồng người Việt tại Nhật cũng như góp phần vào sự phát triển Việt Nam nói chung. Đây là cũng là động lực để VANJ, VPJ, và VYSA cùng chung tay tổ chức Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản năm nay.
Với chủ đề “Make in Vietnam - Cơ hội và thách thức”, diễn đàn mong muốn là nơi kết nối và quy tụ cộng đồng trí thức Việt tại Nhật để cùng thảo luận về những vấn đề tại Việt Nam và đưa ra những giải pháp, từ chính sách vĩ mô đến công nghệ, sản phẩm cụ thể có thể áp dụng tại Việt Nam.
Diễn đàn lần này là hoạt động kết nối cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật lớn nhất từ trước đến nay, và là một xuất phát điểm cho hành trình của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật tạo thành mạng lưới kết nối, quan hệ tương trợ lẫn nhau trên tinh thần cùng nhau tiến bộ, thành công. Đồng thời cũng là một tiếng nói chung đóng góp, tham gia vào sự phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Đặc biệt Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản với quy mô lớn này đang nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng như Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan trong nước và đông đảo của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.
Dự kiến, vào phiên toàn thể buổi sáng, diễn đàn sẽ nhận được tham dự và phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cùng các đại diện đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh đó, sự tham gia của các diễn giả có uy tín, như GS.TS. Trần Văn Thọ - Đại học Waseda, GS.TS. Hồ Tú Bảo - Viện Toán cao cấp Việt Nam, Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế độc lập, Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software, sẽ giúp chia sẻ các góc nhìn vĩ mô về những cơ hội và thách thức mà nền kinh tế - xã hội Việt Nam đang gặp phải.
Vào phiên thảo luận chuyên đề buổi chiều, hơn 50 diễn giả và người tham gia sẽ cùng thảo luận về 10 chuyên đề: Tính riêng tư và bảo mật: Bài toán cho Dữ liệu lớn; IoT ở Việt Nam – Bài học từ Nhật Bản; Năng lượng Điện tái tạo đối với Việt Nam; Hướng đi cho người Việt tại Nhật; Đóng góp trí tuệ Việt ở nước ngoài cho sự phát triển của Việt Nam; Ứng dụng Công nghệ và Vật liệu mới trong Y tế; Cách mạng Công nghiệp 4.0 và công nghệ thông tin Việt Nam; Việt Nam hướng tới xã hội carbon thấp: Cơ hội và thách thức; Khởi nghiệp tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức; và Vai trò của Phụ nữ trong Đổi mới sáng tạo./.
Theo Thời Đại