Bảng kêu gọi người dân đeo khẩu trang ở Del Mar, bang California, Mỹ (ảnh chụp ngày 30-7) - Ảnh: Reuters
Bà Birx, chuyên gia về miễn dịch HIV/AIDS nghiên cứu vắcxin và y tế toàn cầu, xác nhận điểm mới trong cuộc chiến chống virus corona chủng mới hiện nay của Mỹ là dịch bệnh đang lan rộng hơn so với giai đoạn đầu năm.
Những con số u ám tiếp nối
Tính đến ngày 3-8 (giờ VN), Mỹ có hơn 158.000 người chết vì COVID-19, nghĩa là từ đây đến 22-8, theo ước tính mỗi ngày sẽ có 1.000 người qua đời vì dịch bệnh.
Mỹ không có những trường hợp siêu lây nhiễm nhưng có những sự kiện siêu lây nhiễm liên quan đến tụ tập đông người, tiệc sinh nhật, quán bar.
Trong khi ngành y tế kêu gọi giãn cách xã hội, người cách người 2m, rửa tay đúng cách và đeo khẩu trang, nhiều người vẫn vi phạm các quy định khi xuống đường biểu tình, tổ chức tiệc tùng, hay tin theo các thuyết âm mưu rằng COVID-19 chỉ là trò lừa đảo.
Việc đeo khẩu trang thậm chí còn bị chính trị hóa và gây chia rẽ từ các chính trị gia đến người dân thường.
Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, đa số những người theo Đảng Dân chủ ủng hộ đeo khẩu trang, trong khi đa số những người thuộc Đảng Cộng hòa thì ngược lại, phần nào do ảnh hưởng của ông Trump - người nhiều lần từ chối đeo khẩu trang cho tới đầu tháng 7-2020. Khẩu trang cũng phản ánh thế bế tắc của Mỹ giữa việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tự do cá nhân.
Muốn thoát đại dịch, hãy tin vào khoa học
Trong khi chưa có vắcxin hiệu quả ngừa COVID-19, Thomas M. File Jr., chủ tịch Hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, cho rằng cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch COVID-19 là tin theo khoa học, có các biện pháp phòng ngừa và phác đồ điều trị dựa trên bằng chứng khoa học tốt nhất có được.
Ông File kêu gọi người Mỹ hãy đứng về phía khoa học và ủng hộ các chuyên gia y tế, trong đó có bác sĩ Anthony Fauci - chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm, được cho là xung đột về quan điểm chống dịch với Tổng thống Trump và Nhà Trắng.
Đó là tình hình chung, còn trong tình hình cụ thể, chuyên gia về COVID-19 của Nhà Trắng - bà Birx - cho biết sau chuyến đi thực tế đến 14 tiểu bang trong 3 tuần qua, bà nhận thấy mỗi bang ở Mỹ cần một cách tiếp cận "được điều chỉnh mạnh mẽ", dựa trên tình hình thực tế ở cộng đồng và tại các bệnh viện.
Theo đó, kế hoạch này sẽ không giống nhau giữa các tiểu bang nhưng để đảm bảo thành công, kế hoạch đó rất cần sự ủng hộ của người dân và cái bắt tay tin tưởng giữa các chính trị gia với giới chuyên môn, điều mà nước Mỹ dường như đang rất thiếu.
4 cựu giám đốc CDC Mỹ lên tiếng Bốn cựu giám đốc của CDC Mỹ gồm Tom Frieden, Jeffrey Koplan, David Satcher và Richard Besser tố cáo rằng trong dịch COVID-19, nhiều khuyến cáo của CDC bị nhiều cơ quan và cả Nhà Trắng sửa, thay đổi trước khi được công bố. Họ khẳng định có rất nhiều chuyên gia đủ khả năng đưa nước Mỹ ra khỏi khủng hoảng hiện nay, song những lời khuyên đó đã bị thách thức bởi những đòn tấn công rẻ tiền mang tính phe phái, gây hoang mang cho người dân. |
Philippines tái phong tỏa thủ đô, tổng thống xin lỗi dân corona-.jpg Những tài xế xe Jeepney mất kế sinh nhai trong dịch COVID-19 xin tiền tại thành phố Quezon, Metro Manila, Philippines ngày 30-7 - Ảnh: Reuters |
Philippines ghi nhận thêm 3.226 người mắc và 46 người chết vì COVID-19 trong ngày 3-8. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Philippines ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục, nâng tổng số ca COVID-19 lên 106.330 và 2.104 ca tử vong.
Tổng thống Rodrigo Duterte tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong và xung quanh thủ đô Manila, có hiệu lực từ ngày 4 đến 18-8 để làm chậm đà lây lan của virus corona chủng mới.
Theo đó, những dịch vụ không thiết yếu mới mở cửa lại gần đây như tiệm cắt tóc hay salon làm đẹp sẽ phải đóng cửa. Nhà thờ cũng thông báo sẽ đóng cửa. Chỉ những người mua thực phẩm và nhu yếu phẩm mới được phép rời khỏi nhà.
"Chúng tôi đang làm hết sức mình. Xin lỗi, Manila - ông Duterte nói - Chúng tôi không còn tiền nữa. Tôi không thể phát thức ăn và trợ cấp tiền cho người dân nữa".
Indonesia cũng báo cáo thêm 1.679 ca mới trong ngày 3-8, và vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và ca tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á với 113.134 ca nhiễm và 5.302 ca tử vong, theo Reuters.
Cũng trong ngày 3-8, Victoria, bang đông dân nhất nước Úc, bước vào ngày đầu tiên tuân thủ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn sau khi tuyên bố tình trạng thảm họa và áp dụng lệnh giới nghiêm hằng đêm tại thủ phủ Melbourne để ngăn dịch lây lan.
Trong 6 tuần tới, 5 triệu người dân Melbourne sẽ chỉ được phép rời khỏi nhà để đi làm hoặc đi khám bệnh, và không di chuyển xa nhà hơn 5km trừ các trường hợp đặc biệt. Lệnh giới nghiêm kéo dài từ 20h đến 5h mỗi ngày.
Các cửa hàng bán lẻ, một số doanh nghiệp sản xuất và hành chính cũng như các công trình xây dựng sẽ đóng cửa suốt 6 tuần phong tỏa.
Đây được xem là những biện pháp nghiêm ngặt nhất để ứng phó với đại dịch đã cướp đi 221 sinh mạng và lây nhiễm cho 18.361 người ở Úc, theo Hãng tin Reuters.
Đặc khu Hong Kong cũng ghi nhận thêm 80 ca nhiễm mới trong ngày 3-8, lần đầu tiên xuống dưới 100 ca trong suốt 12 ngày qua. Một đội y tế của Trung Quốc đã đến thành phố này để hỗ trợ xét nghiệm virus diện rộng trong bối cảnh đã có khoảng 3.600 người nhiễm bệnh tại đây.
Theo tuoitre