Hai người phụ nữ vô tội, trong đó có một cụ bà 84 tuổi, đã bị một người đàn ông tấn công bằng dao vào ban ngày hôm 4/5 vừa qua, ngay giữa đường phố đông đúc.
Vụ việc xảy ra sau khi San Francisco mở cửa bình thường trở lại. Hiện trường khi đó có 15 người khác đang đứng chờ xe buýt cùng nạn nhân.
Nghi phạm được xác định là Patrick Thompson, 54 tuổi, hiện bị buộc tội cố ý giết người, mặc dù chưa rõ động cơ tấn công.
|
Vụ đâm dao vào 2 phụ nữ tại bến xe buýt đã làm gia tăng lo sợ của đông đảo người Mỹ gốc Á ở San Francisco. |
Hai nạn nhân hiện đang được điều trị tại bệnh viện ở San Francisco. Cảnh sát cho biết vết thương của họ không nguy hiểm đến tính mạng.
Liên tiếp xảy ra các vụ tấn công người Mỹ gốc Á
Nhiều tháng qua, liên tiếp xảy ra các vụ người Mỹ gốc Á ở khu vực vịnh San Francisco bị xô ngã xuống đất, bị đánh, đấm và bị cướp. Các cuộc tấn công xảy ra khi sự bài Á gia tăng trên khắp đất nước cờ hoa, đổ lỗi một cách phi lý cho người châu Á về việc lây lan virus corona.
Ông Carl Chan, Chủ tịch phòng Thương mại Khu phố Tàu Oakland, một trong những người có tiếng nói nhất trong cộng đồng người Hoa ở khu vực vịnh San Francisco về các vụ tấn công, cho biết người Mỹ gốc Á cao tuổi đã bị kẹt trong nhà hàng tháng suốt thời gian cách ly xã hội và giờ rất sợ ra ngoài.
Chính ông đã bị đấm vào đầu trên phố tại Oakland tuần trước, trên đường đi thăm một người bạn đồng hương 69 tuổi đang phục hồi sức khỏe sau khi bị tấn công bằng gậy trên xe buýt. Câu chuyện cho thấy mức độ phổ biến của tình hình này. “Tôi vô cùng lo ngại. Chúng tôi phải đứng lên và ngăn chặn sự điên rồ này”, ông Chan nói.
Danny Yu Chang, hướng dẫn viên du lịch đến từ Philippines, từng bị đánh bất tỉnh vào tháng ba cho biết: “Có rất nhiều người tuyệt vọng ở ngoài kia. Tôi nghĩ bây giờ sẽ an toàn hơn nếu ở nhà”.
Nhiều vụ hành hung cũng đã xảy ra tại Tenderloin - quận có nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng nhất thành phố, là nơi cư trú của những người bị tâm thần, nghiện ma túy, vô gia cư.
|
“Anh ta đi ngay cạnh tôi, tôi đã có thể là người bị đâm”, Patricia Lee, chủ cửa hàng hoa cạnh bến xe cho biết. |
Hai vụ tấn công nhằm vào một cụ bà 75 tuổi người Trung Quốc và một người đàn ông Việt Nam 83 tuổi do Steven Jenkins, 39 tuổi gây ra đã xảy ra vào tháng 3. Sự việc thu hút sự chú ý của cả nước vì bà Xiao Zhen Xie đã đánh trả Jenkins bằng một tấm ván nhỏ. Nghi phạm đã không nhận tội khi bị bắt giữ và bị cáo buộc hành hung người cao tuổi.
Các luật sư của Jenkins cho biết ông đã vô gia cư 10 năm nay và mắc bệnh tâm thần. Đoạn phim từ camera an ninh cho thấy Jenkins đã bị nhiều người đấm ngay trước thời điểm anh ta tấn công bà Xiao Zhen Xie.
Phát ngôn viên của Văn phòng Biện lý quận San Francisco, Rachel Marshall, cho biết năm nay đã có 5 người trong thành phố đã bị buộc tội bài Á. Những thủ phạm khác đã bị buộc tội hành hung người cao tuổi, bao gồm một thanh niên 19 tuổi bị cáo buộc hành hung nghiêm trọng vào tháng 1.
Đại dịch làm phân biệt chủng tộc thêm trầm trọng
Người thân của nạn nhân Vicha cho biết ông đã chứng kiến sự trỗi dậy của phân biệt chủng tộc với người gốc Á theo chiều dài của đại dịch, bắt đầu bằng việc người gốc Á bị phỉ nhổ và đổ lỗi một cách vô lý vì virus lây lan, sau đó leo thang thành các cuộc tấn công thể chất.
Eric Lawson, con rể của ông Vicha cho biết: “Khi đại dịch bắt đầu, đó là những cuộc tấn công bằng lời nói đầy căm thù. Bây giờ nó trở thành bạo lực".
Nhiều người nói rằng đại dịch đã góp phần vào hai cuộc khủng hoảng khác. Thứ nhất là việc sử dụng ma tuý quá liều, dẫn đến số người tử vong gấp đôi so với Covid-19. Thứ hai là chuỗi các hành động bạo lực chống lại người châu Á.
|
Monthanus Ratanapakdee cầm di ảnh của cha, Vicha Ratanapakdee, tại một ngôi chùa ở San Francisco vào tháng 2. Ông Vicha đã qua đời sau khi bị tấn công khi đang đi dạo trên đường. |
Ông David Lee, một nhà hoạt động trong cộng đồng người Hoa của thành phố, họ hàng với nạn nhân 84 tuổi trong vụ việc xảy ra trên phố Market hôm 4/5 cho biết việc liên tục xuất hiện các video và báo cáo đã chứng tỏ cuộc tấn công nhằm vào người châu Á đặc biệt nghiêm trọng. “Mỗi khi chúng tôi thấy một câu chuyện tồi tệ nhất, một câu chuyện khác lại xuất hiện. Sự leo thang của nỗi kinh hoàng này dường như không bao giờ kết thúc", ông Lee cho biết.
“Cộng đồng đang quay cuồng trước sự tấn công tàn bạo đối với những người không có khả năng tự vệ và dễ bị tổn thương. Điều đó nói lên tình trạng bạo lực, vô luật pháp, thiếu trách nhiệm công dân và mất trật tự của đường phố San Francisco hiện nay", ông Lee nói.
Sự việc đâm dao này tại khu vực vịnh San Francisco đã làm đông đảo người dân châu Á ở đây thêm lo sợ.
Các tổ chức cộng đồng và cảnh sát thành phố đã mở một đường dây nóng bằng tiếng Hoa và tiếng Quảng Đông để người dân báo cáo tội phạm và các vụ tấn công.
Theo Zing