“Khoảng 20 người trên thế giới đóng vai trò quan trọng nhất lúc này để giải quyết vấn đề (bất bình đẳng trong phân phối vaccine)”, AFP dẫn lời Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward.

Ông Aylward cho biết những người này là lãnh đạo các công ty lớn chịu trách nhiệm về tình hình cung ứng, lãnh đạo của các quốc gia đang ký hợp đồng mua hầu hết vaccine trên thế giới, và lãnh đạo các nước đang diễn ra việc sản xuất vaccine quy mô lớn.

“Chúng tôi cần 20 người đó đồng ý sẽ chung tay giải quyết vấn đề (phân phối vaccine) vào cuối tháng 9. Chúng tôi cần họ đảm bảo ít nhất 10% dân số ở mọi quốc gia được tiêm chủng”.

Cố vấn của WHO cũng kêu gọi người dân truyền thông điệp tới các chính trị gia và những ông trùm kinh doanh rằng việc tăng tỷ lệ bao phủ vaccine ở các nước nghèo hơn cũng sẽ giúp họ đạt được lợi ích về mặt bầu cử và tài chính.

                                                             Người dân được tiêm một mũi vaccine AstraZeneca ở Kenya. Ảnh: AFP.


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ sự bất mãn khi các quốc gia giàu có khiến nguồn cung vaccine suy giảm khi quyết tiêm thêm mũi tăng cường, giữa lúc nhiều nước nghèo phải vật lộn để đảm bảo tiêm chủng cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Theo AFP, gần 4,5 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên khắp thế giới.

Ở các quốc gia được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào loại thu nhập cao, tỷ lệ mũi vaccine đã tiêm trên 100 người là 104/100.

Con số này chỉ còn 2/100 ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất.

Ông Bruce Aylward cho biết thế giới nên cảm thấy “phẫn nộ” trước thực trạng hiện nay, và đặt câu hỏi tình hình có trở nên tồi tệ hơn không nếu các nước nghèo không được tiêm chủng.

"Chúng ta cần 20 người nói trên phải đi đầu nỗ lực của thế giới để thay đổi tình trạng đáng hổ thẹn này", ông Bruce Aylward nói.

Theo Zing