Trong khi đó, 15% số ca có mức độ nghiêm trọng và 3% nguy kịch. Tuyên bố được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra vào ngày 7/2. Dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc cũng cho thấy, khoảng 2% các trường hợp dương tính dẫn đến tử vong.
Giới chức y tế Mỹ bày tỏ sự tin tưởng vào dữ liệu mà Trung Quốc cung cấp, tuy nhiên nhấn mạnh về các lỗ hổng thông tin. Cơ quan cho biết, chính quyền đại lục có thể bỏ lỡ các bệnh nhân chưa biểu hiện triệu chứng hoặc không tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
Bà Maria Van Kerkhove, trưởng ban kỹ thuật thuộc chương trình khẩn cấp của WHO cho biết, cần có những nghiên cứu bổ sung về căn bệnh và chủng mới của virus corona.
|
Bà Maria Van Kerkhove phát biểu trong cuộc họp báo ngày 6/2. Ảnh:Reuters |
Tổ chức Y tế Thế giới kỳ vọng, nghiên cứu huyết thanh giúp xác định số người nhiễm bệnh có biểu hiện nhẹ sẽ được thực hiện trong tuần tới. Cơ quan cũng đưa ra chỉ dẫn phương pháp thực hiện đối với nhiều quốc gia.
Trong khi cuộc chiến chống lại dịch viêm phổi "leo thang" nhanh chóng, Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đưa ra lời cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các thiết bị bảo hộ y tế.
"Nhu cầu cao hơn 100 lần so với bình thường, giá cả thì tăng gấp 20", ông Tedros nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 7/2.
Ông cũng cho biết, WHO đã đàm phán với các nhà sản xuất để đảm bảo nguồn cung đối với các nhân viên y tế tuyến đầu ở Trung Quốc.
Nghiên cứu được công bố cùng ngày trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) đã chỉ ra những mối nguy hiểm mà họ phải đối mặt khi điều trị cho các bệnh nhân dương tính. Theo đó, 40 trong số 138 người nhập viện tại Bệnh viện Trung Nam thành phố Vũ Hán là nhân viên y tế, 10 người bị lây chéo từ các bệnh nhân.
Vì những rủi ro đó, WHO không khuyến khích người dân các nơi có ít ca bệnh mua tích trữ các thiết bị bảo hộ y tế như găng tay, khẩu trang, kính hay mặt nạ phòng độc...
Đây là tình trạng diễn ra trong vài ngày qua tại Hong Kong. Người dân đồng loạt đến siêu thị để mua gom các nhu yếu phẩm như gạo, đồ tươi và vật dụng vệ sinh cá nhân sau khi mạng xã hội WhatsApp lan truyền một đoạn tin nhắn nặc danh, tuyên bố nguồn cung có thể bị hạn chế.
Người dân Singapore cũng có thái độ hoảng loạn tương tự. Giới chức nước này phải nhiều lần nhấn mạnh, các mặt hàng vẫn còn đầy đủ và kêu gọi mọi người tránh hoang mang và đổ xô vào siêu thị.
Hiện có 15 phòng thí nghiệm trên thế giới đã đồng ý tiếp nhận xét nghiệm từ các quốc gia cần hỗ trợ. WHO cũng gửi bổ sung 250.000 bộ kit tới 159 cơ sở toàn cầu.
Giới chức Y tế Mỹ cho biết, nước này đang hợp tác với Trung Quốc tiến hành thử nghiệm lâm sàng thuốc remdesvir trong điều trị virus corrona. Anthony Fauci, giám đốc Viện dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết đây là nghiên cứu vô cùng quan trọng đối với công cuộc chống dịch.
Theo vnexpress