'Nu' rất dễ nhầm với 'new' (mới), trong khi 'Xi' không được sử dụng vì đây là tên họ phổ biến. Quy tắc đặt tên bệnh dịch của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tránh gây xúc phạm đến các nền văn hóa, xã hội, quốc gia, khu vực, cũng như các nhóm dân cư và ngành nghề", phát ngôn viên WHO cho biết hôm 27/11.

Hành khách chờ lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại sân bay Johannesburg ở Nam Phi hôm 27/11. Ảnh: AFP.

Hành khách chờ lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại sân bay Johannesburg ở Nam Phi hôm 27/11. Ảnh: AFP.

Bình luận được đưa ra sau khi một số nghị sĩ và giới truyền thông Mỹ chỉ trích WHO vì đặt tên biến chủng B.1.1.529 mới phát hiện là Omicron, thay vì Nu hay Xi theo thứ tự bảng chữ cái, cáo buộc cơ quan này tránh đặt tên biến chủng mới liên quan đến tên phiên âm tiếng Anh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "Xi Jinping".

Tuy nhiên, không ít nhà báo Mỹ ủng hộ quyết định của WHO, cho rằng nó hạn chế nhầm lẫn trong bối cảnh có nhiều biến chủng nCoV đang được theo dõi.

WHO sử dụng chữ cái Hy Lạp để đơn giản hóa quá trình đặt tên virus và các biến chủng của chúng. Những biến chủng nCoV đang được tổ chức này theo dõi gồm Alpha (B.1.1.7), Beta (B.1.351), Gamma (P.1), Epsilon (B.1.427 và B.1.429), Eta (B.1.525), Iota (B.1.526), Kappa (B.1.617.1), Zeta (P.2), Mu (B.1.621, B.1.621.1) và Omicron (B.1.1.529).

Biến chủng Omicron có 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống nCoV. Các đột biến protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm bệnh và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.

WHO xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta. Giới khoa học đang chạy đua xác định mối đe dọa từ chủng Omicron và có cần điều chỉnh các loại vaccine Covid-19 hiện tại hay không.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29/11 bắt đầu cấm chuyến bay từ Nam Phi và khu vực lân cận. 4 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore đã siết đi lại với các nước phía nam châu Phi, yêu cầu cách ly người nhập cảnh trong những ngày qua.

Anh cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những động thái tương tự đã được áp dụng tại Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada.

Israel dự kiến cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh từ đêm 28/11, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa hoàn toàn biên giới để ngăn nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập.

Theo vnexpress