Mu, tên khoa học là B.1.621, được xếp vào nhóm "biến thể đáng chú ý". Theo WHO, biến thể có các đột biến làm giảm hiệu quả của vaccine, "cần nghiên cứu sâu rộng hơn để làm rõ".
WHO nêu rõ trong thông báo: "Biến thể Mu chứa một loạt đột biến biểu thị đặc tính trốn tránh miễn dịch".
Sau khi được ghi nhận tại Colombia, Mu đã lan sang các quốc gia Nam Mỹ và khu vực châu Âu. WHO cho biết tỷ lệ nhiễm biến thể Mu trên toàn cầu ở dưới mức 0,1% trong tổng số ca nhiễm. Tại Colombia, con số là 39%.
Giới chuyên gia lo ngại về sự xuất hiện tràn lan của các biến thể virus mới, khi tỷ lệ lây nhiễm toàn cầu một lần nữa tăng nhanh. Chủng Delta đang chiếm ưu thế, đặc biệt ở những người chưa tiêm chủng và các vùng được nới quy tắc hạn chế.
Tất cả loại virus, bao gồm nCoV, đều đột biến theo thời gian. Hầu hết chúng ít hoặc không ảnh hưởng đến đặc tính của virus. Song một số đột biến sẽ khiến mầm bệnh lân lan dễ dàng, tăng mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và gây ra tình trạng kháng thuốc hoặc trốn tránh miễn dịch do vaccine.
Hiện danh sách "biến thể nCoV đáng lo ngại" của WHO có Alpha (có mặt ở 193 nước), Beta, Gamma và Delta (có mặt ở 170 nước). Cả 5 biến thể, bao gồm cả Mu, sẽ được theo dõi.
Theo định nghĩa của WHO, biến thể đáng lo ngại (VOC) có những đặc tính sau: tăng khả năng lây truyền; hoặc tăng độc lực, thay đổi biểu hiện lâm sàng của bệnh; hoặc làm giảm hiệu quả của các biện pháp dập dịch nói chung như tiêm vaccine, gây trở ngại lên việc chẩn đoán, phương pháp điều trị sẵn có.
Đối với các "biến thể đáng lo ngại", WHO ưu tiên đánh giá về đặc điểm của chúng và rủi ro sức khỏe với cộng đồng. Nếu cần thiết, WHO phối hợp điều tra bổ sung trong phòng thí nghiệm với các nước thành viên và đối tác. WHO cũng có trách nhiệm thông báo chỉ dẫn và phát hiện mới với các nước thành viên cùng công chúng.
Theo vnexpress