Tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp báo ngày 16/3. Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đồng thời chỉ trích một số quốc gia vì chưa nỗ lực trong việc phát hiện và khống chế sự lây lan của virus.

Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, các ca nhiễm nCoV mới đã leo thang nhanh chóng trong tuần qua.

"Song chúng tôi chưa thấy phản ứng tương xứng trong khâu thử nghiệm, cách ly và tìm kiếm những người tiếp xúc với bệnh nhân. Đây là 'xương sống' trong việc đối phó dịch bệnh", ông nói.

"Chúng tôi có một thông điệp đơn giản cho các quốc gia: xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm. Kiểm tra tất cả các ca nghi nhiễm, nếu kết quả dương tính, hãy đưa họ đi cách ly, tìm ra những người họ từng tiếp xúc trong vòng hai ngày trước khi có triệu chứng và xét nghiệm cả những người này", ông Tedros bổ sung.

WHO đã chuyển gần 1,5 triệu kit đến 120 quốc gia. Tổ chức cũng đang làm việc với các công ty để tăng số xét nghiệm ở các quốc gia cần thiết nhất. Trong bối cảnh nhiều nước chịu tình trạng quá tải hệ thống y tế, ông Tedros đề nghị ưu tiên các bệnh nhân lớn tuổi, những người mắc bệnh nền và có triệu chứng nghiêm trọng.

Ông Tedros cũng ca ngợi Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore trong công tác dập dịch. Khác với các nước phương Tây, cả ba quốc gia đều bác bỏ ý tưởng cho bệnh nhân cách ly tại nhà. Việc xét nghiệm trên diện rộng và cách ly nhanh chóng tại các nước này dần phát huy tác dụng, ông đánh giá.

Tính đến ngày 17/3, Hàn Quốc có hơn 8.200 trường hợp dương tính với virus, song chỉ 75 bệnh nhân tử vong, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 3,4% trên toàn thế giới. Số ca bệnh ở Singapore ổn định ở mức 243, chưa có trường hợp tử vong. Số ca bệnh tại Trung Quốc giảm kỷ lục trong tuần qua. Nước này đã đóng cửa bệnh viện dã chiến cuối cùng tại Vũ Hán.

Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trong buổi họp ngày 11/3 tại Thuỵ Sĩ. Ảnh: AFP

Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trong buổi họp ngày 11/3 tại Thuỵ Sĩ. Ảnh:AFP

Người đứng đầu WHO không ám chỉ bất cứ quốc gia nào, song trong những ngày gần đây, lãnh đạo các bang cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã hứng nhiều chỉ trích liên quan đến khâu xét nghiệm Covid-19. Khi dịch bệnh bùng phát, nước này chỉ kiểm tra y tế đối với những người từng đi du lịch đến Trung Quốc, có triệu chứng phổ biến hoặc từng tiếp xúc với người bệnh. Song nhiều người cho rằng các tiêu chí này là quá khắt khe.

Theo vnexpress