(Nguồn: qz.com)

 

Khi triển vọng tìm ra vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày càng sáng rõ, Tổ chức y tế thế giới (WHO) ngày 23/11 kêu gọi quan tâm tới nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới, để nhóm này không bị lãng quên khi các quốc gia giàu có nhanh tay đặt trước những lô vắcxin đầu tiên.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng những kết quả thử nghiệm lâm sàng khả quan mới thu được từ một số vắcxin phòng COVID-19 tiềm năng là "ánh sáng" ở phía cuối đường hầm dài u tối mà thế giới đang lần theo để thoát khỏi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh thế giới cần đảm bảo vắcxin phòng bệnh được phân phối công bằng.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 23/11, ông Tedros cho rằng mỗi chính phủ đều có mong muốn chính đáng là làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân nước mình nhưng các quốc gia cũng cần phải ý thức rõ nguy cơ thực tiễn rằng những nước nghèo khó và dễ chịu tác động nhất đang bị bỏ lại trong cuộc chạy đua tìm kiếm vắcxin.

Tổng giám đốc Tedros nhận định những thông tin tích cực mới đây cho thấy triển vọng tìm ra vắcxin phòng bệnh đang ngày càng sáng rõ, mở ra một hy vọng thực tế rằng đại dịch sẽ kết thúc nhờ kết hợp sử dụng vắcxin và các biện pháp y tế cộng đồng khác đã được áp dụng thời gian qua.

Ông Tedros cũng đánh giá cao những nỗ lực của các nhà khoa học đã góp phần tìm ra vắcxin phòng bệnh dịch trong thời gian ngắn nhất trong lịch sử và nhấn mạnh tầm quan trọng của thành tựu này.

Những nhận định trên được lãnh đạo WHO đưa ra trong bối cảnh vắcxin tiềm năng do AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp phát triển cho hiệu quả ngăn chặn virus trung bình là 70% khi thử nghiệm trên 23.000 tình nguyện viên.

Trước đó vài ngày, các hãng Pfizer/BioNtech và Moderna cũng thông báo 2 vắcxin của các hãng này cho hiệu quả thử nghiệm hơn 90%.

Ngày 23/11, nhà khoa học của WHO Soumya Swaminathan cho biết cơ quan này đang đợi được cung cấp các dữ liệu chứng minh vắcxin của AstraZeneca/Oxford hiệu quả và an toàn, đồng thời kêu gọi các hãng dược khác kiên trì hoàn thiện những dự án của mình để có đủ hàng tỷ liều vắcxin cho toàn thế giới.

Nhà khoa học này cũng hoan nghênh việc phát triển những loại vắcxin dễ bảo quản và vận chuyển  như của AstraZeneca/Oxford.

Theo trang thống kê worldometers.info, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, tới nay, toàn thế giới đã ghi nhận 59.498.413 ca bệnh, trong đó có 1.401.539 ca tử vong.

Vốn dự đoán từ sớm rằng nhu cầu vắcxin phòng COVID-19 sẽ rất lớn, WHO đã khởi xướng cơ chế COVAX để đảm bảo phân phối vắcxin một cách hợp lý, với mục tiêu có 2 tỷ liều vắcxin hiệu quả và an toàn vào cuối năm 2021 để đưa đến 92 quốc gia và nền kinh tế thu nhập thấp đã đăng ký tham gia sớm.

Theo ông Tedros, hiện đã có 187 quốc gia tham gia cơ chế này nhưng việc huy động vốn vận hành đang gặp nhiều khó khăn. Quỹ vận hành cơ chế đang cần gấp 4,3 tỷ USD cho việc đặt mua và vận chuyển vắcxin, các thiết bị xét nghiệm và điều trị và sau đó là 23,8 tỷ USD cần có trong năm 2021.

Người đứng đầu WHO cảnh báo câu hỏi lúc này không phải là thế giới có đủ năng lực tài chính để san sẻ vắcxin hay không mà là có đủ năng lực tài chính để khắc phục hậu quả của vấn đề độc quyền vắcxin hay không.

Trong hội nghị trực tuyến ngày 22/11 vừa qua, các nhà lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã cam kết sẽ không lãng phí "dù chỉ một cơ hội" để đảm bảo phân phối vắcxin công bằng.

Tuy nhiên, sau đó Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ ra điểm yếu của cam kết này khi bày tỏ quan ngại rằng hiện chưa có những thỏa thuận vắcxin giá trị nào dành cho các quốc gia nghèo hơn trong khi những quốc gia giàu thì đã đặt mua một số lượng lớn vắcxin từ các hãng dược.

Theo Vietnamplus