Một phụ nữ 24 tuổi bị cưỡng bức bởi một nhóm nam giới có vũ trang ngay trong nhà riêng, trước mặt mẹ cô. Một nạn nhân 19 tuổi bị bắt cóc, xâm hại suốt 3 ngày bởi một nhóm dân quân. Một nhà hoạt động nữ quyền 28 tuổi bị bắt giữ ngay trước cửa nhà, cưỡng bức và giam cầm hàng giờ liền, cũng bởi một nhóm nam giới mang súng, mặc quân phục.

Reuters đã phỏng vấn 11 trường hợp phụ nữ trẻ thuộc bộ tộc Masalit từng bị xâm hại bởi những thành viên RSF – một nhóm bán quân sự điều hành bởi người Ả Rập, và dân quân đồng minh. Nhóm nạn nhân cho biết, làn sóng xâm hại diễn ra cùng lúc với các cuộc xung đột quân sự dữ dội ở thủ phủ El Geneina, bang Tây Darfur hồi đầu năm nay. Họ bị đe dọa, đánh đập và cưỡng bức tập thể. Có 3 nạn nhân tiết lộ, từng trông thấy một số phụ nữ khác bị xâm hại ngay bên cạnh họ. 

 

‘Cơn ác mộng’ của sự kỳ thị chủng tộc

Cuộc tàn sát kinh hoàng bùng nổ tại El Geneina từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 6 năm nay. Trong đó, RSF đặc biệt nhắm vào Masalit, bộ tộc gốc Phi bản địa từng cư trú đông đảo ở khu vực thủ phủ trước khi chiến tranh buộc họ phải di tản. Những nạn nhân sống sót khỏi nạn thảm sát, xâm hại thuật lại cảnh tang thương – rùng rợn. Cảnh tượng nhà dân bị thiêu rụi, khói lửa bom đạn bao phủ đường phố “phác họa” một cơn ác mộng kỳ thị chủng tộc khi RSF và nhóm quân đồng minh liên tục tấn công những thường dân vô tội.

Trong bài phỏng vấn, tất cả nạn nhân bị xâm hại xác nhận với Reuters, những kẻ tấn công họ hoặc mặc quân phục RSF, hoặc quấn loại khăn choàng biểu tượng của dân quân Ả Rập. Số đông nạn nhân đều ở độ tuổi vị thành niên hoặc vừa thành niên.

Một người mẹ trẻ bị hai kẻ mặc quân phục đe dọa bằng súng và xâm hại ngay trong nhà riêng đã bị thiêu rụi. Ở trại tị nạn, cô cho biết mình đã mang thai.
Một người mẹ trẻ bị 2 kẻ mặc quân phục đe dọa bằng súng và xâm hại ngay trong nhà riêng đã bị thiêu rụi. Ở trại tị nạn, cô cho biết mình đã mang thai.

 

Một nạn nhân là người mẹ trẻ 24 tuổi, sống cùng con nhỏ tại nhà bố mẹ, trong một quận tập trung đông người Masalit thuộc El Geneina. Tháng 6 vừa qua, khoảng 6 tuần sau khi các lực lượng quân sự Ả Rập bắt đầu tấn công cộng đồng Masalit, người phụ nữ trẻ phải chứng kiến ngôi nhà của gia đình cô bị thiêu rụi. Người cha lớn tuổi của cô cũng bị dân quân có vũ trang dùng súng giết hại.

Một lần lẩn trốn về nhà để mong tìm thêm đồ đạc cứu trợ, cô và mẹ bị một nhóm nam giới đi theo. 2 kẻ mặc quân phục dân quân Ả Rập cưỡng bức cô trong một căn phòng kín đầy mùi gỗ cháy. Nhóm này vừa đe dọa mẹ cô, vừa tiến hành xâm hại người phụ nữ. Sau cùng, 2 người bị đánh đập tàn nhẫn và bị đuổi khỏi nhà lần nữa. Tháng sau, ở một trại tị nạn thuộc Chad, gần biên giới Sudan, người phụ nữ phát hiện mình đã có thai. “Tôi khóc suốt 3 ngày. Tôi không thể ngủ, không ăn nổi thứ gì. Tôi không muốn đứa trẻ này”, cô nói.

Tương tự, một nạn nhân 19 tuổi bị tra tấn, cưỡng bức dã man suốt 3 ngày bởi một nhóm lính RSF khi cố gắng tháo chạy khỏi El Geneina. Vài năm trước, cô chia sẻ từng tận mắt chứng kiến cha mình bị RSF thảm sát trong một vụ tấn công sắc tộc đẫm máu ở phía đông thành phố. Về sau, dẫu đã đến được khu tị nạn ở thị trấn Adre thuộc Chad, cô gái trẻ cùng 5 người em, nhỏ nhất mới 7 tuổi, không còn bất kì món đồ tùy thân nào bên người. 6 người con đã mất cả cha lẫn mẹ vì chiến tranh.         

“Tôi cảm giác như mình đã chết”

Một nhà hoạt động nữ quyền 28 tuổi thuật lại trải nghiệm ghê rợn không kém. Đầu tháng 6, một nhóm người mặc quân phục RSF xông vào bắt giữ cô ngay tại nhà riêng. “Bọn họ đánh tôi, bịt mắt rồi ấn đầu tôi xuống sàn một chiếc xe trước khi mang tôi đến một căn nhà hoang. Khi ấy tôi gần như bị nghẹt thở”, cô nói. “Tôi bị những kẻ này xâm hại liên tục hàng giờ. Căn nhà kia tràn ngập âm thanh nói cười cợt nhả của những nhóm lính RSF, nồng nặc mùi rượu và thuốc lá. Tôi còn nghe thấy một tên trong số chúng khoe khoang đã cưỡng bức bao nhiêu phụ nữ”.

Những nạn nhân nữ bị xâm hại trên đường di tản khỏi thành phố chỉ là số ít trong hàng trăm ngàn mảnh đời phải từ bỏ quê nhà vì những cuộc tấn công chủng tộc đẫm máu.
Những nạn nhân nữ bị xâm hại trên đường di tản khỏi thành phố chỉ là số ít trong hàng trăm ngàn mảnh đời phải từ bỏ quê nhà vì những cuộc tấn công chủng tộc đẫm máu.

 

Nhà hoạt động nữ quyền cũng cho biết, nhóm người tấn công cô không ngừng sử dụng những từ ngữ phân biệt chủng tộc để nhục mạ người Masalit. Không lâu sau, đã may mắn thoát khỏi El Geneina nhưng cô tiết lộ hàng chục thành viên trong gia đình “đã bị mất tích hoặc giết hại bởi RSF”.

Không chỉ nhắm vào dân thường, nhiều nhà hoạt động nhân quyền, bác sĩ, nhân vật có học vị cao thuộc tộc người Masalit trở thành mục tiêu nổi bật của RSF và dân quân đồng minh. “Trong một vụ tấn công, một nhóm lính bắt cóc em gái 15 tuổi của tôi”, một nhà hoạt động nữ quyền khác kể lại. “Bọn chúng buộc tôi xuất hiện nếu không sẽ sát hại con bé. Tôi đành phải nghe theo. Những kẻ cầm súng giam tôi trong một thùng hàng bẩn thỉu trước khi thay phiên tra tấn và cưỡng bức tôi”.

Một nhân viên y tế 27 tuổi, vợ của một nhà hoạt động nhân quyền người Masalit, chia sẻ trong nước mắt: “Trong một cuộc tập kích, lính RSF sát hại người nhà tôi. Khi tôi từ chối tiết lộ tung tích chồng mình, chúng đánh đập tôi dã man. 3 kẻ cầm súng xâm hại tôi cùng lúc. Đau đớn đến mức không thể cử động, tôi có cảm giác như mình đã chết”.

Một nạn nhân 15 tuổi kể lại hành trình kinh hoàng khi trốn chạy khỏi El Geneina. Em và một bé gái khác cùng bị cưỡng bức, trước khi nhóm lính RSF giết người bạn của em. Hiện em đang trú tạm tại một trại tị nạn ở Chad.
Một nạn nhân 15 tuổi kể lại hành trình kinh hoàng khi trốn chạy khỏi El Geneina. Em và một bé gái khác cùng bị cưỡng bức, trước khi nhóm lính RSF giết người bạn của em. Hiện em đang trú tạm tại một trại tị nạn ở Chad.

 

Reuters đã liên hệ với đại diện RSF. Tuy nhiên nhóm này phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến xâm hại thường dân, mô tả đây là “những lời nói dối trắng trợn”. Bên cạnh đó, RSF đổ lỗi cho phía quân đội Sudan “đã kích động các cuộc tấn công quân sự”. Nội chiến giữa quân đội nước này và RSF chính thức bùng nổ giữa tháng 4 năm nay, đã khiến 10.000 người tử vong và hơn 6 triệu người Sudan phải di tản.

Theo một báo cáo từ tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (trụ sở tại Mỹ), hàng chục trường hợp phụ nữ bị xâm hại trong các cuộc xung đột ác liệt ở El Geneina xuất phát từ sự kỳ thị chủng tộc. Tháng 11 vừa qua, Liên hợp quốc cho biết họ đã tiếp nhận những báo cáo đáng tin cậy khác phản ánh nạn bạo lực tình dục trong giai đoạn chiến tranh Sudan hiện nay, liên quan đến ít nhất 105 nạn nhân.

Tháng 7/2023, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) thông báo họ đang tiến hành điều tra một loạt hành vi thù địch nhắm vào người dân vô tội diễn ra ở Darfur, bao gồm hàng chuỗi báo cáo về nạn thảm sát, cưỡng bức phụ nữ và các hành vi tội ác với trẻ em.

Theo Quy chế Rome – tức hiệp ước thành lập ICC, những vụ xâm hại do nhóm phụ nữ Masalit thuật lại kể trên hội đủ điều kiện để cấu thành tội ác chiến tranh. Giáo sư Noelle Quenivet, khoa Luật quốc tế, đại học West of England (Anh) lo ngại bạo lực tình dục trong chiến tranh Sudan “đang ngày một lan rộng”. Bà nhận xét: “Căn cứ theo Quy chế Rome, tội ác xâm hại phụ nữ có tổ chức đủ cơ sở để cấu thành tội ác chống lại nhân loại”.   

Theo phụ nữ TPHCM