leftcenterrightdel
 Người dân mua sắm tại cửa hàng ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mùa mua sắm cho kỳ nghỉ lễ cuối năm 2022 đã đến. Và năm nay sẽ không giống bất kỳ năm nào trước đây, khi tình trạng lạm phát cao đang lan rộng trên toàn cầu, tác động đến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Với hầu bao eo hẹp và tâm lý lo ngại gia tăng, khách hàng trong mùa mua sắm vào dịp lễ 2022 đang tìm kiếm các thương hiệu có thể cung cấp các giải pháp cá nhân hóa, tiện lợi để giúp cuộc sống của họ trở nên dễ dàng và tốt đẹp hơn. Họ cũng không chỉ đơn thuần là tìm mua một sản phẩm - mà còn muốn có sự trải nghiệm về sản phẩm.

Nếu ai đó cho rằng nền kinh tế trải nghiệm đã tồn tại trước đây, dịch COVID-19 chính là nhân tố thúc đẩy nó phát triển mạnh hơn. Do vậy, giờ đây, khi đứng trước quyết định trải nghiệm hay chỉ là mua sản phẩm, khách hàng thường sẽ chọn trải nghiệm sản phẩm. Nhu cầu của khách hàng luôn thay đổi và việc biết điều gì sắp xảy ra và đón đầu những thay đổi đó sẽ giúp các thương hiệu thành công.

Khi các doanh nghiệp chuẩn bị cho mùa mua sắm vào kỳ nghỉ lễ cuối năm nay, việc hiểu được những xu hướng và nhu cầu thay đổi của khách hàng là rất quan trọng.

Dưới đây là bốn xu hướng tiêu dùng đáng lưu ý trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ năm nay.

Chi tiêu giảm

Thời buổi kinh tế khó khăn có nghĩa là mọi người sẽ không chi tiêu nhiều. Tại Mỹ, chi tiêu cho quà tặng vào dịp lễ cuối năm nay dự kiến sẽ giảm 30 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021 do 58% người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu ngoài thực phẩm. Sự sụt giảm lớn nhất có thể đến từ mặt hàng quần áo và giày dép, với 25% số người dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, bất chấp những dự đoán không mấy sáng sủa này, nhiều nhà bán lẻ vẫn lạc quan rằng khách hàng sẽ quay trở lại và sẵn sàng chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ này. Thậm chí một số dự đoán cho thấy doanh số bán hàng tổng thể vẫn ổn định hoặc tăng nhẹ so với năm ngoái, một phần cũng có thể là do lạm phát gia tăng.

Các thương hiệu cần phải linh hoạt thay đổi cách tiếp cận để phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Người tiêu dùng năm nay có xu hướng ít quan tâm về những món đồ đắt đỏ, hào nhoáng mà tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm những sản phẩm cần thiết và biến những món đồ hàng ngày trở nên đặc biệt. Trong nền kinh tế trải nghiệm đang phát triển, đó là việc tạo ra trải nghiệm xung quanh sản phẩm, không nhất thiết là bản thân sản phẩm.

Các thương hiệu lớn như Nike đã tạo ra trải nghiệm mua sắm phong phú dựa trên công nghệ hoặc Foxtrot, cung cấp đồ ăn và thức uống để khách có thể nhận hàng trong 30 phút, xây dựng trải nghiệm hoàn chỉnh thay vì chỉ đơn giản là bán hàng.

Mùa mua sắm khởi động sớm

Để thoát khỏi tình trạng hầu bao eo hẹp và giảm căng thẳng tài chính, khách hàng đang bắt đầu mua sắm cho kỳ nghỉ sớm hơn trong năm nay.

Nhiều nhà bán lẻ, vốn phải đối mặt với lượng hàng tồn kho kỷ lục và những người mua sắm thận trọng, đang giảm giá để xả bớt hàng hóa. Điều đó có nghĩa là mùa mua sắm nghỉ lễ đã thực sự bắt đầu.

Cùng với đó, các nhà bán lẻ lớn cũng đang đẩy mạnh việc bán hàng sớm. Amazon đã tung ra ngày Prime Day (ngày hội săn hàng giảm giá lớn nhất của trang thương mại điện tử này) và các chuỗi bán lẻ như Target và Walmart cũng theo chân với các chương trình khuyến mãi sớm đón đầu mùa lễ hội.

Doanh số bán hàng trên Internet gia tăng

Dường như không ai còn ngạc nhiên khi doanh số bán hàng trực tuyến sẽ tiếp tục thống trị ngành bán lẻ trong năm 2022. Công ty phần mềm Adobe dự đoán doanh thu bán hàng trực tuyến từ ngày 1/11 đến ngày 31/12 năm nay sẽ tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các chương trình giảm giá sớm và sự không chắc chắn về kinh tế đã khiến thương mại điện tử bị đình trệ, vì vậy mặc dù hoạt động kinh doanh trực tuyến vẫn đóng vai trò quan trọng, song đà tăng trưởng của nó đã tụt hậu so với những năm trước.

leftcenterrightdel
 Người dân mua sắm tại siêu thị ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tạo trải nghiệm mua sắm trực tuyến trực quan, thuận tiện và mang tính cá nhân là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Ngay cả khi mua hàng trực tiếp, khách hàng cũng bắt đầu nghiên cứu hình thức mua sắm trực tuyến. Do đó, cung cấp cho khách hàng trải nghiệm trực tuyến, bao gồm các kết quả tìm kiếm và đánh giá ban đầu của họ, chưa bao giờ quan trọng hơn thế.

Khoảng một nửa số khách hàng đăng bài đánh giá trực tuyến sau khi trải nghiệm dịch vụ tích hợp. Điều đó có nghĩa là mọi tương tác mà một thương hiệu có với khách hàng đều có thể được chia sẻ với nhiều người.

Nhu cầu trao đổi trực tiếp nhiều hơn

Nhiều thương hiệu đang tìm cách mở rộng quy mô dịch vụ khách hàng trong mùa lễ hội bận rộn với hộp trò chuyện (chatbot) và các công nghệ trả lời tự động khác, nhưng khách hàng lại đang có xu hướng muốn tiếp xúc với các nhân viên chăm sóc khách hàng.

Khi được lựa chọn cách giao tiếp với một thương hiệu, một cuộc khảo sát người tiêu dùng của TCN cho thấy phần lớn khách hàng chọn nói chuyện trực tiếp với nhân viên thay vì trao đổi trực tuyến. Công nghệ vẫn chiếm phần quan trọng trong ngành bán lẻ năm 2022 nhưng nó chỉ là một phần của giải pháp. Sự tương tác giữa con người với con người vẫn khiến các thương hiệu trở nên khác biệt.

Mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng trong kỳ nghỉ lễ bận rộn có nghĩa là cân bằng giữa công nghệ và sự tương tác với con người trong khi chuẩn bị cho các đại lý bán hàng đội ngũ nhân viên và nguồn lực phù hợp để phục vụ khách hàng.

Kỳ nghỉ lễ luôn là “bài kiểm tra” với dịch vụ khách hàng của mỗi doanh nghiệp, và năm 2022 cũng không phải là ngoại lệ. Hiểu rõ khách hàng, thiết lập và củng cố tư duy lấy khách hàng làm trung tâm, đồng thời chuẩn bị sớm từng bước có thể giúp các doanh nghiệp thành công trong thời kỳ đầy khó khăn này./.

Theo vietnamplus