Các bạn sinh viên tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động tại một sàn giao dịch việc làm tháng 4-2021 - ẢNH: VŨ THỦY
Đại diện nhiều công ty về xuất khẩu lao động cho biết hiện nay nhu cầu từ phía các công ty, đối tác tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc - các thị trường truyền thống của lao động Việt Nam - vẫn rất lớn, không có nhiều thay đổi so với thời kỳ trước COVID-19.
Vẫn tuyển lao động thường xuyên
Tại sàn tuyển dụng việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (YES Center) tổ chức đầu tháng 4-2021, rất nhiều doanh nghiệp về xuất khẩu lao động đã lập các quầy tuyển dụng để thu hút thêm ứng viên.
Bà Vũ Thị Thuận - phó phòng tuyển chọn lao động của Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB) - cho biết nhiều chương trình hợp tác với Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tuyển ứng viên đều đặn hằng tháng.
Cụ thể chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (IM Japan) mỗi tháng có nhu cầu tuyển dụng 30 lao động, thực tập sinh hộ lý tại Nhật Bản có nhu cầu tuyển khoảng 100 người, chương trình điều dưỡng viên sang Đức tuyển khoảng 300 người trong năm 2021.
"Hiện nay chương trình sang Đức và Nhật vẫn tuyển sinh và xuất cảnh bình thường. Riêng với thị trường Hàn Quốc thì do ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến chờ đến tháng 5-2021 mới có thể xuất cảnh", bà Thuận nói thêm.
Ông Nguyễn Thanh Nhật, giám đốc chi nhánh công ty GETRACO - HCM, cũng nhận định mặc dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề tại Nhật Bản, nhiều công ty, doanh nghiệp ngưng hoạt động nhưng nhìn chung nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam sang Nhật vẫn ổn định, không có nhiều thay đổi so với thời gian trước dịch.
"Các đối tác tại Nhật vẫn có nhu cầu tuyển dụng thường xuyên đối với lao động Việt Nam. Mặc dù hiện nay việc xuất cảnh gặp khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đều đặn tuyển dụng thực tập sinh cho các ngành nghề, chuẩn bị sẵn sàng để ngay khi mở lại đường bay là các bạn có thể xuất cảnh ngay", ông Nhật chia sẻ thêm.
Một nửa học viên đã trúng tuyển
Ông Lê Long Sơn, giám đốc Công ty TNHH Esuhai, cho biết trong số 2.200 thực tập sinh hiện nay của công ty thì có tới một nửa đã trúng tuyển các hợp đồng lao động tại Nhật Bản, đang chờ xuất cảnh. "Điều đó cho thấy nhu cầu tuyển dụng tại Nhật vẫn rất lớn.
Các công ty Nhật vẫn thường xuyên phỏng vấn online để tìm ứng viên và thực hiện ký hợp đồng. Do đó, ở đây chúng tôi vẫn tiếp tục tuyển thêm học viên mới để chuẩn bị cho các yêu cầu từ các đối tác.
Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh thì các thực tập sinh đã trúng tuyển vẫn phải tiếp tục học tại trung tâm, đồng thời duy trì làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm dịch vụ...", ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cho biết các lĩnh vực ngành nghề tuyển dụng tại Nhật Bản rất đa dạng như xây dựng, điều dưỡng, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, cơ khí, ép nhựa, điện tử, bảo dưỡng xe hơi...
Tại Hàn Quốc, người lao động chủ yếu được tuyển dụng cho các vị trí công việc về sản xuất chế tạo, nông nghiệp, xây dựng và ngư nghiệp.
Cụ thể là các ngành sản xuất cao su, nhựa; luyện kim, kim loại; cơ khí, máy móc; dệt, may mặc; điện và điện tử; giấy và gỗ; hóa học và sản phẩm hóa học; thực phẩm. Nhóm ngành xây dựng có nghề làm mộc và giàn giáo. Ngư nghiệp có 2 nghề chính là đi biển để đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy hải sản.
Năm 2021: Dự tính đưa 90.000 lao động sang các nước Theo thông tin từ Cục Lao động ngoài nước (COLAB), năm 2021 dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động. Trước đó trong năm 2020, kế hoạch năm đặt ra là 130.000 lao động được đưa đi các nước, tuy nhiên đã được điều chỉnh xuống 70.000 lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo số liệu báo cáo, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 là 78.641 lao động, đạt 112,3% kế hoạch đã điều chỉnh của năm. Số liệu lao động xuất cảnh trong năm 2020 của một số thị trường chính như sau: Nhật Bản: 38.891 lao động, Đài Loan: 34.573 lao động, Hàn Quốc: 1.309 lao động, Romania: 924 lao động, Qatar: 776 lao động; Trung Quốc: 596 lao động nam; Singapore: 537 lao động nam... |
Theo tuoitre