Biểu đồ số vụ phạm tội bài người gốc Á và tổng số vụ phạm tội thù hận nói chung được báo cho cảnh sát ở 15 thành phố lớn nhất Mỹ trong năm 2019 và 2020.

Trong số họ có rất nhiều chuyên gia y tế gốc Á, làm nghề bác sĩ, y tá, dược sĩ và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm… Nhưng trong khi họ làm việc không ngừng nghỉ ngày đêm để ngăn chặn sự lây lan của virus, không ít người phải đương đầu với một mối đe dọa khác: Sự thù hận.

Những cáo buộc liên quan nguồn gốc đại dịch Covid-19 đã khiến người gốc Á trở thành mục tiêu của nạn quấy rối và bạo lực đang ngày càng gia tăng ở Mỹ.

Kathleen Begonia, 34 tuổi, là người gốc Philippines, là y tá và chuyên gia về thông tin điều dưỡng ở Floral Park, New York. Begonia cho biết, sự gia tăng các hành động thù hận bài Á khiến cô cảm thấy vô cùng bất an. Cô thậm chí không dám dùng các phương tiện giao công cộng và luôn mang theo bình xịt hơi cay và chuông báo động cá nhân mỗi khi đi ra ngoài.

"Tôi đã đăng ký tham gia các lớp học tự vệ vì trong thâm tâm vẫn còn nhớ rõ những lần bị đối xử phân biệt khi còn nhỏ. Tôi không tin một ai khác có thể chăm sóc cho mình, kể cả cảnh sát, nên tôi phải chắc chắn bản thân có thể tự vệ. Tôi chạy bộ mỗi ngày và giữ gìn sức khỏe để bảo vệ bản thân khi cần thiết", Begonia chia sẻ với CNN.

Begonia và cha mẹ cô đều là y tá tham gia lực lượng tuyến đầu chống Covid-19. Cô cho biết, họ đối xử công bằng với các bệnh nhân, bất kể màu da, tôn giáo và đức tin nào. Nhưng người phụ nữ này cảm thấy thất vọng vì không phải ai cũng như vậy. 

"Cứ nghĩ đến việc chúng tôi là y tá chăm sóc bất cứ ai vào bệnh viện thì lại thấy thật bất bình. Chính những người xúc phạm chúng tôi ở nơi công cộng cũng có thể bị tổn thương và rồi lại cần chúng tôi chăm sóc", nữ y tá tâm sự. "Vì vậy, khi tôi nhìn thấy mọi người làm tổn thương cộng đồng Mỹ gốc Á, tôi thấy buồn vì chúng tôi cũng là những người chăm sóc sức khỏe cho các bạn".

Qua nhiều thế hệ, người Mỹ gốc Á không còn xa lạ với cảnh bị coi là "người nước ngoài vĩnh viễn". Các nhà chức trách từng đổ lỗi cho Khu Phố Tàu ở San Francisco là nguồn cơn khởi phát bệnh đậu mùa vào thập niên 1870, do đó cấm nhiều người nhập cư Trung Quốc theo Đạo luật Loại trừ Trung Quốc năm 1882 và buộc người Mỹ gốc Nhật vào các trại tập trung thời Thế chiến II, ngay cả khi hàng chục nghìn người thân của họ đang phục vụ trong quân đội Mỹ.

Tỷ lệ các loại hình phạm tội thù ghét người gốc Á ở Mỹ trong khoảng thời gian 19/3 đến 31/12/2020. Các cột từ trái sang phải: Tấn công cơ thể; Nhổ nước bọt; Công kích bằng ngôn ngữ; Né tránh

Khi Covid-19 bùng phát cuối năm 2019 đầu năm 2020, vấn đề kỳ thị người gốc Á ở Mỹ lại bùng lên. Rất nhiều vụ hành hung, tấn công đã xảy ra vì cáo buộc nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 là từ Trung Quốc. Mặc dù chưa có bằng chứng hay bất kỳ lời khẳng định nào từ chính quyền hoặc tổ chức chính thức, phong trào kỳ thị người gốc Á nhanh chóng lan rộng ở Mỹ như một virus vô hình, tác động mạnh đến cuộc sống của cộng đồng người gốc Á. Và các nhân viên y tế gốc Á cũng không ngoại lệ.

Theo dữ liệu năm 2020 do tổ chức chuyên nghiên cứu về chính sách nhập cư New American Economy, Mỹ có 1,4 triệu nhân viên y tế thuộc cộng đồng gốc châu Á và Thái Bình Dương (AAPI), chiếm 8,5% tổng số nhân viên y tế của nước này. Gần 1 triệu người trong số họ là người nhập cư.

Cơ quan Quản lý An Toàn và Sức khỏe Nghề Nghiệp (OSHA) thừa nhận, các nhân viên y tế gốc Á không những phải đối mặt với những rủi ro thời đại dịch mà còn có nguy cơ bị bạo hành cao hơn so với các ngành nghề khác.

Theo một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa Cực đoan và Thù hận thuộc Đại học Bang California, San Bernardino, số vụ phạm tội thù hận chống người gốc Á ở 16 trong số các quận và thành phố lớn nhất nước Mỹ đã tăng 164% trong quý đầu tiên của năm 2021 so với cùng kỳ năm trước.

Các nghiên cứu trước đại dịch vốn đã cho thấy 31-50% bác sĩ gốc Á chịu sự phân biệt đối xử trong công việc, chẳng hạn như bệnh nhân từ chối sự chăm sóc của họ, hoặc bản thân bác sĩ gốc Á khó khăn trong việc tìm người hỗ trợ. Trong thời đại dịch, nạn kỳ thị trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là khi cựu Tổng thống Donald Trump nhiều lần gọi Covid-19 là "virus Trung Quốc".

David Wu, 56 tuổi, là người Mỹ gốc Hoa và là giám đốc điều hành Trung tâm Pui Tak ở Chicago, bang Illinois. Trong công việc, Wu trợ giúp xét nghiệm Covid-19 và phân phối vắc-xin bên trong cộng đồng người Hoa ở Mỹ.

"Các hoạt động kinh doanh ở Khu Phố Tàu chậm lại đáng kể vì mọi người nghĩ đó là nơi đầu tiên virus xuất hiện", ông Wu pha. "Chúng tôi muốn cung cấp cho các nhân viên ở Khu Phố Tàu một nơi mà họ có thể tin tưởng, nơi họ có thể tiêm vắc-xin thuận tiện".

Đối với một số người Mỹ gốc Hoa, cũng khá đáng ngại khi đi tiêm phòng ở bên ngoài cộng đồng của họ. Theo Wu, đến thời điểm này, ông và Trung tâm Pui Tak đã phân phối hơn 2.500 liều vắc-xin cho cư dân thành phố. Ông biết các thành viên cộng đồng rất vui nhưng nhiều người vẫn cảm thấy tổn thương và sống trong sợ hãi.

"Đa phần người châu Á không muốn làm lớn chuyện hoặc gây chú ý, nhưng chúng tôi muốn mọi người biết rằng họ có thể chia sẻ câu chuyện của mình và những khó khăn họ phải đối mặt. Lên tiếng về những tranh đấu khi là một người gốc Á ở đất nước này chính là bước đi đầu tiên".

Trong thời kỳ Covid-19, một tỷ lệ cao người Mỹ gốc Á đảm nhận các vai trò đòi hỏi mức độ tiếp xúc cao. Biểu đồ của McKiney & Company

Atsuko Koyama là một bác sĩ y học cấp cứu người Mỹ gốc Nhật ở Phoenix, Arizona. Cô đã dành phần lớn thời gian trong năm qua để điều trị cho trẻ nhỏ bị Covid-19, với một số em có cha mẹ đều tử vong vì bệnh này. 

Bày tỏ nỗi lo về tình trạng gia tăng các vụ phạm tội chống người châu Á ở Mỹ, cô chia sẻ với CNN: "Thật đáng buồn khi đây là cuộc sống của chúng tôi. Tôi có những người bạn châu Á trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đang làm việc ở San Francisco và New York. Họ đều căng thẳng mỗi khi đi làm". 

Koyama cho biết bản thân đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và thiên vị trong suốt cuộc đời làm nghề của mình - ngay cả theo những cách tế nhị, chẳng hạn được yêu cầu sử dụng biệt hiệu thay vì họ tên đầy đủ.

"Người châu Á rất đặc biệt, chúng tôi mang lịch sử của chính mình, lịch sử gia đình, lịch sử cá nhân và tài năng của mình đến với cộng đồng nơi chúng tôi sống và làm việc", Koyama bày tỏ." Chúng tôi cũng không xóa bỏ câu chuyện của người khác trong khi làm nổi bật cuộc đấu tranh của chính mình. Chúng ta cần lắng nghe và nâng cao tinh thần của nhau trong cộng đồng để tất cả cùng được hưởng lợi".

Theo premium.vietnamnet