Yên Bái tích cực nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân.
Hơn 60 năm chung sống, hai vợ chồng cụ Phạm Bá Học và Đặng Thị Phượng ở xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình luôn là tấm gương sáng cho các con, các cháu và hàng xóm láng giềng học tập, noi theo trong xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Là gia đình có đông con, nên hai vợ chồng cụ luôn dạy bảo các con của mình phải giữ gìn truyền thống văn hóa do ông cha để lại. Đặc biệt là quan hệ ứng xử giữa anh trên, em dưới phải luôn đoàn kết, hài hòa, không có sự phân biệt, trọng nam khinh nữ. Nhờ vậy, các con của hai cụ đều trưởng thành, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Thời gian gần đây, qua theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, hai vợ chồng cụ thường xuyên nhắc nhở các con, các cháu phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, không tụ tập nơi đông người và phải đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà, để góp sức cùng địa phương ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.
Cụ Đặng Thị Phượng chia sẻ, bố mẹ làm bất cứ việc gì cũng bàn bạc với các con
Cụ Đặng Thị Phượng chia sẻ: "Bố mẹ làm bất cứ việc gì cũng bàn bạc với các con để chia sẻ, cái gì khó khăn mình có thể giúp được các con giúp. Anh trên em dưới phải bảo ban nhau, đùm bọc nhau, thương yêu nhau thật sự, lúc nào cũng luôn luôn đoàn kết".
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ra những xáo trộn không nhỏ trong xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, nhưng đối với gia đình ông Phạm Quang Hưng ở xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình thì đây cũng là dịp để vợ chồng ông cũng như các con, các cháu có nhiều thời gian quây quần bên nhau hơn, cùng nhau gắn kết yêu thương, quan tâm nhau từ những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Bản thân ông Hưng cũng xác định để có gia đình hạnh phúc, hòa thuận bố mẹ phải làm gương cho các con, ông bà phải làm gương cho các cháu. Bên cạnh việc thường xuyên nhắc nhở, động viên các con nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, các cháu chăm ngoan học giỏi, hai vợ chồng ông Hưng cũng ra sức phát triển kinh tế gia đình, từ chăn nuôi cho tới trồng trọt, vừa đảm bảo nguồn lương thực sạch cho bữa ăn hàng ngày vừa có nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Phạm Quang Hưng nói: "Để đạt được tiêu chí gia đình văn hóa, cũng như gia đình hạnh phúc, tôi là trụ cột trong gia đình luôn dạy bảo các con, cháu chăm ngon, học giỏi, đồng thời tích cực phát triển kinh tế để tăng thu nhập, để cuộc sống được ổn định".
Ông Vũ Tuấn Mạnh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình cho biết: "Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện Yên Bình đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2020 đạt trên 87%; số tổ dân phố, làng văn hóa đạt trên 82%".
"Chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình hạnh phúc, trong đó là xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, ấm no, tiến bộ, phòng chống bạo lực gia đình được các cấp, các ngành cụ thể hóa bằng các chương trình hành động và các hoạt động cụ thể, như chị em Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hay Hội Nông dân đều có những kế hoạch cụ thể để góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc", ông Mạnh nói.
Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, trong những năm qua công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực thông qua các phong trào thi đua như: Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây gia đình hạnh phúc"; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Phong trào “Xây dựng nông thôn mới”... Năm 2020, toàn tỉnh có 80% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; xây dựng được trên 270 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 146 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; trên 1.600 tổ hòa giải trong cộng đồng dân cư…
Đặc biệt, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 19 lần đầu tiên đã xác định một chỉ tiêu đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đó là "Chỉ số hạnh phúc của người dân". Đây là chỉ tiêu đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện, trong đó xác định công tác gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc là nền tảng để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu này.
Ông Phạm Quang Hưng và gia đình chăm lo phát triển kinh tế để cuộc sống ấm no hạnh phúc
Ông Nguyễn Lâm Tới, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết: "Để nâng cao chất lượng công tác gia đình trong thời gian tới, chúng tôi xác định tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch để hướng dẫn, chỉ đạo, cụ thể hóa những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Cụ thể, đó là xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng con người Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, qua đó góp phần nâng cao chỉ số Hạnh phúc cho người dân Yên Bái".
Mặc dù dịch bệnh Covid – 19 vẫn còn những diễn biến khó lường nhưng hơn bao giờ hết, các gia đình trong cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng vẫn đang nỗ lực phát huy tinh thần đoàn kết, yêu thương, chia sẻ và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, cùng nhau vượt qua khó khăn, lan tỏa thông điệp “Gia đình bình an – Xã hội hạnh phúc”./.
Theo vov