Mang cái đẹp vào cuộc sống

Vạt nắng vàng ươm nơi sân vườn tô điểm cho những cái chén, ly, dĩa gốm tựa mình trên gỗ hay nép khẽ vào những tán lá xanh um. Tấm vải hồng rung nhẹ trong gió tạo nên khung cảnh đẹp đến nao lòng. Thoáng chốc, lòng người lại thấy bình yên giữa phố thị đang hối hả.

Đó là những gì dễ cảm nhận từ không gian của triển lãm sắp đặt An Ode to Beauty đang diễn ra ở Huulala Concept (27 đường Bình Đông, phường 11, quận 8, TPHCM), nơi “hội ngộ” của gốm, thời trang, nội thất và tranh. Tất cả vừa quen, vừa lạ. Quen bởi đó là những hình ảnh từng xuất hiện đâu đó trong quá khứ, lạ là vì hình hài của chúng đã mang hơi thở của đời sống hiện đại.

leftcenterrightdel
3 người phụ nữ có cùng tình yêu thiết tha với văn hóa truyền thống Việt (từ trái qua là Lê Thị Hiền, Nguyễn Phương Chi, Huệ Hữu) 

ở đó, có thể thấy trang phục của nhà thiết kế (NTK) Huệ Hữu nhiều năm qua đã khiến bao người yêu thời trang say đắm vì sự tinh xảo trong đường kim, mũi chỉ. Chất gốm Lái Thiêu xưa phảng phất trong từng tác phẩm của Lê Thị Hiền và các cộng sự nhờ màu men ngả vàng đặc trưng. Sự kết hợp cùng phong cách gốm Nhật thịnh hành để tác phẩm tiếp cận gần với người trẻ. Ghế, giường… của NTK nội thất Nguyễn Phương Chi thì dẫu mang hình hài hiện đại nhưng vẫn đậm nét Việt với những họa tiết hoa lá đặc trưng hay cảm hứng từ hình ảnh Nam Phương hoàng hậu, chiếc chõng tre quê nhà… Đường nét sáng - tối ấn tượng trong tranh của họa sĩ Hoàng Thanh Vĩnh Phong lại tô đậm chiều sâu cho không gian này.

Chỉ tay về phía những hàng ghế sắt cũ kỹ, được “tân trang” bởi bọc ghế, nệm có những chi tiết thêu tay tinh xảo, NTK Huệ Hữu (người khởi xướng triển lãm) nói cái đẹp có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, khi ta thay đổi cách tiếp cận. “Nhiều người nói với tôi rằng, khi chưa giàu có, không dám nghĩ đến chuyện thưởng thức cái đẹp. Nhưng chúng tôi mong rằng ở bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể mang cái đẹp vào cuộc sống. Chỉ khi biết thưởng thức cái đẹp, chúng ta mới biết trân trọng, bảo vệ chúng” - chị nói thêm. Đó cũng là lý do triển lãm ra đời, mở cửa cho công chúng tự do tham quan.

Làm cho mình, cho mai sau

Chị Lê Thị Hiền cười nói: “Bây giờ mới để ý, 3 trong 4 người thực hiện triển lãm đều là nữ”. Với họ, đây là cuộc gặp gỡ tuyệt vời, để biết rằng con đường đang đi có bạn đồng hành. Văn hóa truyền thống là gốc rễ bên trong mỗi người. Nhưng để biến chúng thành những tác phẩm, sản phẩm nghệ thuật chưa bao giờ là dễ. Vốn làm việc trong ngành ngân hàng nên khi chuyển hướng sang làm gốm, chị Lê Thị Hiền như tờ giấy trắng, phải học lại từ đầu. Mày mò tìm hiểu qua hàng chục làng nghề khác nhau, chị mới quyết định chọn gốm Lái Thiêu để làm “xương sống” sáng tác. Không dừng lại ở kỹ thuật truyền thống, chị còn tạo ra kỹ thuật in eco (dùng vải của người dân tộc, lá để thể hiện họa tiết in thủ công) tạo nên những sản phẩm độc đáo. Công phu lắm nên để mỗi bộ sưu tập ra đời phải mất đến 1 năm.

leftcenterrightdel
 Không gian triển lãm An Ode to Beauty, kéo dài đến 7/4, tại số 27, đường Bình Đông, quận 8, TPHCM (ảnh: Trung Sơn)

Với NTK Nguyễn Phương Chi, do tài liệu ghi chép về văn hóa, làng nghề, nghệ nhân đa phần hạn chế, manh mún, chị và cộng sự đã phải dày công tìm đến các nhà chuyên môn để so sánh, đối chiếu. Dù chỉ là lấy cảm hứng, theo chị, một khi chạm đến lịch sử, văn hóa phải đảm bảo tính chính xác. Mỗi tác phẩm mất đến 2-3 năm mới hoàn thành.

NTK Huệ Hữu chia sẻ: “Ngày nào, tôi cũng thấy được sự thoải mái, hứng khởi trong công việc. Vì yêu là như vậy”. Nghề thêu truyền thống không chỉ giúp sức xây dựng sự nghiệp cho chị mà còn mang đến việc làm cho hơn 800 người thợ. Thời trang “made in Vietnam” cũng vượt ngàn cây số đến Nhật, úc, Mỹ… minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của văn hóa Việt, tài năng của người Việt.

Tình yêu Việt Nam, văn hóa truyền thống Việt là nguyên do khiến chị Phương Chi chọn trở về, sau nhiều năm học tập ở nước ngoài. Những tác phẩm xây dựng dựa trên bản sắc Việt lại bước ra thế giới, được vinh danh tại giải thưởng International Design Award 2023 tại Mỹ.

Khi có tình yêu, dù bao lần thất bại, nản lòng, chị Lê Thị Hiền cứ bước đi: “Tôi không chỉ làm cho mình mà còn cho mai sau. Nghề gốm Lái Thiêu rất giá trị, cần được giữ gìn và tiếp tục phát triển để thế hệ sau sẽ còn biết, trân trọng”. Những tác phẩm gốm của chị đã âm thầm đi vào đời sống và bước ra cả thế giới bên ngoài, phục vụ cho khách quốc tế.

Giữ gìn văn hóa truyền thống cần những chiến lược to lớn, nhưng cũng có thể khởi nguồn bằng những việc nhỏ nhoi. Dù lựa chọn ra sao thì tận tâm, hết lòng sẽ luôn có quả ngọt. Đó cũng là niềm tin lớn nhất của những người phụ nữ này trong hành trình đã đi.

Theo phụ nữ TPHCM