Không còn hiếm gặp

Ở lần thứ tư tổ chức, ngày hội Việt phục mang tên Tóc xanh vạt áo 2024 có quy mô gần gấp đôi năm ngoái, với khoảng 30 gian hàng. Theo chia sẻ từ ban tổ chức, dù chỉ diễn ra trong 1 ngày (24/3), sự kiện đã thu hút hơn 6.000 người tham dự. Con số này cho thấy sự quan tâm và tình yêu với cổ phục lẫn văn hóa Việt là không hề nhỏ.

leftcenterrightdel
 Cổ phục ngày càng được các bạn trẻ yêu thích - ẢNH: TÀI LỰC

Điều tạo ấn tượng và thành công của Tóc xanh vạt áo là chất lượng các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện. Năm nay, các buổi nói chuyện về thú chơi cổ ngoạn, về di sản đô thị Sài Gòn - Nam Bộ qua bản đồ, 280 năm định chế áo dài hay nhìn lại phong trào cổ phong sau 10 năm... đều thu hút nhiều người trẻ tham dự. Hàm lượng nội dung, kiến thức mà các khách mời, diễn giả mang lại khá lớn nên Tóc xanh vạt áo không đơn thuần là điểm hẹn của người yêu cổ phục mà rộng hơn, câu chuyện văn hóa Việt cũng được lan tỏa một cách tích cực.

Nhưng không phải đến Tóc xanh vạt áo, sự quan tâm dành cho cổ phục mới dễ nhìn thấy, mà gần một thập niên qua, đời sống của phong trào cổ phong đã sôi nổi hơn. Từ phim ảnh, thời trang, truyện tranh, hội họa... những nỗ lực cách tân hoặc phục/phỏng dựng nguyên bản các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử phong kiến đã xuất hiện.

Trên mạng xã hội, các hội nhóm bàn về cổ phong cũng tạo được chú ý. Bất kỳ ai có thắc mắc về áo mũ vua quan các triều đại của Việt Nam, cách mặc cổ phục làm sao cho đúng hay còn kiến thức về lịch sử chưa rõ đều có thể đăng bài viết, để cùng bàn luận với hàng chục ngàn thành viên khác. Các nhóm về văn hóa cổ phong “mọc” lên rất nhiều như Đại Việt cổ phong, Đình làng Việt, Dấu xưa làng Việt cổ, Cung đình Huế, Sử quán cổ phong... trở thành “điểm dừng chân” quen thuộc cho những người trẻ thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa của Việt Nam và các nước.

Đến sự kiện Tóc xanh vạt áo với chiếc áo dài Nhật Bình, Trần Huyền My (21 tuổi) nói từ khi thấy một số người nổi tiếng mặc áo dài Nhật Bình, vì quá thích kiểu dáng và hoa văn, cô đi tìm hiểu về nguồn gốc của trang phục và càng thấy thích thú hơn. “Chiếc áo này dành cho hoàng hậu, công chúa hoặc các cung tần có địa vị tôn quý ở triều đại nhà Nguyễn. Mỗi chi tiết trên trang phục, hoa văn đều mang ý nghĩa nên khi mặc lên người, cảm thấy yêu và hiểu văn hóa hơn. Chất liệu vải và hoa văn được các bên thiết kế, chọn may cũng khá đẹp, thân thiện với người mặc nên mình cũng không ngại mặc trong các dịp quan trọng” - Trần Huyền My chia sẻ. Nhiều bạn trẻ khác cũng chọn diện áo dài Nhật Bình cho các dịp cưới hỏi, chụp ảnh kỷ niệm hay tham gia các hoạt động sinh hoạt, giao lưu.

Phải hiểu mới yêu

Với những gì liên quan đến lịch sử, văn hóa dân tộc, chỉ tình yêu thôi chưa đủ mà cần phải có sự hiểu biết nhất định. Không thể diện Việt phục cổ lên người mà không nắm rõ nguồn gốc trang phục, hoa văn của triều đại nào. Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết: việc tìm hiểu kỹ về cổ phục rất quan trọng bởi có hiểu mới yêu hơn, biết trân trọng cũng như vững vàng hơn khi diện lên mình trang phục truyền thống. Ông tin giới trẻ với sự hiểu biết, ham học hỏi và nhiều nguồn để tìm hiểu như hiện tại sẽ biết cách củng cố kiến thức cho riêng mình.

leftcenterrightdel
 Bạn trẻ diện áo dài truyền thống đến sự kiện Tóc xanh vạt áo. Ảnh: Kỳ Anh

“Khi càng có nhiều người trẻ diện cổ phục, tôi cho rằng điều này hết sức đáng vui mừng, bởi chúng chứng minh giới trẻ ngày nay không quay lưng lại với truyền thống dân tộc. Những di sản có giá trị, trong đó có di sản trang phục, đặc biệt là áo dài, đều được các bạn trân trọng. Tôi rất vui khi nhìn thấy trên đường phố, trước đây chỉ có bạn nữ mặc áo dài thì nay đã có nhiều bạn nam mặc áo dài truyền thống. Trong thời buổi hội nhập, việc áo dài xuất hiện trên đường phố rất quan trọng, vì đó là sự trở lại của bản sắc, truyền thống” - ông Phan Thanh Hải chia sẻ.

Phong trào cổ phong sôi nổi hơn cũng giới thiệu cho công chúng nhiều gương mặt nhà nghiên cứu trẻ, có tiếng nói nhất định. Một số nhà nghiên cứu trẻ được các ê kíp sản xuất phim ảnh, dự án nghệ thuật truyền thống tìm đến để nhờ cố vấn như họa sĩ Phan Thanh Nam (hay Ấm Chè) là cố vấn lịch sử của series Tết ở làng địa ngục, Tôn Thất Minh Khôi (hậu duệ Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa thứ tám của triều Nguyễn) tham gia trong vai trò cố vấn của phim Người vợ cuối cùng...

Với sự cởi mở và ham học hỏi của người trẻ hiện tại, tin chắc phong trào cổ phong sẽ càng phát triển trong thời gian tới. Điều cần thiết là phải có nhiều hoạt động đảm bảo về kiến thức, nội dung chất lượng được tổ chức để người trẻ tiếp cận với các nguồn thông tin chuẩn xác, được kiểm chứng. Khi đó, tình yêu lịch sử, văn hóa Việt sẽ được bồi đắp một cách tự nhiên gần gũi.

Theo phụ nữ TPHCM