leftcenterrightdel
Annie Vũ, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Tubudd. 

Cưỡi trên “sóng “ dịch bệnh

Sau VSV Capital, Quỹ đầu tư TheVentures (Hàn Quốc) vừa quyết định rót hàng triệu USD trong vòng hạt giống vào Tubudd. Dòng vốn này sẽ giúp Tubudd thực hiện kế sách “bật tốc” nhanh hơn trong giai đoạn “hậu Covid-19”.

Tubudd - nền tảng kết nối khách du lịch và hướng dẫn viên bản địa do Vũ Thị Thái An (Annie Vũ) đồng sáng lập - nhanh chóng phát triển nhờ đón “sóng” nhu cầu của thị trường, khi dịch vụ du lịch đang phát triển rầm rộ trên thế giới. Thông qua Tubudd, khách du lịch nước ngoài đến một quốc gia sẽ dễ dàng tìm được hướng dẫn viên bản địa có thể giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng… tại bất kỳ địa điểm nào ở quốc gia này.

Ngoài ra, Tubudd còn giúp kết nối người nước ngoài với các phiên dịch viên bản địa hiểu phong tục văn hóa, món ăn, trải nghiệm… trong quá trình du lịch, làm việc, sinh sống ở đó.

Tubudd đang có 900 hướng dẫn viên bản địa ở 40 thành phố tại 12 quốc gia trên toàn thế giới và 700 hướng dẫn viên bản địa tại Việt Nam. Tubudd là đối tác của các start-up về du lịch như Tripbtoz, dichungtaxi.com, ADDI Global... để cung cấp những dịch vụ du lịch toàn diện cho khách hàng.

Các bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp ở thời điểm này nên biết dựa trên điểm mạnh của mình và nếu có sức bền, sự kiên nhẫn đi trên đường dài, thì hãy mạnh dạn dấn thân.

- Annie Vũ, đồng sáng lập, kiêm CEO Tubudd

“Hơn 2 năm đại dịch, chúng tôi phải thay đổi cách làm kinh doanh để đảm bảo doanh thu. Rất khó khăn để một dự án khởi nghiệp về du lịch công nghệ có thể gọi vốn vào thời điểm Covid-19”, Annie Vũ chia sẻ.

Cuối năm 2019, Tubudd đã có một lời mời đầu tư và có thể tiến sâu hơn vào thị trường Mỹ, nhưng vì Covid-19 nên không thực hiện được, thậm chí còn phải rút gọn đội ngũ và gần như phải làm lại từ đầu. Dù vậy, Annie Vũ luôn đặt niềm tin vào sự trở lại mạnh mẽ của thị trường du lịch và các tính năng của Tubudd.

Khi dịch bệnh được kiểm soát, Annie Vũ bắt tay ngay vào việc triển khai kế hoạch với những thay đổi “ngoạn ngục” hơn và tìm đến những nhà đầu tư có niềm tin vững chắc vào du lịch. Cưỡi trên “sóng” dịch bệnh được kiểm soát này, Tubudd sẽ thực hiện chiến lược mới để chuyên môn hóa đội ngũ hướng dẫn viên bản địa và tiêu chuẩn hóa thị trường này tại Việt Nam.

Annie Vũ nhận định, du lịch có thể đình trệ, nhưng cơ hội đầu tư vào Việt Nam đang rộng mở, các nhà đầu tư và chuyên gia sẽ tới Việt Nam với tần suất nhiều hơn. Đây chính là lý do Tubudd sẽ dành 40% nguồn lực và dồn sức vào thị trường doanh nghiệp xuyên biên giới.

Khát khao vươn tầm

Annie Vũ từng có những trải nghiệm thú vị trong vai trò khách du lịch khi đặt chân đến một đất nước xa lạ. Bởi vậy, trong định hướng của nữ CEO này, những trải nghiệm thú vị mà Tubudd sẽ mang đến cho khách quốc tế khi đến Việt Nam là “bảo hiểm” sự tích cực và giúp họ tái tạo năng lượng để có những ngày tháng đẹp nhất với chuyến đi của mình.

Đồng hành cùng Annie Vũ trên hành trình gây dựng Tubudd là đội ngũ nhân sự khá có tiếng và thâm niên. Tubudd là dự án đầu tiên về công nghệ của Annie Vũ, nhưng mang tính định hướng lớn và dài hạn. Trước đó, cô từng là thành viên sáng lập của 1 công ty về sự kiện và truyền thông đã tồn tại hàng thập kỷ trên thị trường. Đó cũng là nơi Annie trưởng thành và học được rất nhiều bài học về quản trị và lãnh đạo.

Ngay khi Annie Vũ cùng cộng sự bắt tay xây dựng Tubudd, dự án đã nhận được nhiều sự chú ý cũng như tin tưởng từ các đối tác và nhà đầu tư. Thậm chí, Quỹ VSV Capital quyết định đầu tư từ lúc ứng dụng (app) Tubudd còn nằm trên giấy. Họ đã đồng hành cùng đội ngũ Tubudd trải qua quãng đường khó khăn nhất là đi từ 0 đến 1, đi từ bàn giấy đến ứng dụng và có những khách hàng đầu tiên.

Chắc chắn, những nhà đầu tư như vậy đều có sự tin tưởng vào giá trị xã hội và con đường mà Tubudd đã chọn. Tiếc rằng, ảnh hưởng của “cơn bão” Covid-19 đã khiến Tubudd phải đi chậm lại.

Annie Vũ chia sẻ, năm 2019 là năm bùng nổ của khởi nghiệp mảng du lịch công nghệ ở Việt Nam với rất nhiều ý tưởng đột phá. Nhận thấy đây là “mảnh đất màu mỡ”, nên Annie Vũ quyết định về Việt Nam để khởi nghiệp.

Theo cô, thị trường du lịch ở Việt Nam rất tiềm năng và còn rất ít “tay chơi” công nghệ mang lại những ý tưởng mới. Bởi vậy, các bạn trẻ khởi nghiệp về du lịch cần tiếp tục dấn thân để tạo ra sự khác biệt sau đại dịch, đưa nền công nghiệp du lịch của Việt Nam lên vị trí cao hơn trong khu vực. Theo đó, các ứng dụng về du lịch công nghệ phải vươn ra tầm khu vực, quốc tế.

Với Tubudd, Annie Vũ cho rằng, dự án này chỉ được xem là thành công khi những người bạn quốc tế đi du lịch qua các nước châu Á, Đông Nam Á hay Việt Nam đều sử dụng ứng dụng một cách dễ dàng, hiệu quả. Cô cùng các cộng sự đang nỗ lực vì điều đó.

Theo baodautu