Tương truyền, vào thời Lý, nghề dệt lụa ở Thăng Long rất phát triển. Ông Nguyễn Diệu ở châu Ái (Thanh Hóa) cùng vợ là Mai Thị Huyền vốn rất giỏi nghề dệt, thấy vậy bèn tính chuyện ra Thăng Long mở một xưởng dệt vải. Họ nhanh chóng phát đạt, trở nên giàu có nhưng luôn buồn phiền vì muộn con.

Năm 39 tuổi, một đêm bà Huyền nằm mơ thấy được lên trời và thấy các nàng tiên đang quây quần thêu dệt. Họ thấy bà bèn đem một tấm gấm vuông rất đẹp ra tặng. Bà bừng tỉnh, sau đó liền mang thai rồi sinh được một cô con gái rất xinh đẹp, da dẻ mịn màng như lụa. Ông Diệu bèn đặt tên con là Nguyễn Thị La. Năm nàng La 18 tuổi, nhan sắc vô cùng xinh đẹp, rất giỏi nghề thêu dệt, cắt may. Vải nàng dệt vừa bền, vừa đẹp, nhiều chàng trai mong ước được kết duyên cùng nàng.

Trong số những người làm công cho ông Diệu lúc đó có chàng Đoàn Thưởng vốn quê Hồng Châu (Hưng Yên). Cha mẹ mất sớm, Đoàn Thưởng phải gác mộng đèn sách để đi làm thợ dệt kiếm kế sinh nhai. Vốn là một tay thợ dệt lành nghề, Đoàn Thưởng rất hay thi tài với nàng La. Dần dần hai người cảm mến nhau và ông Diệu cũng bằng lòng nhận Đoàn Thưởng làm con rể.

Biết chồng vẫn ôm mộng văn chương nên nàng La khuyên chồng dùi mài kinh sử để lên kinh ứng thí. Nghe lời nàng, Đoàn Thưởng quyết tâm đèn sách và cuối cùng thi đỗ. Sau khi được bổ làm quan, Đoàn Thưởng liền xin với vua cho lập một phường thủ công ở đất làng Nhược Công, từ đó nàng La dạy nghề dệt cho dân chúng trong làng. Tiếng làng đồn xa, nhà vua nhiều lần mời nàng vào cung dạy cho công chúa và các cung nữ.

4.jpg
Đình làng Thành Công- nơi thờ vợ chồng bà Nguyễn Thị La.

 

Cuối thời Lý, nghe tin người anh em là Đoàn Thượng muốn chống lại Trần Thủ Độ khôi phục nhà Lý, Đoàn Thưởng kéo quân về giúp sức. Thuyền của ông đang trên đường đi thì gặp bão bị đắm, Đoàn Thưởng bị sóng cuốn đi mất tích. Sau khi làm tế lễ chồng rất lớn, nàng La trở về đem toàn bộ tài sản giao cho dân bản phường để dùng vào việc hương hỏa rồi uống thuốc độc tự tử theo chồng.

Vua Huệ Tông hay tin rất thương xót, sai đình thần đến làm lễ an táng và cho dựng miếu thờ. Lại cấp cho 500 quan tiền để lo việc tế tự và miễn thuế má lao dịch cho làng. Bà được vua phong là Thụ La công chúa, tôn làm bà tổ nghề dệt vải ở kinh đô.

Đình Nhược Công, nay là đình Thành Công (thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) là nơi thờ vọng Đoàn Thường - vị quan thời Lý và bà tổ nghề dệt Nguyễn Thị La.

Hàng năm, từ 12/3 đến 14/3 âm lịch lễ hội truyền thống đình làng Thành Công được tổ chức để tưởng nhớ công đức truyền nghề của 2 vị.

Phụ nữ Việt Nam