Tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên với hai chuyên ngành Sinh học và Quản trị kinh doanh, cô gái Đắk Lắk  - Phạm Thị Thu Hằng năm ấy hồ hởi bước vào cuộc sống với những ước mơ và hoài bão lớn lao.

Năm 2011, khi mới 25 tuổi, Thu Hằng đã cùng ba người bạn cùng nhau mở công ty bán thiết bị định vị.

Tuy nhiên, háo hức bước vào kinh doanh mà chưa kịp chuẩn bị cho mình vốn kinh nghiệm để làm hành trang, Thu Hằng cùng các cộng sự trẻ tuổi đã thua lỗ nặng. Từ đó, Thu Hằng bắt đầu sợ thất bại. Chị trở về với nghề giáo viên dạy sinh học, mặc áo dài, tay cầm phấn, viết bảng đen. Cuộc sống ngỡ sẽ bình yên, êm ả, rồi lấy chồng, sinh con...

Phạm Thị Thu Hằng đã dày công nghiên cứu về quả bơ để phát triển và đem lại nguồn thu nhập cho chính đặc sản của quê hương mình. Cô đã và đang thành công với thương hiệu mỹ phẩm Pơ Lang.

 

"Nỗi lo sợ ấy đeo bám dai dẳng suốt 5 năm trời cho đến khi chạm ngưỡng 30, mình nhận ra, mình cần thay đổi, phải thay đổi. 30 tuổi, mình trưởng thành hơn, chín chắn và quyết liệt hơn. Nhưng cũng con số ấy - trên thương trường vẫn chỉ là một đứa trẻ, chập chững và dè dặt", Thu Hằng chia sẻ.

Để khởi đầu thêm một lần nữa, Thu Hằng đã nghiên cứu rất kỹ và quyết định chọn một sản vật từ quê nhà, đó là trái bơ tươi, đặc sản của Đắk Lắk. Chị đã nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và thật sự ngỡ ngàng trước những lợi ích của quả bơ mang lại. Chị đã tìm cách liên hệ và gặp một số nhà nghiên cứu trong các viện nghiên cứu khoa học để trao đổi chi tiết về cách chế biến bơ sau thu hoạch. Xong đâu đó, chị gom bơ gửi đi khắp nơi làm thử nghiệm.

Không chấp nhận thất bại

"Năm 2016, mình bắt đầu với số vốn rất ít vì mình tiết kiệm từ đồng lương giáo viên ít ỏi, còn mặt bằng sản xuất thì tận dụng kho xưởng của gia đình, nhân công chưa có, tự túc làm hết mọi công đoạn từ bước thu gom nguyên liệu đến thử nghiệm, đóng gói bán hàng. Quả bơ lại là một quả rất khó tính trong việc chế biến sau thu hoạch nên sai và hỏng rất nhiều, vậy nên cũng mất khá nhiều chi phí thử nghiệm. Có hôm lọ mọ 10 giờ tối một mình đứng giữa ngã 3 đường quốc lộ, chờ xe tới để gửi mấy tạ bơ, vừa đói, vừa mệt, vừa sợ, vừa xót con ở nhà. Về đến nhà, con đã ngủ, mẹ thì mắng, đi cả ngày để con bơ vơ. Lên giường ngủ, mình ôm con, nằm khóc", Thu Hằng kể về những ngày đầu "tái khởi nghiệp" đầy gian nan thử thách.

Và chưa hết những khó khăn, khi nhận các kết quả thử nghiệm, chị không khỏi thất vọng bởi bơ sấy dẻo, bơ sấy giòn, kem bơ đắng ngắt, còn mỗi bột và dầu bơ là khả quan.

Không thể chấp nhận được thất bại, Thu Hằng đã bắt tay sản xuất sản phẩm từ bột và dầu bơ, thiết kế tem nhãn, đóng hộp mang đi chào bán. Từ bán lẻ, bán sỉ, gõ cửa các đại lý, tươi cười niềm nở, gửi hàng chào bán… rồi cũng ra lẻ tẻ vài đơn hàng được người quen ủng hộ, tiền thu về không đủ bù chi.

"Mình đã sai ở đâu? Tại sao lại thất bại?", đó là câu hỏi mà chị thức trắng hàng đêm để suy nghĩ. Cuối cùng, chị cũng nhận ra rằng sản phẩm có dung lượng thị trường quá nhỏ, không đa dạng, thiếu sự chọn lựa cho khách hàng, mà kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh của chị thì còn quá non nớt.

Các sản phẩm của thương hiệu mỹ phẩm Pơ Lang do Hằng làm chủ

 

Bởi thế, chị quyết tâm không bỏ cuộc giữa chừng, tiếp tục nghiên cứu hàng xấp tài liệu rồi khăn gói xuống Sài Gòn đi học. Học kiến thức sản phẩm, học sản xuất, học kiến thức kinh doanh. Con gửi ông bà, tối thứ sáu hôn tạm biệt con rồi lên xe với lời hứa "mẹ đi rồi mẹ về sớm", rồi tối chủ nhật lại về. Cứ thế ròng rã gần tròn một năm, học xong, chị lại bắt đầu quá trình mày mò nghiên cứu, thử nghiệm ngày đêm. Vừa học hỏi, vừa thử nghiệm liên tục, lại có kiến thức chuyên môn chính quy của chuyên ngành sinh học nên cuối cùng Thu Hằng cũng hoàn thiện được các sản phẩm từ bơ theo ý muốn.

Lần lượt Son dưỡng trái bơ, Son gấc, Dầu rửa mặt từ bơ, Muối tắm cà phê – dầu bơ, Xà bông bơ ra đời bên cạnh dầu trái bơ nguyên chất, dầu gấc, dầu hạt chanh dây. Hoàn thiện quy trình, hoàn thiện sản phẩm, Thu Hằng mạnh dạn mang đi tham dự các cuộc thi uy tín trong nước rồi tham gia bán hàng ở những hội chợ lớn. Dần dần chị kết nối được với nhiều người hơn, sản phẩm được nhiều người biết đến, yêu thích và phát triển được nhiều đại lý.

Cô đã đem sản phẩm của mình tới các hội chợ để quảng bá và được đón nhận

 

"Để có thể đi được đến đoạn đường này, mồ hôi, máu và cả nước mắt, với mình, đều là những thứ có thật. Có lần vội vàng đi giao hàng cho khách, mình vấp té từ trên cầu thang xuống, may mà chỉ ảnh hưởng phần mềm, u đầu, bầm hết một bên mặt, hơn cả tháng mới lành. Có những hôm mất ngủ đến tận 3 giờ sáng và chưa bao giờ biết giấc ngủ trưa là gì, mình sụt hẳn 3 kí. Nhiều lúc mệt mỏi, căng thẳng muốn buông xuôi rồi trở về với nghề giáo viên cho nhàn. Nhưng rồi bước chân vào rẫy, nhìn bố mẹ, các chú bác nông dân rơi mồ hôi, cười tươi bên cây bơ trĩu quả mình lại thấy sức lực tràn trề", chủ nhân của thương hiệu Pơ Lang chia sẻ về quá trình vượt qua thử thách để khởi nghiệp.

Giờ đây, sau gần 5 năm đi hết chặng đường chông gai, chị Thu Hằng đã có trong tay nhiều sản phẩm chất lượng làm ra từ quả bơ được nhiều người tin dùng. 

Tuy nhiên, Thu Hằng đang tìm một lối đi riêng cho loại quả xanh sạch và lành mạnh này với dự tính xây một hướng đi đầy triển vọng cho nguồn tài nguyên bản địa. Đặc biệt là hướng đi làm kinh tế xanh, ưu tiên các nguyên vật liệu bản địa  như quả bơ, thảo dược, tinh dầu.... Chị mong muốn tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế với nguồn gốc là "Made in Viet Nam" được chế biến một cách tự nhiên nhất, thuần túy nhất.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, không lùi bước, Phạm Thị Thu Hằng đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường khởi nghiệp. Năm 2019, chị tham gia cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn, lọt vào vòng bán kết, nhận được bằng khen của tỉnh Đắk Lắk về đóng góp cho phong trào khởi nghiệp tỉnh. Năm 2020, chị tham gia cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp 2020" đã lọt qua vòng sơ khảo và đang tiếp tục được bình chọn. Cũng năm nay, chị tham gia cuộc thi Startup Wheel và lọt vào top 100 dự án xuất sắc, hy vọng sẽ tiến xa hơn ở vòng trong.

Thành công là thế, nhưng Phạm Thị Thu Hằng vẫn cho rằng mình vẫn đang trên con đường khởi nghiệp, mới chỉ trải qua giai đoạn sống còn và đang ở giai đoạn hoàn thiện để phát triển Pơ Lang. Chị mong muốn trong tương lai sẽ đưa dầu quả bơ phát triển trong mảng thực phẩm, ngoài ra, chị sẽ nghiên cứu thêm các sản phẩm khác từ quả bơ như là sốt quả bơ để ăn kèm với các thực phẩm khác… và xuất khẩu các sản phẩm từ bơ ra thị trường nước ngoài. Có như vậy, trái bơ đặc sản của vùng quê hương Tây nguyên sẽ không rơi vào tình trạng cần "giải cứu" như một số nông sản khác.

Địa chỉ công ty: Thôn 8A, xã Eakly, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk

Số điện thoại: 0917475797

Trang bán hàng: https://www.facebook.com/pams.story.vn/

An Khê