Bộ trang sức từ gáo dừa
Nguyễn Băng Nhi tạo nên sự tươi mới cho gáo dừa tại quê mình
Ngồi lọt thỏm giữa những sản phẩm tại một triển lãm về dừa, Nguyễn Băng Nhi nổi bật bởi khuôn mặt hiền và đôi bàn tay khéo léo đang thêu từ đường chỉ vào chiếc lá được làm từ gáo dừa.“Bộ trang sức làm từ gáo dừa bao gồm bông tai, dây chuyền và vòng đeo tay mình yêu thích nhất trong tất cả các món hàng ở đây. Đây cũng là sản phẩm đánh dấu bước đầu khởi nghiệp của mình”, Băng Nhi giới thiệu.
“Hồi còn học đại học mình thấy trên mạng nhiều nghệ nhân làm sản phẩm từ gáo dừa đẹp mắt, tự nhiên trong đầu mình nảy ra ý tưởng sao không dùng gáo dừa làm trang sức”, Băng Nhi kể lại.
Bộ trang sức đánh dấu bước đầu khởi nghiệpcủa Nhi |
Tưởng chừng những cái gáo dừa khô cứng không thể chế tác hoặc chỉ dùng làm chất đốt, nhưng qua đôi bàn tay của Nhi nó đã trở thành những chiếc lá mềm mại và tinh tế.
“Sau khi dùng máy cắt định hình và đục lỗ, mình phải dùng tay mài đi mài lạ rất nhiều để tạo được sự mềm mại của chiếc lá. Độ dày của gáo dừa cũng phải được kiểm soát, rồi cách mình gắn những chiếc lá lại như thế nào để người dùng có thể dễ dàng thao tác với sản phẩm. Cuối cùng là đánh bóng bằng dầu dừa cho nó sáng lên”, Băng Nhi tâm sự.
Ngoài bộ trang sức, Băng Nhi đã cho ra đời nhiều sản phẩm từ gáo dừa như: các loại tranh gáo dừa được ốp lên mẹt tre, hay bộ tranh xuân, hạ, thu, đông với hình dáng hoa sen, hoa lan, cây trúc...
Các loại trang sức có giá từ 50-100.000 đồng |
Các sản phẩm được chế tác từ gáo dừa trên mẹt tre |
Băng Nhi chi sẻ: “Ban đầu mình chỉ làm chơi, có mấy miếng gáo dừa dư xong ráp lại ai ngờ ra hình bông sen, thấy đẹp chụp hình đưa lên Facebook rồi người ta thích đặt mua. Từ đó mình làm nhiều sản phẩm hơn nữa. Hiên tại có máy móc hỗ trợ, nên số lượng sản phẩm mình làm ra ngày càng nhiều hơn...”.
'Thấy mình đam mê nên ba mẹ hỗ trợ nhiều'
Nguyễn Băng Nhi tốt nghiệp chuyên ngành tạo dáng sản phẩm khoa Mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Khi ra trường, Nhi đi làm cho một công ty thiết kế về áo thun nhưng thấy không phù hợp nên Nhi quyết định về quê khởi nghiệp từ gáo dừa.
“Lúc đầu gia đình mình không chịu vì cho rằng con đường này nó bấp bênh. Lúc đó mình nói 'con sẽ làm ra nhiều mẫu rồi xem đánh giá của thị trường với sản phẩm của mình như thế nào, nếu cơ hội cao hơn 50% thì sẽ tính đường xa hơn'”, Băng Nhi tâm sự.
Bằng sự quyết tâm của mình, Nhi đã chinh phục được ba mẹ với nhiều sản phẩm tinh tế và có tính ứng dụng cao từ gáo dừa, đồng thời được nhiều người ủng hộ từ các triển lãm, hội chợ cho đến mạng xã hội.
“Có đợt mang sản phẩm đi bán bị lỗ, chỉ chi đủ tiền xe, tiền đồ ăn thức uống..., vì lúc đó mình chưa biết định giá sản phẩm nên bán giá cực thấp. Nhưng sau vụ này mình vui lắm vì có nhiều người mua và biết đến sản phẩm của mình”, Nhi chia sẻ.
“Thấy mình đam mê nên ba mẹ rất thương và hỗ trợ nhiều dù chưa biết thành bại thế nào. Có nhiều người nói mình can đảm chọn nghề này nhưng mình nghĩ cha mẹ chính là người can đảm nhất khi để cho mình chọn sản phẩm này để khởi nghiệp”, Băng Nhi tâm sự.
Theo Thanh Niên