leftcenterrightdel
 Chị Nguyễn Thị Linh, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp sinh học CNC - Thương mại, dịch vụ Đồng Tâm

Bỏ nghề giáo để theo đuổi nghề nông

Chị Nguyễn Thị Linh, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp sinh học CNC - Thương mại, dịch vụ Đồng Tâm (Đồng Tâm, Đồng Phú, Bình Phước), đã nghiên cứu và ứng dụng thành công mô hình "Xử lý phế thải phân heo nông hộ trực tiếp không thông qua hầm Biogas thành nguyên liệu phân bón hữu cơ phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ". Dự án vừa đoạt giải Đặc biệt, cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" cấp vùng Khu vực miền Nam năm 2024, do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Trước đây, chị Linh là giáo viên mầm non. Trong quá trình chăm sóc trẻ, chị nhận thấy các món ăn nấu từ gà công nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Vậy nên, nhiều lần chị Linh từ chối cho các con ăn.

"Gà công nghiệp có thịt mềm và xương gà không cứng giống gà ta thả vườn. Tôi cảm thấy lo lắng nếu cho trẻ ăn thường xuyên sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Gia đình tôi có tới 2 người mắc bệnh ung thư và tốn rất nhiều tiền trong việc chữa trị. Tôi càng thấm thía hơn về giá trị của sức khỏe. Cùng nhiều biến cố trong cuộc sống, năm 2019, tôi quyết định nghỉ việc và về nhà xây dựng trang trại chăn nuôi vịt. Tôi muốn theo đuổi đam mê với ngành nông nghiệp sạch, để mọi người được có được những thức ăn tốt cho sức khỏe", chị Linh chia sẻ.

leftcenterrightdel
Gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của HTX Đồng Tâm. 

 

Thời gian đầu khởi nghiệp với trang trại chăn nuôi vịt, chị Linh gặp rất nhiều khó khăn. Phía gia đình không ủng hộ vì lo sợ chị vất vả, ba mẹ không muốn chị từ bỏ công việc nhà nước ổn định. Đàn vịt của chị nuôi không lớn, nhiều lúc còn chết hàng loạt.

Dù khó khăn nhưng chị vẫn quyết tâm thực hiện. Chị học hỏi quy trình chăn nuôi bằng cám sinh học để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, chị chưa làm đúng kỹ thuật, chưa biết cách ứng dụng men vi sinh, cách ủ thức ăn, cách phối trộn thức ăn… nên thường xuyên thua lỗ.

"Cứ sau mỗi lứa vịt xuất bán, tôi lại rút ra được một bài học. Vừa khắc phục được lỗi này thì lứa sau lại mắc lỗi khác. Cứ thế tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sai ở đâu thì sửa ở đó. Tôi nhất định không dùng cám công nghiệp. Khi biết cách làm cám sinh học, tôi bắt đầu chia sẻ lại cho bà con để ứng dụng chăn nuôi", chị Linh chia sẻ.

Lan tỏa tinh thần phát triển ngành nông nghiệp sạch

Trong quá trình chăn nuôi, chị Linh nhận thấy sự phát triển về ngành chăn nuôi kéo theo hệ lụy về ô nhiễm môi trường, gây lo ngại về sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là bài toán khó giải quyết triệt để đối với người chăn nuôi.

Chị Linh cho biết: "Phân vịt, phân gà có thể ép lại để bán, còn phân heo thì phải xả xuống hầm biogas. Nhưng hầm thì không thể xử lý triệt để. Chưa kể, việc đầu tư hầm Biogas còn tốn nhiều chi phí, nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó đầu tư. Trong khi, phần lớn trang trại nhỏ lẻ thường do phụ nữ đảm nhận. Chị em làm công việc chăm sóc heo, nếu môi trường xung quanh ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của chị em trước tiên".

Từ đó, chị Linh bắt đầu nghiên cứu cách xử lý chất thải chăn nuôi. Hiện nay, chị Linh đã tập hợp những người cùng chung chí hướng để thành lập HTX Đồng Tâm, bắt đầu chuyển hướng công việc thành nhân viên xử lý phân heo cho các trang trại. Chị muốn lan tỏa tinh thần phát triển ngành nông nghiệp sạch, sạch từ sản phẩm đến môi trường.

Chị Linh đưa ra mô hình "Xử lý phế thải phân heo nông hộ trực tiếp không thông qua hầm Biogas thành nguyên liệu phân bón hữu cơ phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ", với 3 hoạt động chính: Xử lý, ủ phế thải phân heo; Sản xuất trùn quế; Sản xuất chế biến đạm trùn. Mô hình đã qua giai đoạn nghiên cứu và bước vào giai đoạn thực nghiệm với quy mô lớn.

Cụ thể, chị Linh dùng phân heo để ủ, xử lý bằng ấu trùng ruồi lính đen và nuôi trùn (trùn quế, trùn Châu phi, trùn Ấn Độ…). Phân heo qua hệ tiêu hóa của trùn thành phân trùn. Đây là phân hữu cơ có tính năng cải tạo đất tốt, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Ngoài ra, con trùn sẽ làm thức ăn giàu dinh dưỡng ngược lại trong chăn nuôi như tôm, cá, gà, vịt.

Chịa Linh chia sẻ thêm: "Thông thường, người dân sẽ nuôi trùn bằng phân bò, phân trâu chứ không dùng phân heo để nuôi. Nhưng chúng tôi đã tìm ra được kỹ thuật nuôi trùn bằng phân heo. Đây là điểm khác biệt của mô hình".

leftcenterrightdel
Chị Linh (phải) tại chung kết cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” cấp vùng Khu vực miền Nam năm 2024. 

 

Dự án còn tạo công việc ổn định cho các chị em trong khu vực, tạo sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ và kinh tế tuần hoàn, làm đúng phương châm "biến chất thải thành tiền". Mô hình phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Chia sẻ về cảm xúc khi đoạt được giải cao trong cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng miền Nam, chị Linh xúc động cho biết: "Tôi rất vinh dự và hạnh phúc khi nhận được giải thưởng lần này. Đây là động lực để tôi tiếp tục phát triển dự án tốt hơn, nhân rộng hơn, mang giá trị của dự án phục vụ cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường".

Phạm Thương