Chị Lý Thị Niên khởi nghiệp năm 2011, với nghề tráng bánh cuốn phục vụ người dân trong địa bàn xã. Nhận thấy thị trường có nhu cầu về phở, chị mạnh dạn đầu tư máy móc quy mô nhỏ để làm bánh phở.
Ban đầu, sức tiêu thụ chưa lớn nên một mình chị làm tất cả các khâu từ tráng, phơi rồi thái, đóng hàng gửi cho khách. Đầu tư thời gian, chăm chút cho sản phẩm, bánh phở của chị Niên được nhiều hàng quán, bà con trong khu vực đón nhận. Bình quân mỗi ngày chị Niên làm phở hết khoảng 1,2 tạ gạo, tiêu thụ chủ yếu tại Pác Nặm, Ngân Sơn.
Nhìn thấy tiềm năng của các sản phẩm làm từ hạt gạo quê mình và mong muốn tạo thêm việc làm cho người khác, năm 2018, chị Niên đứng ra thành lập Hợp tác xã bún, phở Quỳnh Niên gồm 9 thành viên, chuyên sản xuất các loại bún, phở tươi và khô. Để trau dồi thêm kinh nghiệm, các thành viên trong HTX đã chủ động sang các địa phương khác như Việt Trì, Phú Thọ để học hỏi những mô hình, cách làm hay.
Chị Lý Thị Niên
Tạo dựng niềm tin nơi khách hàng
Với khách hàng, chất lượng luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Xác định mục tiêu đó, chị Niên đặt ra nguyên tắc trong sản xuất, kinh doanh "không chất tẩy rửa, không phụ gia, không hóa chất, không hàn the". Song song đó, cần phải nghiên cứu quy trình sản xuất để bún, phở ngon dai, mềm, ngọt mà khi nấu không bị nát.
Chị Niên tiết lộ bí quyết của mình: "Nguyên liệu và quy trình sản xuất là điều quyết định. Để bún phở ngon, chị sử dụng gạo Bao thai bản địa. Thời gian ngâm gạo không được quá lâu để khi nghiền tráng bánh không bị nát và gây chua. Khi phơi bánh nếu nắng quá to chỉ phơi 2-3 tiếng, bóc bánh từ phên đem ép, thái và phơi lần 2 rồi đem đóng gói".Quá trình phơi bánh cũng là một hành trình dày công thử nghiệm của chị. Khi trời nắng to, khi ít nắng, những ngày không có nắng... đều ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
HTX đã đầu tư dây chuyền chế biến tự động để cải tiến năng suất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Trung bình mỗi ngày HTX sản xuất và cung cấp 300kg phở tươi cho các nhà hàng tại các huyện Bạch Thông, Ba Bể, Ngân Sơn, Pác Nặm. Ngoài ra HTX còn sản xuất phở khô, bún khô, sản lượng trung bình đạt khoảng 1 tấn/tháng, cung cấp cho thị trường trong nước.
Hàng làm ra đều được chị ghi đầy đủ ngày sản xuất, đóng hộp cẩn thận khi gửi cho khách hàng.
Từ sự tỉ mỉ đó, bánh phở do HTX Quỳnh Niên đã tạo được thương hiệu riêng và ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin cậy, lựa chọn.
Để nâng cao chất lượng và sản lượng, giảm sức lao động, HTX đã đầu tư dây chuyền chế biến tự động bằng inox, máy nghiền bột, máy ép.
Hiện các sản phẩm bún, phở khô của Hợp tác xã đã có đầy đủ điều kiện về tem nhãn, mã vạch để truy xuất nguồn gốc; có sản phẩm bày bán tại gian hàng OCOP ở hệ thống Siêu thị Big C.
Chị Lý Thị Niên với sản phẩm bánh phở tươi
Để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của HTX, chị Lý Thị Niên tích cực tham gia các các Hội chợ xúc tiến thương mại do Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội phụ nữ tổ chức…
Chị chia sẻ mong muốn của mình là hướng đến mục tiêu cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn để tạo thêm việc làm, tiêu thụ thóc gạo cho bà con nông dân.
Không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, chị Lý Thị Niên đã trở thành người truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều chị em tại địa phương vươn lên phát triển kinh tế. Sản phẩm phở Quỳnh Niên cũng là một trong những điểm nhấn thể hiện hiệu quả Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" và Đề án "Mỗi làng xã một sản phẩm" (OCOP) tại tỉnh Bắc Kạn.
Chị Lý Thị Niên, giám đốc HTX bún, phở Quỳnh Niên, Tiểu Khu II, Thị trấn Nà Phặc, Huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn. Sản phẩm chính của HTX gồm phở tươi, bún tươi, phở khô, bún khô… Các sản phẩm bún, phở khô được Hợp tác xã đóng gói 500g/túi, với giá bán 35.000 đồng/kg. HTX tạo việc làm cho lao động tại địa phương, đặc biệt là chị em phụ nữ với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. |
Lê Hoa