|
|
Bà Vàng Thị Mai được phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2015. (Ảnh: Minh Tâm) |
Bước qua cánh cửa gỗ đơn sơ tiến vào hợp tác xã, chúng tôi đã nghe rõ tiếng quay sợi, tiếng nước tro bếp sôi sùng sục trên lửa. Bà Vàng Thị Mai trong trang phục Mông truyền thống, niềm nở đi ra đón chúng tôi vào phòng trong - nơi trưng bày những sản phẩm dệt lanh tinh xảo.
Bà vẫn miệt mài mỗi ngày với việc giới thiệu nét đẹp, giá trị của những sản phẩm dệt thủ công từ sợi lanh cho bất cứ ai ghé thăm làng dệt Lùng Tám. Nhắc đến nghề dệt, đôi mắt bà ánh lên niềm tin và sự tự hào khôn tả.
Một mối duyên lành
Chuyện dệt lanh với bà Vàng Thị Mai như một phần của cuộc sống. Từ khi mới chỉ là một cô bé 13 tuổi, mẹ đã dạy bà dệt sợi. Bởi lẽ với mọi cô gái người Mông khi ấy, dệt lanh là điều tất yếu phải biết để tự may cho mình những bộ quần áo làm của hồi môn về nhà chồng.
Nhưng với bà Mai, dệt lanh không đơn thuần là một kỹ năng phải biết. Cụ Giàng Thị Mỷ (mẹ bà Mai) - một nghệ nhân thủ công tài năng, đã truyền lại cho con gái mình tình yêu với khung dệt, với những sợi lanh, với văn hóa đặc trưng độc đáo của người Mông. Bà Mai cứ thế say sưa với việc dệt lanh, sự gắn kết với nghề mỗi lúc một thắm thiết.
Thời gian cứ trôi, quần áo may sẵn dần trở thành lựa chọn thay thế nhanh và tiện lợi hơn, các cô gái trẻ không còn mặn mà nhiều với khung dệt và những mũi kim thêu nữa, nhưng bà Mai vẫn đau đáu nỗi lòng với nghề truyền thống.
Bà Mai cho biết, nghề dệt lanh đã có từ 4.000 năm trước. Cũng chính vì đau lòng cho nghề truyền thống đậm sắc màu văn hóa lại bị thời gian vùi lấp, bà bước vào cuộc hành trình tiếp lửa cho nghề đến nay đã mấy chục năm dài.
Nghề lắm công phu
|
|
Các họa tiết và các sản phẩm phong phú tại hợp tác xã dệt. (Ảnh: Minh Tâm) |
Có dịp xem tường tận từng công đoạn dệt lanh tại hợp tác xã do nhiều nghệ nhân cùng nhau thực hiện, mới thấy nghề này ở công đoạn nào cũng khó, cũng kỳ công.
Đây không phải nghề dễ học, dễ làm, cần người thợ phải thật sự yêu quý, gắn bó, tinh tế và tỉ mỉ. Mỗi tấm vải dệt đều trải qua đủ các bước công phu, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.
Sợi phải được se bằng công cụ đặc biệt để được chắc bền, bó thành từng bó đem ngâm và luộc trong nước tro bếp vài lần để sợi mềm và trắng dần trước khi cho thêm sáp ong vào luộc lần cuối tạo độ mềm và trơn.
Các bó sợi sau đó tiếp tục được đặt trên một khúc gỗ tròn, trên đè một tấm đá phẳng. Người phụ nữ đứng trên tấm đá này, nhún nhảy hai chân để tấm đá lăn trên khúc gỗ có bó sợi cho đến khi sợi lanh mềm hẳn và sáng trắng rồi mới đưa vào khung dệt.
Vải dệt xong tiếp tục luộc với nước tro vài lần, giặt sạch, phơi khô rồi lại đặt giữa khúc gỗ tròn và tấm đá lăn cho đến khi mềm và phẳng.
Việc nhuộm màu cũng không dễ dàng, để có sắc màu ưng ý, người Mông có phương thức riêng và thường phải nhuộm lại nhiều lần. Bù lại, sắc vải lanh đẹp nền nã, nhu hòa, dịu mắt và tự nhiên hơn những thức vải khác, lại không dễ phai màu bởi thời gian.
Kể cho chúng tôi về những công đoạn dệt lanh, bà Mai vẫn khẳng định: “Khó nhất là vẽ sáp ong. Vẽ sáp ong là văn hoá cổ đại truyền cảm hứng cho người Mông, kết nối người Mông với vải lanh như vợ với chồng. Vẽ sáp ong cần vẽ thật tốt, nếu tay vẽ không giỏi thì khó mà đẹp được”.
Người thợ sẽ phải dùng bộ bút vẽ (được chế tạo một cách thủ công) chấm vào sáp ong nấu chảy và kẻ lên vải đường thẳng, hình tam giác, trôn ốc, hình đồng tiền, chữ thập, chân chim… Đây là những họa tiết biểu hiện cho thế giới vũ trụ của người Mông.
Mỗi chi tiết nhỏ đều phải thực hiện tỉ mẩn, hoàn toàn thủ công, rất dễ xảy ra sai sót. Một tấm vải nhỏ cũng phải trải qua khoảng 41 công đoạn mới có thể thành hình, công đoạn nào cũng đòi hỏi tính kiên nhẫn, cẩn thận.
“Xuất khẩu” ra thế giới
Đứng trước nguy cơ nghề dệt lanh thất truyền, bà Mai trăn trở với mong ước làm sống dậy nghề thủ công mang đậm bản sắc dân tộc Mông, chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống quý giá.
Bà cùng với những nghệ nhân lớn tuổi là cụ Giàng Thị Mỷ, cụ Sùng Thị Cờ không ngừng nỗ lực tái hiện cho cộng đồng nghề dệt lanh truyền thống.
Từ năm 1999, bà Mai lập nên hợp tác xã dệt lanh, huy động những phụ nữ Mông vốn không được phép ra ngoài đi làm về hợp tác xã dệt vải. Bà gây dựng hợp tác xã từ một khởi điểm đầy khó khăn, dệt lanh ít người biết đến, sản phẩm dệt chẳng bán được nhiều. Bà lặn lội mang vải lanh đi đến tận thủ đô giới thiệu với từng người, từng cửa hàng lưu niệm. Nhìn cách bà ăn mặc khác lạ, đã có người nghi kỵ, xua đuổi. Nhưng vượt lên tất cả, bà Vàng Thị Mai vẫn kiên trì đi khắp nơi tìm cơ hội về cho hợp tác xã của mình. Những tấm vải lanh của bà dần được công nhận, có mặt ở nhiều hội chợ lớn, nhỏ trong nước.
Không chỉ dừng lại ở Việt Nam, nhiều người nước ngoài thấy được nét đặc sắc của vải dệt lanh Lùng Tám. Bà Mai dũng cảm đón lấy cơ hội, đem vải dệt lanh đi ra thế giới, đến cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Pháp, Thụy Điển...
Với sức lan tỏa của các mặt hàng tại hợp tác xã, danh tiếng và uy tín của nghệ nhân Vàng Thị Mai được biết đến nhiều hơn. Năm 2014, bà được trao giải Kova vinh danh các tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội. Liên tục các năm 2008, 2010, 2011, bà được Đại sứ quán Pháp mời tham gia Hội chợ Phụ nữ năng động sáng tạo toàn cầu; được Tạp chí Forbes Vietnam bầu chọn vào danh sách 50 phụ nữ Việt Nam có ảnh hưởng nhất.
Lấy ra những chiếc cúp bọc kỹ trong túi vải, những tờ báo vinh danh cho chúng tôi xem, trong đôi mắt bà là niềm tự hào và thỏa mãn khôn nguôi. Bởi đó không chỉ là sự công nhận của thế giới đối với bản thân bà, mà còn là sự công nhận với nghề dệt lanh, với văn hóa dân tộc Mông, văn hóa Việt.
Giờ đây, vải dệt lanh đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, làng nghề dệt Lùng Tám khoác tấm áo mới - điểm đến du lịch văn hóa, bà Vàng Thị Mai cùng hợp tác xã dệt đã tiên phong với những thay đổi tích cực để tiếp cận du khách quốc tế. Bản thân bà Mai có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản một cách lưu loát, rõ ràng. Bà cho hay, theo xu thế chung, có nhiều nghệ nhân giao tiếp được tiếng Anh hơn. Những nghệ nhân lớn tuổi (60-70 tuổi) cũng dần nghe hiểu được tiếng Anh, tiếp đón khách nước ngoài chu đáo. Với tinh thần sẵn sàng thay đổi, nắm lấy cơ hội, chắc hẳn bà cùng nghề dệt lanh truyền thống còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Sứ mệnh truyền nghề
Sản phẩm dệt lanh nay đã có chỗ đứng hơn, nhưng bà Mai vẫn còn nặng lòng với việc nối dài nghề dệt, một nghề đầy thử thách với người học. Bà mở lớp dạy nghề cho rất nhiều cô gái Mông tại hợp tác xã, vừa dạy vừa cho họ thực hành với những sản phẩm đơn giản, vừa tạo công ăn việc làm, vừa tiếp lửa nghề thủ công truyền thống. Có những em bé còn rất nhỏ đã có thể se sợi, tự mình thêu được những chiếc móc khóa nhỏ xinh, những chiếc ví cầm tay đủ màu sắc.
Bà chia sẻ, lợi nhuận khi bán những sản phẩm dệt lanh cho du khách cũng góp phần vào việc mở lớp, trao cơ hội học nghề cho phụ nữ Mông. Không chỉ muốn nghề dệt phát triển, bà Mai còn hy vọng người phụ nữ dân tộc Mông cũng có thể sống tốt hơn, tiến bộ hơn, tự lập với con đường riêng của mình...
Tiễn chúng tôi rời khỏi hợp tác xã, bà Vàng Thị Mai cười hồn hậu, tâm sự rằng hy vọng ngày càng có thêm nhiều người trẻ yêu thích những tấm vải dệt lanh và lan tỏa những giá trị đích thực của nghề truyền thống đến mọi miền Tổ quốc.
Xa làng dệt rồi, chúng tôi vẫn nhớ mãi đôi bàn tay thoăn thoắt của những phụ nữ Mông, những tấm vải dệt lanh rực rỡ sắc màu, mềm mại và thơm mùi sáp ong với đường nét hoa văn đầy tinh tế.
Theo baoquocte