Việc sấy tiêu giúp cho giá trị của hạt tiêu được nâng cao nhờ giữ được màu sắc, hương vị tự nhiên vốn có.
Thành công nhờ sự khác biệt Có nhiều năm gắn bó với cây hồ tiêu, vì thế từ hơn 10 năm trước, chị Lại Ngọc Bích luôn đặt cho mình câu hỏi: Tại sao không đem hạt hồ tiêu thu hoạch đem sấy để giữ được màu tự nhiên, mùi vị thơm cay nồng vốn có mà lại đem đi phơi? Khi chia sẻ suy nghĩ này, nhiều người không khỏi ái ngại vì cho rằng, những hạt tiêu tươi khi đưa vào máy sấy ở nhiệt độ cao sẽ bị chuyển màu và biến dạng, không thể giữ nguyên màu tự nhiên.
Thế nhưng, chị Bích vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Theo chị, khi hạt tiêu chưa chín thì nó xanh, còn khi gần chín thì có màu vàng, lúc đủ chín sẽ có màu đỏ, những quả khô chuyển màu đen và khi hái về trong quá trình xử lý tróc vỏ trở thành tiêu sọ - gọi là tiêu trắng. Nếu giữ được màu sắc tự nhiên của hạt tiêu thì sẽ tạo nên được một giá trị khác biệt, đem lại giá trị cao cho hạt tiêu và lợi ích cho cả người nông dân.
Từ những suy nghĩ đó, chị Bích đã bắt tay vào sáng chế ra chiếc máy sấy tiêu ngũ sắc, sử dụng tia hồng ngoại. Chị kể, để cho ra đời được chiếc máy sấy tiêu ngũ sắc, chị đã phải mất khoảng thời gian rất dài, trải qua không biết bao lần thất bại. Trong quá trình thử nghiệm, nhiều khi tiêu cháy khô, cũng có lúc tiêu sấy không khô vì hạt tiêu bị chảy nước. Không nản lòng, chị Bích vẫn âm thầm, kiên trì với mục tiêu của mình.
Cuối cùng thì chiếc máy sáy tiêu ngũ sắc cũng ra đời. Với chiếc máy này, chỉ sau khoảng 8 tiếng là tiêu đã được sấy khô, đạt độ giòn cần thiết, đặc biệt là vẫn giữ nguyên được hương vị và màu sắc vốn có như trong tự nhiên. Với 5 màu tiêu sẽ cho ra 5 hương vị khác nhau. Có một điều đặc biệt là tiêu tươi đưa vào sấy phải là tiêu sạch, nếu trong hạt tiêu còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ không thể sấy được vì tiêu sẽ chảy nước và cháy đen.
Vào năm 2015, sáng chế của chị Lại Thị Bích đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen tại chương trình “Sáng kiến giải pháp”. Đồng thời được chương trình khảo sát sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao tặng Huy chương Vàng sản phẩm, danh hiệu thương hiệu chất lượng cao.
Chị Lại Ngọc Bích đang tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới đã đặt ra.
Với chiếc máy sấy này, sản phẩm hồ tiêu sấy của Công ty TNHH MTV Hồ tiêu ngũ sắc Gia Lai đã có mặt tại khắp các hệ thống siêu thị, các cửa hàng trong cả nước và nước ngoài. Theo chị Bích, việc lưu giữ được màu sắc, hương vị tự nhiên đã giúp cho giá trị hạt tiêu tăng cao rất nhiều lần. Hiện giá tiêu xanh sấy khô là 450.000 đồng/kg, tiêu ngũ sắc đóng hộp từ 70.000-2 triệu đồng. Người nông dân không mất công phơi, bảo quản mà vẫn đảm bảo được chất lượng của hạt tiêu, thu nhập cũng cao hơn.
Hành trình chinh phục mới chỉ bắt đầu
Không hài lòng với những kết quả đã đạt được, ở tuổi 55, chị Lại Thị Bích vẫn đang âm thầm thực hiện những dự định của mình với mong muốn tiếp tục nâng cao giá trị của hạt hồ tiêu cũng như giúp cho cuộc sống của người nông dân ngày càng tốt hơn.
Theo chị Bích, hiện chị đang tiến hành xây dựng nhà máy sấy hồ tiêu với vốn đầu tư 20 tỷ đồng để nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay với công suất 1 tấn hồ tiêu khô/ngày. Để có nguồn tiêu nguyên liệu, chị cũng đã hợp tác với các hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất hồ tiêu đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP. Đặc biệt, chị cũng đã ký kết hợp đồng mua tiêu cho người nông dân với giá thu mua luôn cao hơn 20.000 đồng/kg so với giá thị trường.
Theo chị Bích, không chỉ cây tiêu mà với nông sản Việt Nam, nếu người nông dân làm ăn đàng hoàng, biết tạo nên thương hiệu cho sản phẩm thì chắc chắn sẽ mang lại giá trị cao. “Không thể vì lợi nhuận mà để cho cây ra thật nhiều trái thì cho thuốc một cách tội vạ, không thương tiếc. Để đến bây giờ đánh đổi lại thì đất hỏng, cây hỏng. Tôi cho rằng, ngành nông sản Việt nam phải lập lại trật tự, phải xây dựng thương hiệu. Nếu làm được như vậy thì người nông dân sẽ giàu”, chị Bích nói.
Chia sẻ về phong trào khởi nghiệp hiện nay, chị Bích cho rằng cần phải hiểu đúng định nghĩa về khởi nghiệp. Đó phải là những điều sáng tạo, mới mẻ, tạo lập được thương hiệu, giá trị và phải làm đúng thực chất chứ không nên hô hào, làm theo phong trào. Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế tốt hơn để các cá nhân, doanh nghiệp dễ hơn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp.
“Muốn làm thương hiệu thì phải có con đường rõ ràng, từ trên xuống dưới. Bản thân doanh nghiệp của tôi hiện nay muốn phát triển hơn nữa cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp. Vậy thử hỏi các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ thì làm sao tiếp cận nổi?”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hồ tiêu ngũ sắc Gia Lai trăn trở.
Theo phunuvietnam