Chị Hà Thị Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Hợp tác xã thịt chua Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

 

Sinh ra và lớn tại trên mảnh đất cổ, miền núi huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, chị Hà Thị Ngọc Điệp (Hà Điệp) cho biết, nơi đây bà con dân tộc Mường chiếm tới 86%. Từ khi sinh ra, chị đã được làm quen với món thịt chua được làm từ thịt lợn mán, thính gạo, cùng các loại gia vị do người Mường làm lấy và truyền lại nối tiếp cho các đời sau.

"Là một phụ nữ năng động, có hiểu biết về kiến thức và quy trình sản xuất thịt chua và sự đam mê gìn giữ bí quyết của cha ông để lại, chị Hà Điệp đã thành lập Hợp tác xã thịt chua đầu tiên của huyện, thực hiện mơ ước được mang đặc sản thịt chua Thanh Sơn đi khắp đất nước". Chị Hà Điệp đã bắt đầu gây dựng thương hiệu thịt chua Thanh Sơn như vậy.

Chị Hà Thị Ngọc Điệp, Thạc sỹ Quản lý Giáo dục, hiện là Phó Giám đốc Hợp tác xã thịt chua Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ bên các sản phẩm đặc sản quê hương.

 

Tìm hiểu và nghiên cứu trong thời gian dài, không chỉ sản xuất các loại thịt chua có hương vị như các nơi khác, chị còn thử nghiệm và làm riêng biệt loại thịt chua vị riềng, độc quyền tại Thanh Sơn. Song song với đầu tư chất lượng, sản phẩm thịt chua còn được đầu tư mẫu mã bao bì, đựng trong lọ thủy tinh an toàn và thân thiện với sức khỏe, môi trường. Đây cũng là một dấu ấn độc đáo chưa đơn vị nào có.

Vượt qua khó khăn mùa dịch để khởi nghiệp

HTX mới thành lập tháng 12/2018, là đơn vị mới so với các cơ sở của làng nghề thịt chua tại Thanh Sơn nên cần phải dành nhiều thời gian học hỏi kiinh nghiệm. Dịch bệnh tả lợn châu Phi và dịch Covid-19 ập đến, mang theo nhiều ảnh hưởng với nữ giám đốc HTX.

Chị Hà Điệp chia sẻ: Vì dịch Covid-19 kéo dài nên hàng hóa sản xuất ra bán chậm. Thêm vào đó, tiền thuê địa điểm bán hàng, thuê nhân viên mất khoảng 60 triệu đồng sau 3 đợt dịch. Với một phụ nữ khởi nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm và có kinh phí đầu tư hạn hẹp, đây là một khó khăn lớn. Tiếp đó, sau thời gian dịch bệnh, việc tìm kiếm thị trường có nhiều cản trở.

 Nhưng không vì thế mà gác lại đam mê. Được sự ủng hộ từ lãnh đạo địa phương, HTX thịt chua Thanh Sơn tích cực tham gia các hội nghị kết nối cung cầu, các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến các tình thành cả nước. Bản thân chị Hà Điệp, là một phụ nữ nhưng không quản ngại vất vả, đi các hội chợ ở các tỉnh. Chị còn sử dụng nhiều hình thức quảng bá trực tiếp và qua hệ thống mạng Facebok và Zalo… để đưa thịt chua Thanh Sơn đến tiếp cận vơi nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước. 

HTX luôn có đầu tư để thay đổi mẫu mã và cải tiến sản phẩm thịt chua Thanh Sơn.

 

Chinh phục "sao" OCOP

Nhận được chứng nhận 3 sao từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP là một sự ghi nhận về chất lượng, mẫu mã của sản phẩm thịt chua Thanh Sơn. Ngay khi được tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình từ địa phương, các thành viên trong HTX đã phấn khởi cùng nhau tìm hiều kỹ về quy định sao OCOP, có đầu tư để thay đổi mẫu mã và cải tiến. Chị Hà Điệp nhớ lại hành trình chinh phục "sao" OCOP của HTX.

Giữ vững chất lượng, chau chuốt từng sản phẩm mình làm ra và luôn đổi mới mẫu mã sản phẩm để ngày đẹp hơn, năm 2019 đặc ản thịt chua Thanh Sơn đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận và trao cúp là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ. Cuối năm 2020, sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Phú Thọ.

 

Sự công nhận này giúp cộng đồng biết đến thịt chua Thanh Sơn nhiều hơn. Sản phẩm bán chạy hơn, được coi trọng hơn, truyền thông cũng tốt hơn.  Với các chị em phụ nữ đang chuẩn bị hành trình chinh phục "sao" OCOP, nữ thạc sĩ chia sẻ kinh nghiệm: Trước tiên là đam mê và thực sự yêu mến sản phẩm, chịu khó học hỏi người đi trước, tìm hiểu rõ về quy định các sao tự đánh giá mình xem sản phẩm của mình đang đạt mấy sao và phấn đấu thế nào để đạt được hoặc đạt cao hơn.

"Trong thời gian tới, chắc chắn tôi sẽ luôn làm tốt để giữ vững chất lượng sản phẩm xứng đáng với niềm tin của khách hàng. Đồng thời, phấn đấu làm tốt hơn nữa để được công nhận thêm 2 sản phẩm OCOP", chị Hà Thị Ngọc Điệp khẳng định.

 Bí quyết khởi nghiệp của chị Hà Thị Ngọc Điệp

- Có sức khỏe

- Có sẵn sự đam mê

- Gia đình bạn bè ủng hộ

- Nắm sẵn công thức và hình thức kinh doanh

- Có kinh phí để thực hiện

Trần Lê