Sản xuất than hoạt tính thân thiện môi trường của HTX thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng là dự án khởi nghiệp của Phụ nữ khuyết tật dự thi Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo – kết nối thành công” năm 2020 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức
Xây dựng mô hình kinh tế tạo việc làm cho người khuyết tật
Là giáo viên tại Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chứng kiến học sinh của mình khi ra trường hầu hết không có việc làm để tự chủ cuộc sống, chị Đinh Thị Quỳnh Nga có tâm nguyện là có thể tạo việc làm cho nhiều người giống như mình.
Chị Quỳnh Nga chia sẻ: Tôi rất trăn trở bởi mỗi người khi trưởng thành đều cần kiếm tiền để nuôi chính bản thân mình, nếu không sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì thế, tôi muốn xây dựng được mô hình kinh tế để tạo được công ăn việc làm cho những người kém may mắn trong xã hội, đặc biệt là những người khuyết tật ở huyện Sóc Sơn và học sinh của tôi khi ra trường.
Năm 2009, chị Quỳnh Nga lập nhóm "Trái tim hồng", tập hợp các bạn khuyết tật đã ra trường trên địa bàn làm công việc in, hoa khô, tranh sơn dầu và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác. Đến năm 2015, HTX Thủ công Mỹ nghệ Trái tim hồng chính thức ra đời tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. HTX mở rộng tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thu hút nhiều người khuyết tật đến làm việc và trở thành một tổ chức kinh tế do chính người khuyết tật Sóc Sơn làm chủ.
Chị Đinh Thị Quỳnh Nga (đứng thứ 2, từ phải sang) thành lập HTX tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật
Hiện nay, các sản phẩm của HTX khá đa dạng, tiêu biểu như: chiếu gỗ hương, khoác ghế ô tô, đệm lót văn phòng, gối đầu massage, túi xách mỹ nghệ, vòng đeo tay, dây đeo cổ… Chị Nga tỉ mỉ, tận tụy dành thời gian hướng dẫn cho công nhân, là những người khuyết tật trong xưởng.
Mỗi người một việc, ai cũng chăm chú miệt mài cố gắng làm thật tốt công việc của mình. Những công đoạn đòi hỏi kỹ thuật khó được bố trí cho các phụ nữ trung tuổi, có tính kiên trì, cẩn thận thực hiện. Người vào làm trước có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn cho người vào sau, ai cũng có việc làm để tự kiếm sống bằng chính đôi tay của mình. Nhưng điều quan trọng và ý nghĩa hơn cả là họ có "một gia đình nhỏ", thương yêu đùm bọc lẫn nhau như những người thân trong gia đình. Nhiều HTX của người khuyết tật ở các địa phương khác cũng cử người đến học việc tại Trái tim hồng.
Sản xuất than sạch thân thiện với môi trường
Trong quá trình sản xuất, chị Nga thấy xưởng hạt gỗ của HTX thải ra nhiều phế phẩm. Bên cạnh đó, các phế phẩm nông lâm nghiệp trên địa bàn rất nhiều, gây ô nhiễm môi trường, chị Đinh Quỳnh Nga đã có ý tưởng tái chế các phế phẩm từ gỗ hương thành nhiên liệu chất đốt bảo vệ môi trường đảm bảo sức khỏe cho mọi người. Không khói, không mùi, không chất kết dính và không độc hại, than hoạt tính đã được nhiều hộ gia đình, các nhà hàng tại địa phương và Hà Nội sử dụng.
Chi Đinh Thi Quỳnh Nga tái chế các phế phẩm nôn glaam nghiệp thành than không khói bảo vệ môi trường đảm bảo sức khỏe cho mọi người
Hiện than hoạt tính được sản xuất tại nhà xưởng diện tích 250 m2. Dây chuyền sản xuất than bao gồm: 01 máy nghiền; 02 máy trộn, 01 máy ép than; 02 băng tải; 03 lò sấy, 45 giàn sấy, 1.000 khay đựng than. Với công suất 40 tấn than/ 01 tháng, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động, chị Quỳnh Nga bày tỏ sự kỳ vọng vào dự án than hoạt tính này vì đây là một sản phẩm thực sự hữu ích, vì sức khoẻ cộng đồng.
Sản phẩm than không khói của HTX đang được tiêu thụ trên thị trường.
Sản xuất than hoạt tính thân thiện môi trườ̀ng của HTX thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng là dự án khởi nghiệp của Phụ nữ khuyết tật dự thi Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo- kết nối thành công" năm 2020 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức và được chọn vào vòng dự thi cấp vùng.
Chị Đinh Thị Quỳnh Nga mong muốn sẽ được nhận sự hỗ trợ máy móc thiết bị để xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị; mở rộng quy mô sản xuất, chủ động sản xuất nguyên liệu đầu vào và hỗ trợ vốn để nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm.
Trần Lê